1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thừa Thiên - Huế:

35 năm giao thương với thế giới bên ngoài bằng chiếc ghe 4 chỗ

(Dân trí) - Có một thôn đã hơn 35 năm nay giao thương với thế giới bên ngoài duy nhất bằng chiếc ghe mỏng manh 4 chỗ. Ở nơi ấy, mùa mưa đến, việc làm của người lớn, việc học của trẻ em bị tê liệt, cả thôn như bị cô lập...

35 năm mạo hiểm cùng dòng sông

 

35 năm giao thương với thế giới bên ngoài bằng chiếc ghe 4 chỗ - 1

35 năm qua, chiếc ghe nhỏ này là cầu nối duy nhất giữa 2 bờ sông Ô Lâu. Phía trên đầu là sợi dây thừng "bảo hiểm"
 
Thôn Hưng Thái, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế hình thành từ năm 1975. Lúc đó người dân qua sông Ô Lâu bằng phương tiện chính là 2 chiếc ghe. 35 năm qua, dân số tăng nhanh nhưng ghe thì chỉ còn lại một chiếc.

 

Có mặt tại đoạn sông Ô Lâu, thôn Huỳnh Trúc, chúng tôi nghe tiếng còi inh ỏi của hàng chục xe máy và tiếng người nhốn nháo muốn qua sông sang bên thôn Hưng Thái. O (cô) Nguyễn Thị Xê, chủ ghe, đứng bên này sông vội lấy cây sào chống nhanh xuống bờ, đẩy con ghe nhỏ ra giữa dòng nước. Nước sông đang mùa mưa chảy xiết làm ghe o Xê xoay mòng mòng. Chới với một lúc, tay o Xê mới chạm vào được sợi dây thừng cứu hộ do chính o căng ngang sông. Dùng lực tay kéo dây thừng, ghe cứ thế lướt về phía bờ bên kia.

 

Chở 4 vị khách ngồi vừa đủ trên “khoang” lái rộng chừng 2m2, o Xê chèo  chống ghe bằng cái sào dài - cứ đâm xuống đáy sông sâu chừng hơn 3m. “Tui không chèo bằng mái vì sức đã cạn rồi. Chỉ lấy sào đẩy, lúc nào nước lớn thì bám vào sợi dây “cứu hộ” giữa sông đó rồi lần theo là cả ghe, cả người đều tới bến an toàn”, o Xê chia sẻ kinh nghiệm “qua sông an toàn” của mình.
 
35 năm giao thương với thế giới bên ngoài bằng chiếc ghe 4 chỗ - 2

 

O Xê tâm sự: “Muốn bỏ nghề chèo ghe lắm rồi chú ạ vì ngày mô cũng chỉ ngủ được vài tiếng mà chèo thì hàng trăm lượt. Tui mỏi lưng, nhức cẳng chân lắm. Chắc chèo vài năm nữa là tui kiệt sức mất. Nhưng, còn người cầu cứu mình giúp đưa họ qua sông thì làm răng mà trách nhiệm cho phép mình nghỉ được”.

Ngó quanh quất, trên ghe o Xê chỉ có 3 phao cứu sinh cũ kỹ. O Xê kể: “Có nhiều lúc mấy đứa học sinh đi học. Nó ngồi cả đám từ 8 đến 10 đứa trên ghe, áo phao thì không đủ. Tôi và mấy đứa lớn như cứ thành tật, động viên mấy đứa sợ và không biết bơi rằng có gì thì sẽ cứu”.

 

Hàng ngày, cứ từ 4 giờ sáng, o Xê đã dậy chở khách. Hôm nào ai có việc gấp thì 2 giờ sáng o cũng phải dậy. 9 giờ tối là kết thúc ngày làm việc - đồng nghĩa với việc mọi người dân đều không thể qua sông.

 

Đó cũng là lý do mà chị Trương Thị Gòn (43 tuổi, thôn Hưng Thái) lên áp huyết cao trong đêm, hàng xóm kêu ghe mãi không được, đến khi có ghe, đưa được chị qua sông, tới bệnh viện thì chị đã ngừng thở.

 

Bao năm mơ một cây cầu

 

Với vị trí ở gần thượng nguồn nên cứ vào khoảng tháng 9 trở đi, trời mưa to, dòng chảy sông Ô Lâu lại ầm ầm như thác đổ. Chiếc ghe của o Xê cũng không dám chở khách vì sợ bị nước cuốn đi. Có lần o liều đi, cả ghe gặp con nước lớn làm lật úp, may ai cũng biết bơi nên thoát chết.
 
35 năm giao thương với thế giới bên ngoài bằng chiếc ghe 4 chỗ - 3
Trên ghe chỉ có 3 chiếc phao nhỏ.

 

Thế nên toàn thôn Hưng Thái (300 khẩu) và vùng Khe Mạ sau đó (150 khẩu) cứ “đến hẹn lại lên”, mùa mưa là… đắp chăn nằm ở nhà chờ nước rút để qua sông.

 

Khối công chức trong thôn cứ nghỉ liên miên, trung bình 1 năm nghỉ làm 2 tháng. Công nhân ở các vùng khác qua Hưng Thái cạo mủ cao su hay chăm rừng tràm cũng đành phó mặc đồn điền cho trời đất. Tội nghiệp hơn là các em học sinh cấp 1, cấp 2 đi học ở các vùng bên xã Phong Mỹ cũng nghỉ học liên miên. Nhà ai có người thân ở bên kia sông thì đành gửi con em ở đó vài tháng, hết mùa mưa lũ mới cho con về.

 

Đã thành lệ, ở thôn Hưng Thái làm gì cũng phải tính đến… dòng chảy của con nước. Thực ra để giao thương với thế giới bên ngoài, thôn Hưng Thái còn có một đường đi nữa là con đường rừng dài hơn 4 km. Có điều con đường này chỉ cần mưa xuống là bùn lầy ngập hơn đầu gối.

 

Ông Trần Minh Tâm, trưởng thôn Hưng Thái, cho biết, cuộc họp nào lãnh đạo thôn cũng báo lên xã, huyện về tình hình “bi đát” của thôn nhưng cấp trên vẫn chưa có biện pháp gì để giúp dân bớt khổ.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Xuân, Bí thư xã Phong Mỹ, cho rằng tuyến giao thông nối liền với thôn cần được chính quyền huyện và tỉnh sớm làm ngay, tránh để những nguy hiểm cho dân.

 

Trong nghị quyết mới nhất của Đại hội Đảng bộ huyện Phong Điền có nêu tên dự án xây cầu qua thôn Hưng Thái là 1 trong 10 chương trình, dự án trọng điểm của huyện, giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, kinh phí thì còn phải chờ cấp trên duyệt.
 
35 năm giao thương với thế giới bên ngoài bằng chiếc ghe 4 chỗ - 4

 

Như vậy trước mắt, chiếc ghe nhỏ 4 chỗ mỏng manh của o Xê vẫn là cầu nối duy nhất giữa người dân Hưng Thái với thế giới bên ngoài.

 

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm