1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

43 năm nuôi em chồng tâm thần, 19 năm nuôi cháu chồng mồ côi

Suốt một đời, người đàn bà ấy không có mấy thời gian sống cho bản thân. Bà sống để nuôi một cô em chồng bị tâm thần, một cô con gái riêng của chồng, 5 đứa con và cả đứa cháu ngoại chồng côi cút.

Thời xuân sắc vất vả

 

Sinh năm 1934, ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây, tuổi xuân sắc của cô gái chân quê Nguyễn Thị Hoàn sôi nổi trong các phong trào giao liên, bình dân học vụ và đặc biệt là tham gia dân công mở đường tải đạn phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Giữa năm 1953, một thiếu phụ trẻ trong làng bị vi trùng uốn ván qua đời để lại đứa con gái nhỏ chưa đầy tuổi. Chồng thiếu phụ đó là anh bộ đội Lý Văn Thái đang đóng quân trên miền Tây Bắc, chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Để yên lòng người trai ra trận, gia đình và địa phương sớm tìm cho cháu bé người kế mẫu.

 

Nhiều người trong làng trong họ đánh tiếng, mối lái giới thiệu Hoàn cho người lính Điện Biên. Đám cưới thời chiến diễn ra nhanh chóng và gọn nhẹ. Sau đó ít hôm, anh Thái lên đường ra mặt trận. Ở hậu phương, Hoàn vừa nuôi đứa con chồng khát sữa vừa đảm đang việc nhà, chăm lo bố mẹ chồng và cả ông bà chồng chu đáo.

 

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, chồng Hoàn không về. Nhiều người loan tin anh Thái đã có vợ là một cô gái Thái nên không về làng nữa. Bán tín, bán nghi nhưng Hoàn vẫn kiên trì nuôi đứa con chồng bé bỏng, đứa em gái chồng tâm thần và chăm lo công việc gia đình nhà chồng.

 

Năm 1963, Hoàn làm công nhân ở nhà máy Xi măng huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình. Năm 1964, người chồng trở về. Đôi vợ chồng lần lượt có với nhau 6 người con nữa.

 

Ước mơ bình dị

 

Chuyển về Hòa Bình sinh sống, người chị dâu vẫn trăn trở thương cô em chồng tâm thần. Bà bàn với chồng đón em lên nuôi.

 

Chưa khi nào bà phân biệt đối xử với người em chồng thiệt thòi và cô con gái riêng của chồng dù kinh tế gia đình eo hẹp. Sau này, khi đã nghỉ công tác, bà lại có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm ở thị xã Hoà Bình để nhặt ve chai, mua lông gà lông vịt kiếm đồng ra đồng vào nuôi cả gia đình.

 

Năm 1987, người con riêng của chồng lập gia đình, sinh được một cháu trai tên Nguyễn Đại Nghĩa. Không may bố mẹ Nghĩa lần lượt qua đời khi cháu chưa đầy 2 tuổi. Gánh nặng ấy tiếp tục chất lên vai bà Hoàn. Trước nuôi con chồng, giờ bà lại nuôi cháu chồng.

 

Năm 1989, ông Thái qua đời, để lại cho bà 5 đứa con đang tuổi ăn học, một người em chồng tâm thần vào tuổi 50 và một đứa cháu ngoại mồ côi. Từ đó đến nay đã gần 20 năm, một tay bà chèo chống, các con đều đã trưởng thành, có gia đình riêng. Thương mẹ, họ muốn bà về ở cùng để an hưởng tuổi già, nhưng bà Hoàn, người phụ nữ 75 tuổi ấy, vẫn quyết định ở lại căn nhà cấp 4 của mình.

 

Bằng đồng lương hưu 700.000đ/ tháng, bà tiếp tục nuôi cô em chồng năm nay đã 66 tuổi và đứa cháu ngoại 19 tuổi, đang học đại học.

 

Trong lúc tôi ngồi nghe chuyện của bà, người em chồng thỉnh thoảng lại ngó nghiêng nhìn, bà Hoàn nhẹ nhàng nhắc: “ Vào trong kia đi em, để chị còn nói chuyện”.

 

Chia tay tôi, bà trầm tư khi nói về ước nguyện của mình: “Tôi ước trời cho khoẻ mạnh để chăm lo cho cô ấy không phải ngủ bờ ngủ bụi và thằng cháu Nghĩa được ăn học nên người. Bây giờ cháu nó mới đang học năm thứ nhất Đại học Thủy Lợi, liệu tôi có còn sống đến khi nó học xong đại học không, lại còn xin việc rồi vợ con nữa chứ?”.

 

Cảm phục tấm lòng cao thượng của bà Thái Hoàn, tôi cầu mong bà mạnh khỏe và sống lâu để thực hiện trọn vẹn ước mơ bình dị mà cao đẹp của mình.

 

Theo Tuấn Vĩnh

Vietimes