27 đại biểu có câu hỏi chất vấn Thủ tướng
(Dân trí) - Nhiều câu hỏi của đại biểu gửi đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập đến những điều hành vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành... Trong khi đó, chứng khoán, điện lực là những vấn đề “nóng” của các Bộ Tài chính, Công thương.
Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân công người trả lời chất vấn, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận được tổng cộng 46 chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bộ có nhiều chất vấn nhất là Bộ Công thương, với 35 chất vấn; kế đến là Bộ Giáo dục, 31 chất vấn…
Khi nào thôi áp dụng những biện pháp “bất thường”?
Rất nhiều câu hỏi liên quan đến kinh tế đã được các đại biểu gửi tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đặt vấn đề, chúng ta có một số biện pháp nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, bình ổn giá cả, nhưng sự chênh lệch giá cả với các nước láng giềng lại làm tình hình xuất nhập khẩu trái phép qua biên giới, nhất là những mặt hàng như đường trắng, xăng dầu, than… Đây là những mặt hàng cồng kềnh, không dễ che giấu nhưng tại sao vẫn vận chuyển trót lọt qua biên giới? Chính phủ có biện pháp gì để chấm dứt tình trạng này?
Đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) chia sẻ, đồng tình với những giải pháp cấp bách, những giải pháp bất thường trong tình thế bất thường, nhưng theo bà, những giải pháp đó cũng đi ngược kinh tế thị trường. Bà đặt vấn đề, việc bù lỗ giá cả, thắt chặt tiền tệ, đặt trần lãi suất… liệu có gây ra cú sốc mới? Nếu có thì những giải pháp nào để không làm cho những giải pháp, biện pháp cấp bách đó không là nhân tố gây bất ổn. Thêm nữa, khi nào sẽ hết áp dụng những biện pháp “bất thường”?
Cũng có đại biểu đặt ra câu hỏi về nhận định của người đứng đầu Chính phủ với tình hình lạm phát sau tháng 6. Thủ tướng, Chính phủ có những biện pháp cụ thể gì khi đã có chính sách, chủ trương đúng mà việc chấp hành của một số địa phương không tốt, không nghiêm? Trách nhiệm của các vị đứng đầu được xử lý ra sao? Với trách nhiệm và quyền hạn của Quốc hội giao như hiện nay, Thủ tướng có cần đề nghị tăng thêm thẩm quyền để điều hành đất nước được tốt hơn?
Mối lo ngại về tình trạng thả nổi, không duy trì được việc vận động và kiểm soát sinh đẻ dẫn đến hiện tượng dân số tăng vọt cũng được đặt ra. Nguyên do của vấn đề này là do cơ quan chuyên trách về dân số bị giải thể và chức năng được chuyển thể cho ngành y tế. Thủ tướng đã có chỉ đạo khẩn trương, có giải pháp hiệu quả khắc phục chưa và liệu giải pháp cải tổ vừa qua liên quan đến lĩnh vực này có cần xem lại không là các câu hỏi được nêu lên.
Ngành điện kinh doanh “lộn nghề”?
Đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) phản ảnh, quận Ô Môn và huyện Cờ Đỏ - TP Cần Thơ bị cắt điện liên tục trên 10h/ngày, chủ yếu về đêm, đã ảnh hưởng đến việc học hành của con em. Một số em đã bỏ học vì không học được bài dẫn đến học kém. Khắc phục yếu kém (sự tuỳ tiện) của ngành điện như thế nào là câu hỏi ông Tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương.
Vấn đề điện còn được nhiều đại biểu khác “nhắm” vào. Chẳng hạn, liệu có thể coi là “lộn nghề”, đúng chức năng khi ngành điện lực nói không đủ vốn để phát triển lưới điện, nhưng lại dùng vốn đầu tư vào viễn thông, điện thoại, khách sạn, ngân hàng? Thêm nữa, với khoảng 20% hộ dân chưa có điện, đến khi nào mới có điện?
Cũng có đại biểu dẫn vấn đề báo chí nêu, Nhà máy điện Cà Mau có khả năng sản xuất 15 triệu KW/h nhưng Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chỉ huy động 10 triệu KW/h. Câu hỏi đặt ra là Bộ có biết việc báo nêu cũng như biện pháp hoặc chỉ đạo với EVN?
“Lạm phát” các công ty chứng khoán?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhận được khá nhiều các câu hỏi liên quan đến chứng khoán. Cụ thể là các vấn đề như trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thị trường chứng khoán đang “tụt dốc không phanh”. Thiệt hại của kinh tế của các tập đoàn, kinh tế, công ty nhà nước khi “bong bóng” chứng khoán vỡ là bao nhiêu? Biện pháp để ổn định thị trường chứng khoán, thay vì các biện pháp cá biện pháp mang tính chất hành chính.
Thêm nữa, liệu có tình trạng “lạm phát” các công ty chứng khoán hay việc phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn có xuất phát từ nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh của các đơn vị hay không cũng được đặt ra.
Đại biểu Vỗ Minh Phương (Lâm Đồng) cho rằng, chính sách nhập khẩu ô tô của Bộ Tài chính không nhất quán (năm 2007, giảm thuế để gia nhập WTO, từ tháng 3-4 lại tăng thuế để nhập siêu). Lý do này được cho là không thuyết phục, vừa tiếp tục bảo hộ không chính đáng với ô tô trong nước, vừa gây thiệt hại cho người tiêu dùng Việt Nam. Câu hỏi đưa ra là đề nghị Bộ có giải trình và có chính sách phù hợp.
Cấn Cường