1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

4 nông dân tự dựng barie gác chắn tàu

Thường xuyên chứng kiến những TNGT đường sắt thảm khốc tại một “điểm đen” giao thông ở TP Tuy Hòa (Phú Yên), 4 nông dân đã bỏ nghề trồng hoa cây cảnh, dựng barie, thay phiên nhau đứng gác.

“Điểm đen” TNGT giữa lòng thành phố

 

Một năm trước, tại điểm giao nhau giữa đường ngang 1/4 với đường sắt Bắc Nam xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng làm 3 người thiệt mạng, trong đó có một bé gái vừa tròn 1 tuổi. Vào lúc 8h12 ngày 25/5/2006, tàu SE4 lưu hành theo hướng Nam - Bắc đã tông vào xe máy biển kiểm soát 78-333YH do chị Cao Thị Duyên (34 tuổi) điều khiển, chở sau là chị Võ Thị Chừng (41 tuổi) và con gái Hồ Thị Diễm (1 tuổi).

 

Đây không phải là lần đầu tiên tàu hỏa gây ra những cái chết thảm khốc cho người đi đường tại nút giao thông nguy hiểm này. Trước đó, từ năm 2001 đến 2006, tại đây đã xảy ra 8 vụ TNGT tương tự làm chết 8 người, bị thương nặng 3 người khác.

 

Đường 1/4 là tuyến đường ngang phía Bắc TP Tuy Hòa, chạy từ bờ biển lên ngang qua đường sắt, lưu lượng người giao thông qua lại rất đông nhưng ngành đường sắt chưa lập gác chắn mà chỉ lắp tạm hệ thống chuông cảnh báo tự động, mỗi khi có chuyến tàu chạy qua thì chuông đổ báo hiệu có tàu sắp đến. Tuy nhiên hệ thống cảnh báo kiểu này, chỉ có những người thường xuyên qua lại đoạn đường này mới biết, còn khách vãng lai chẳng mấy ai để ý.

 

Cán bộ đường sắt không chuyên

 

Nhà nằm cạnh nút giao thông tử thần này, ông Nguyễn Văn Thiện (71 tuổi) chứng kiến hầu hết những vụ tai nạn thương tâm. Đêm đêm ông trăn trở trước những cái chết oan uổng mà con người có thể ngăn chặn được.

 

Thời điểm ông Thiện đề nghị làm gác chắn tạm tại đường 1/4, cũng là lúc Ban ATGT tỉnh Phú Yên “mổ xẻ” các vấn đề liên quan “điểm đen” TNGT này. Ngành giao thông Phú Yên cho việc hình thành gác chắn tại đây thuộc về quyền hạn của bộ ngành trung ương, nếu  Bộ GTVT chấp nhận đề nghị của tỉnh, cũng mất ít nhất 1-2 năm để có một gác chắn ở đây.

 

Thế là, nguyện vọng của ông Thiện được UBND phường 9 đề nghị lên UBND TP Tuy Hòa, được TP chấp nhận.

 

Trạm gác chắn trên đường 1/4 hình thành cách đây 1 năm. Cái gác chắn ra đời trong sự ngạc nhiên tò mò của người đi đường. Gác chắn cũng có trạm, nhưng dựng bằng phên tre, gỗ đơn giản; barie chắn đường là 2 cây tre đực đã già uốn thẳng, được sơn 2 màu trắng đỏ và gắn vào đó bảng hình tròn vẽ chữ STOP.

 

Tổ trực làm nhiệm vụ bảo đảm ATGT là 4 nông dân tình nguyện: ông Nguyễn  Văn Thiện, Huỳnh Sến (61 tuổi), Nguyễn Văn Vinh (62 tuổi) và Nguyễn Văn Tâm (48 tuổi), đều là cư dân ở khu phố Phước Hậu 3 phường 9 TP Tuy Hòa. Những “cán bộ” đường sắt không chuyên này là những nông dân chuyên trồng hoa cây cảnh ở phường 9 TP Tuy Hòa.

 

“Làm dâu trăm họ”

 

Ông Thiện cho biết: “Ban đầu làm cái việc không công này bà nhà tôi cằn nhằn dữ lắm, bảo là đương không lại rước cái khổ vào thân. Già chừng này tuổi mà phải ra đứng gác đường giữa nửa đêm gà gáy”.

 

Người đi đường, người khen thì ít, kẻ chê lại nhiều. Một cậu thanh niên đang đi nhậu về phóng xe qua đây bỗng bị “mấy ông già dở hơi” ngáng cây tre lại, cằn nhằn: “Mấy ông già ăn không ngồi rồi, rách việc!”. Kẻ đàng hoàng hơn thì bảo: “Tàu đã đến đâu mà hăng dữ, trễ hết việc của người ta!”. Có nhiều người còn ra oai: “Ai cho phép các ông làm việc này?”.

 

Mặc. Thanh barie của những “ông già chân đất” vẫn đóng mở đúng giờ tại chốt giao thông này hơn 1 năm qua.

 

Cả tổ 4 người chia làm hai ca, mỗi ca trực một ngày một đêm. Ông Vinh nói: “Ban ngày thì không sao, còn chiều tối, hai người cùng thức từ 6-12h đêm. Từ 12h khuya đến 6h sáng thì một người ngủ, một người thức, cứ 2 giờ lại thay ca. Nói là ngủ nhưng cứ chập chờn vì để khi nghe có báo động là chạy ra ngay. Mình chịu khó một chút để bà con an toàn là tốt rồi”.

 

Theo lời ông Thiện, tuổi già ít ngủ cũng có thuận lợi hơn lớp trẻ nhưng thức đêm nhiều cũng rất “oải”. Mùa hè còn đỡ chứ mùa mưa bão dài hơi như vừa rồi, hai ca trực phải lặn lội đêm khuya để làm nhiệm vụ, mặc cho gió mưa lạnh lẽo quất vào mặt. Ông Sến tâm sự: “Lúc đầu bà nhà tôi hay nói ông điên hay sao mà ra đó cho khổ?”, nhưng sau thấy không có tai nạn gì xảy ra nữa, bả chỉ dặn cầm theo lọ dầu, viên thuốc...

 

Tìm hiểu mới biết, ông Sến là thợ mộc lành nghề và còn sức khỏe. Nếu chỉ ngày hai buổi đi làm thợ quanh phường, chi tiêu rồi, cuối tháng ông vẫn thu về đàng hoàng 1, 2-1,5 triệu đồng. “Mình làm điều có ích cho xã hội thì cũng chẳng nên so đo làm chi”, ông giải thích.

 

“Điểm đen” tuyệt đối… an toàn

 

Từ ngày có “mấy ông già dở hơi” đứng gác, điểm đen 1/4 chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông nào.

 

Anh Nguyễn Tiến Dũng (nhà ở khu phố Ninh Tịnh 3, phường 9) hiện là ca trưởng Nhà máy bia Sài Gòn - Phú Yên, cho biết: “Hôm nào tôi cũng đi làm về qua đường này. Dù mưa hay nắng, sáng hay tối, lúc nào cũng thấy các bác tận tụy với công việc. Trước kia thỉnh thoảng lại nghe tàu lửa tông chết người, nay thì tuyệt đối không. Bà con mừng lắm”.

 

Nhiều người trong xóm chiều chiều ra đây ngồi chơi, chứng kiến việc làm của 4 ông gác chắn. Một người vừa mãn tang người thân là nạn nhân tai nạn nơi này, bâng khuâng khi qua đây: “Hồi đó, nếu sớm có sáng kiến này thì đâu đến nỗi...”.

 

Ai cũng nhiệt liệt ủng hộ việc làm của 4 ông già gác chắn. Bà Phạm Thị Bông - Chủ tịch UBND phường 9 nói: “UBND TP chi thù lao  600.000đ/người/tháng. Chúng tôi đang đề nghị nâng lên nhưng chưa được chấp nhận. Riêng địa phương thì cũng linh động giải quyết bồi dưỡng cho mấy bác gói trà, mì tôm bồi dưỡng trực đêm. Có điều mừng là các bác, các chú chẳng nề hà gì chuyện đó...”.

 

Theo trung tá Nguyễn Tấn Hưởng, Phó phòng CSGT  CA tỉnh Phú Yên, tai nạn đường sắt đoạn qua Phú Yên xảy ra ngày càng phức tạp. Nguyên nhân các vụ tai nạn thường là nạn nhân không quan sát khi đi qua đường ngang giao nhau với đường sắt. Ngoài ra, trong số 104 đường ngang qua đường sắt thì chỉ có 17 đường có gác chắn.

 

Về việc 4 ông già tự nguyện bảo vệ ATGT tại “điểm đen” trên đường 1/4, Trung tá Hưởng cho biết: “Từ khi có gác chắn tạm thời, tại điểm đen này đã an toàn tuyệt đối, chưa xảy ra vụ TNGT nào... Ban ATGT đang đề nghị báo cáo kinh nghiệm để nhân rộng mô hình này”.

 

Trung tá Hưởng còn cho biết: “Khó khăn tại điểm gác chắn này là chưa có điện thoại liên lạc. Nếu ngành đường sắt hay địa phương quan tâm lắp cho cái điện thoại để nhà ga thông báo giờ tàu qua thì đỡ biết mấy. Hiện nay tổ trực chỉ dựa vào tiếng chuông báo tự động, ban đêm thì nhìn ánh đèn tàu hoặc tiếng còi tàu để hạ barie. Nhưng hệ thống chuông báo tự động đâu phải lúc nào cũng kêu. Nhiều hôm trời mưa hệ thống bị chập, im re. Các ông già phải đứng trực suốt”.

 

Bà con khu vực “điểm đen” thì nhắn nhủ: “Nhờ mấy nhà báo viết, nhắc các lái tàu khi ra vào TP nhớ kéo còi giùm...”.

 

Theo Trình Kế

VietNamnet