1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

300 năm nữa mới rà phá hết bom mìn sót lại sau chiến tranh

(Dân trí) - 800.000 tấn bom mìn rải rác khắp cả nước, hơn 100.000 người chết và bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh, 20% diện tích đất đai bị ô nhiễm… Đó là những con số khiến nhiều người phải rùng mình về hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.

Cơ quan thường trực - Ban Chỉ đạo Nhà nước về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (BCĐ 504) cho biết, sau nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bom mìn do quân đội nước ngoài mang đến tàn phá, còn sót lại trên đất nước ta là rất lớn và rải rác khắp lãnh thổ. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã làm ô nhiễm hàng triệu héc-ta (ha) đất đai và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bởi chất nổ, chất cháy, chất độc hại có trong bom mìn, làm chết nhiều người bị chết và bị thương (trong đó đa phần là trẻ em và người lao động chính trong gia đình).
 
Một nạn nhân bị thương tích do bom mìn phát nổ
Một nạn nhân bị thương tích do bom mìn phát nổ

Theo thống kê chưa đầy đủ của BCĐ 504, từ sau chiến tranh đến năm 2.000 m, cả nước đã có hơn 100.000 người chết và bị thương do bom mìn sót lại, bình quân mỗi năm có khoảng 4.000 người chết và bị thương vì bom mìn phát nổ.

Thiếu tướng Phạm Quang Xuân - Bộ Tư lệnh Công binh, Phó Cơ quan thường trực - BCĐ 504 cho hay: “Với tiến độ rà phá bom mìn như hiện nay thì phải mất 300 năm nữa mới giải quyết được hết bom mìn để lại sau chiến tranh. Nếu đẩy mạnh tiến độ và có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc thế thì thời gian đó dự kiến được rút lại còn khoảng 100 năm và nhanh là 70 năm nữa”.

Mỗi năm, Bộ Quốc phòng và các tổ chức chuyên môn đã rà phá được hơn 100 ha đất đai có bom mìn, trong 5 năm trở lại đây (từ 2008 - 2012) số lượng bom mìn rà phá được là hơn 570.000 ha.

“Khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh là công việc có yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại và cần thời gian dài với nguồn kinh phí rất lớn. Đã có nhiều chiến sỹ hi sinh trong khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn sau chiến tranh. Chúng tôi coi công tác rà phá bom mìn là cuộc chiến đấu giữa thời bình” - Thiếu tướng Xuân nói.

Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết bom mìn, đảm bảo an toàn cho nhân dân và ổn định đời sống xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thực hiện chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2015 (Chương trình 504). Theo đó, từ năm 2011 - 2015 sẽ tập trung điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên phạm vi toàn quốc; xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia; tăng cường hoạt động của Trung tâm quản lý dữ liệu về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh…
 
Công tác rà phá bom mìn rất nguy hiểm và phức tạp
Công tác rà phá bom mìn rất nguy hiểm và phức tạp

Chương trình 504 sẽ triển khai các dự án rà phá bom mìn bảo đảm an toàn cho nhân dần và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung ở các tỉnh miền Trung, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Sau năm 2015, Chương trình 504 sẽ tập trung triển khai các dự án rà phá làm sạch bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn trên quy mô rộng lớn hơn.

Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình 504, bình quân mỗi năm có hàng trăm ha đất đai được rà phá bom mìn và đưa vào canh tác, góp phần xóa đói giảm nghèo. Cơ quan thường trực BCĐ 504 đã hoàn thành điều tra lập bản đồ ô nhiễm bom mìn cho 49/63 tỉnh, thành.
 

Phát biểu khai mạc tại buổi Toạ đàm về công tác khắc phục hậu quả bom mìn (KPBM) vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội tổ chức chiều ngày 27/3, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cho biết, tuy đã đạt được những kết quả bước đầu trong khắc phục hậu quả bom mìn nhưng Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác này.

 
Theo thứ trưởng: “Trước mắt từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần huy động khoản kinh phí khoảng 14.000 tỷ đồng (tương đương 700 triệu USD) để khắc phục hậu quả bom mìn”.  
 
(Ảnh: Nam Hằng)


(Ảnh: Nam Hằng)
 
Hiện nay, phần lớn kinh phí cho các chương trình rà phá bom mìn của Việt Nam chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, trong khi đó nguồn tài trợ quốc tế và sự tham gia của tư nhân còn hạn chế, đây cũng là một khó khăn cho Việt Nam ể đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn.
 
Nam Hằng

Quỳnh Anh