1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng Thăng:

3 Phó Thủ tướng cùng “lăn lộn” với công trường, dự án

(Dân trí) - Trao đổi về việc dự án nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên “lập kỷ lục” về tiến độ và dư vốn lớn (14.200 tỷ đồng), Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, lãnh đạo các địa phương, 3 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh, Hoàng Trung Hải cùng tập trung công sức để “đẩy” kết quả thi công…

 

Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, số dư 14.200 tỷ đồng tương đương 22% tổng số vốn được bố trí cho dự án (ảnh: Việt Hưng).
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, số dư 14.200 tỷ đồng tương đương 22% tổng số vốn được bố trí cho dự án (ảnh: Việt Hưng).

Báo cáo trước Quốc hội chiều 20/10 về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết, tuyến đường hoàn thành vượt tiến độ, dư vốn hơn 14.000 tỷ đồng.

Thẩm tra về báo cáo này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, theo Nghị quyết số 65 của Quốc hội, tổng mức vốn đã được bố trí đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là hơn 64.000 tỷ đồng.

Sau khi rà soát lại, do không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá; điều chỉnh thiết kế cho phù hợp; sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý; tiết kiệm 5% dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng kinh phí dự kiến để thực hiện các dự án chỉ còn hơn 50.000 tỉ đồng. Như vậy, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ còn dư là 14.200 tỉ đồng (chiếm 22% so với tổng số vốn đã được bố trí).

Đa số ý kiến trong UB Tài chính Ngân sách đánh giá tích cực đối với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công 2 dự án này, sớm đưa công trình vào sử dụng vượt thời gian.

Cơ quan thẩm tra cũng đặt vấn đề, tỷ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí (dư 22%) phần nào thể hiện việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa sát với thực tiễn.

Về nguyên tắc sử dụng vốn dư, thường trực UB Tài chính Ngân sách cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về các nguyên tắc sử dụng vốn dư phải nằm trong danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ được Quốc hội quyết định hoặc là các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A cải tạo và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; các dự án kết nối, góp phần phát huy hiệu quả đối với 2 tuyến đường này.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra yêu cầu Chính phủ làm rõ tính cấp bách, cần thiết của từng dự án để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, 3 Phó Thủ tướng thường xuyên theo dõi, chỉ đạo sát sao để tổng thể dự án đạt kết quả tốt (ảnh: Việt Hưng).
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, 3 Phó Thủ tướng thường xuyên theo dõi, chỉ đạo sát sao để tổng thể dự án đạt kết quả tốt (ảnh: Việt Hưng).

Trao đổi thêm với báo giới bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, việc cắt giảm được chi phí là do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thi công nhanh, đảm bảo chất lượng là yếu tố quyết định, khiến chi phí dự phòng trượt giá giảm. Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh, để thi công nhanh thì yếu tố giải phóng mặt bằng là quan trọng số một, mà điều này, nếu chỉ mình Bộ GTVT không làm được. Kết quả đạt được là do có sự vào cuộc rất tích cực của lãnh đạo Chính phủ và nhiều địa phương.

“Trực tiếp 3 Phó Thủ tướng chỉ đạo 2 dự án đó là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - phụ trách công tác tài chính, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - phụ trách việc thi công, triển khai dự án nên tổng thể công trình mới đạt được kết quả tốt”- ông Thăng khẳng định.

Theo ông Thăng, rút kinh nghiệm từ việc mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên lần này, Bộ GTVT cho rằng, các dự án phải có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của Chính phủ, các cấp, các địa phương, thì sẽ hoàn thành sớm, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, theo phân tích của Bộ trưởng GTVT, việc 2 dự án được sớm đưa vào sử dụng không chỉ tiết kiệm trên 14.000 tỷ đồng mà góp phần vào giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, tốc độ xe được nhanh hơn góp phần lưu thông hàng hoá, đi lại của người dân thuận tiện hơn. Hiệu quả thấy rõ không chỉ ở những địa phương có tuyến đường đi qua là Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định… mà điều này còn có ý nghĩa với cả nước.

P.Thảo 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm