Vụ rơi nguồn phóng xạ ở Vũng Tàu:
28 công nhân xét nghiệm tại Đà Lạt đã về Vũng Tàu
(Dân trí) - Lúc 8h30 sáng qua, 28 công nhân nghi nhiễm xạ của Công ty PTSC M&C đã trở lại làm việc bình thường, sau khi được đưa lên xét nghiệm tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Những công nhân này sẽ tiếp tục được tiến hành xét nghiệm máu.
>> Rò rỉ phóng xạ: Nhiều công nhân nhức đầu, khó thở…
>> “Nguồn phóng xạ không ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân”
Sáng cùng ngày, 9 công nhân của có triệu chứng đau đầu, nhức mỏi, khó thở nhập viện ngày 30/12 để lấy máu xét nghiệm cũng đã được trở về nhà.
Chiều ngày 31/12, Ban Giám đốc Công ty PTSC M&C, lãnh đạo Công ty Alpha đã đến tận giường bệnh của các nạn nhân ân cần thăm hỏi, tặng quà cho các công nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Ông Phan Thanh Tùng - Giám đóc Công ty PTSC M&C cho biết: “Qua Tết Dương lịch, ngày 2/1, công ty sẽ tiến hành cho xe chở số công nhân đang điều trị tại Bệnh viện Lê Lợi lên Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để tiến hành xét nghiệm. Mọi chi phí cho quá trình xét nghiệm, đi lại, ăn ở sẽ do công ty chi trả toàn bộ. Nếu công nhân nào đề nghị đi xét nghiệm máu, công ty sẽ sẵn sàng”.
Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu Công ty Alpha giải trình về nguyên nhân rơi nguồn phóng xạ, đồng thời, yêu cầu Alpha phải đưa ra những bằng chứng khoa học xác thực, chứng minh đích xác thời gian xảy ra rơi nguồn.
Công ty Alpha cho biết, thời điểm rơi nguồn ra khỏi thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp là trong khoảng thời gian từ 11h30 đến 12h30 ngày 28/12. Nguyên nhân rơi nguồn là do đứt cổ khớp nối nguồn của thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp.
Mức độ ảnh hưởng của “sự cố” rơi nguồn phóng xạ được giải thích như sau: Khi nguồn bị rơi ra khỏi thiết bị chụp ảnh phóng xạ, suất liều phóng xạ được đánh giá tại khoảng cách 1m cách nguồn là 113mSv/h; 5m là 4,5 mSv/h; 10m là 1,1 mSv/h và 30m là 0,1 mSv/h (trong điều kiện không có vật cản che chắn). Môi trường không bị nhiễm bẩn phóng xạ sau khi nguồn được thu hồi. Phông bức xạ đo được tại vị trí rơi nguồn bằng phông bức xạ môi trường, đảm bảo an toàn cho người lao động làm việc.
Nhân viên tham gia ứng phó sự cố của Công ty Alpha nhận được liều bức xạ cao nhất là 34mSv (nhỏ hơn mức giới hạn liều - 50mSv, quy định cho nhân viên bức xạ trong một năm làm việc đơn lẻ). Kết quả kiểm tra sức khoẻ và xét nghiệm máu của toàn bộ công nhân được đưa đi khám tính đến thời điểm 17 giờ ngày 30/12/2007 chưa phát hiện bất kỳ hiện tượng bất thường nào.
Đây là sự cố rơi nguồn phóng xạ của thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp, không phải là sự cố rò rỉ nguồn phóng xạ hay là sự cố mất nguồn phóng xạ.
Trước đó, tiến sĩ Đặng Thanh Lương - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân đã có cuộc trao đổi và giải thích cho công nhân. Tiến sĩ Đặng Thanh Lương đã động viên anh em công nhân an tâm trở lại làm việc. Ông cũng khẳng định sự cố rơi nguồn phóng xạ này không có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Tuy nhiên, việc hơn 145 công nhân có biểu hiện đau đầu, khó thở không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, cũng không thể nói là do tâm lý như bác sĩ Vũ Thị Phương Nga bệnh viện Lê Lợi nhận định. Tiến sĩ Đặng Thanh Lương cho rằng đây chỉ là một rủi ro chứ chưa phải là sự cố… Nhưng kết quả xét nghiệm của 28 công nhân tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt còn hơn tuần nữa mới có. Chúng ta nên đợi kết quả xét nghiệm để thấy hậu quả của “rủi ro” này đến mức nào.
Công Quang