300.000 hộ dân tộc thiếu đất ở, đất sản xuất
(Dân trí) - Con số này được đưa ra trong báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được UB Thường vụ QH cho ý kiến chiều 13/9.
Theo báo cáo giám sát, sau 10 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, kết quả quan trọng nhất là hàng trăm ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; nhiều hộ đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống; xuất hiện một số mô hình sản xuất, chăn nuôi, chuyển nghề hiệu quả.
Một số điểm định canh định cư và tái định cư, khu dân cư được quy hoạch, đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn trên 300.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất, gần bằng số hộ cần đầu tư của giai đoạn khởi đầu chính sách (2002-2008).
Qua giám sát, nổi lên một số tồn tại, bất cập, hạn chế như công tác tổng hợp số liệu, rà soát, xác định đúng đối tượng thụ hưởng chính sách này còn hạn chế. Trong khi đó, công tác tham mưu, hoạch định chính sách còn bị động, giải quyết tình thế; công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc đang có biểu hiện chồng chéo, thiếu tập trung. Mục tiêu hạn chế nhanh, đi đến chấm dứt tình trạng di cư tự do vẫn đang là thách thức...
Theo Đoàn giám sát và các bộ, ngành liên quan, vấn đề nan giải, khó khăn nhất hiện nay là quỹ đất sản xuất có hạn, nhất là vùng núi đá phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (cơ quan giám sát) phân tích, cái khó là lấy đất ở đâu ra, bên cạnh đó là sự gia tăng dân số của đồng bào quá nhanh. Trong 10 năm dân số của người Mông đã tăng thêm 200 nghìn dân. Việc làm thiếu nên đồng bào chỉ biết trông chờ, bám trụ vào đất.
Băn khoăn nhất là vấn đề đất ở hiện nay của đồng bào, nhiều hộ dân nhận đất xong không ở lại di dân đi vùng khác do đó gây lên tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu. Vấn đề giải quyết thiếu đất ở cho đồng bào hiện nay rất khó khăn.
Đặc biệt, tác động của các thủy điện đối với việc thiếu đất ở, đất sản xuất của bà con, ông Phước cho rằng, ở những dự án này, việc bố trí đất ở, đất sản xuất tái định cư cho đồng bào rất khó khăn vì khu vực đất được tái định cư rất xấu. Ví dụ như Thủy điện Sơn La, bà con được bố trí đất sản xuất tại khu vực tái định cư rất xấu nên sản lượng, năng suất thấp.
Kết quả giám sát cho thấy, chưa thể trả lời khi nào giải quyết xong tình hình thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Không có nguồn đất, bên cạnh đó là dân cư tăng, tách hộ; chưa giải quyết căn bản vấn đề việc làm cho đồng bào, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế... là những nguyên nhân khiến sức ép về đất sản xuất ngày càng tăng. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện chứ không chỉ riêng vấn đề đất đai; nghiên cứu đầu tư để phát triển theo đặc thù vùng khó khăn về điều kiện tự nhiên.
Báo cáo giám sát chỉ ra, giải pháp quan trọng đặt ra hiện nay là quy hoạch và phân bố lại nguồn lực đất đai, trong đó cần thực hiện tốt mục tiêu thu hồi đất từ các nông, lâm trường để tạo quỹ đất, giao cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất, không có đất sản xuất; tăng cường hỗ trợ đất khai hoang phục hóa và cũng phải tính đến việc mua đất cho người dân.
Đối với vấn đề di cư tự do, một mặt cần quy hoạch để dân vào vùng có đất nhưng quan trọng hơn là tổ chức tốt cuộc sống tại chỗ, với điều kiện đất ít hơn nhưng là nơi có văn hóa, truyền thống, cộng đồng, làng xóm, tiếng nói, chữ viết... của đồng bào.
P.Thảo