Nghệ An:
24 gia đình quân nhân và giấc mơ “mảnh đất cắm dùi”
(Dân trí) - Gần 1/4 thế kỷ, 24 gia đình quân nhân sinh sống ổn định trên mảnh đất vốn thuộc Xí nghiệp 20C/Công ty CP X20, nhà cửa đã xây dựng kiên cố, cũng không tranh chấp với ai, nhưng họ không khác nào đang ở nhờ bởi đó không phải là đất của mình.
"Tạm trú" hơn 20 năm
Trong đơn gửi Báo Dân trí, tập thể 24 hộ gia đình quân nhân tại khối Trung Tiến (phường Hưng Dũng, Tp Vinh, Nghệ An) viết: 24 gia đình hiện đang sinh sống tại địa chỉ trên đều có thời gian chiến đấu ở chiến trường hoặc là con liệt sỹ. Những năm đầu thập niên 80, họ được chuyển công tác về Xí nghiệp may 20C (thuộc Cục Hậu cần Quân khu 4 trước đây).
Vào năm 1991, do các gia đình gặp nhiều khó khăn về nhà ở nên lãnh đạo Xí nghiệp 20C đã có tờ trình gửi Phòng doanh trại, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cho 24 hộ gia đình này mượn đất để làm nhà ở. Ông Hoàng Trọng Châu (nguyên lính Sư đoàn 341) cho biết: “Vào thời điểm đó, Quân khu và Xí nghiệp nhất trí cho 24 hộ gia đình chúng tôi mượn đất làm nhà ở, dần dần sẽ chờ chủ trương làm thủ tục chuyển đối đất ở cho chúng tôi. 24 hộ gia đình chúng tôi đều là thương, bệnh binh hoặc con liệt sỹ. Nhận được sự quan tâm của Xí nghiệp và Quân khu thì hết sức cảm kích”.
“Khi đó, do nhu cầu nhà ở của công nhân xí nghiệp cũng hết sức bức xúc nên sau khi có sự nhất trí của Bộ tư lệnh QK4 thì lãnh đạo xí nghiệp yêu cầu chúng tôi nhanh chóng làm nhà để “giải phóng” nhà tập thể cho công nhân khác ở. Khi đó làm chi có tiền, chúng tôi phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để dựng căn nhà be bé đủ che nắng che mưa”, cựu chiến binh Lê Đình Khoa (nguyên lính sư đoàn 320) nói.
Từ đó đến nay, 24 hộ gia đình quân nhân này sinh sống ổn định trên đất được xí nghiệp cho mượn. Từ những gian nhà ẩm thấp, các gia đình dần đã cất được nhà kiên cố. Sau 24 năm sinh sống ổn định, không có tranh chấp nhưng họ vẫn chỉ là những người “ở nhờ” trên đất quốc phòng.
Ông Nguyễn Hữu Hải – Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng cho biết: “Đến thời điểm này phường chưa nhận được văn bản kiến nghị nào của các hộ dân liên quan đến việc chuyển đổi đất. 24 hộ gia đình này ở trên phần đất thuộc đất quốc phòng. Các hộ dân hiện đang được quản lý theo diện tạm trú”.
Chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc chưa được nhập khẩu. Điều đó kéo theo biết bao hệ lụy khiến những hộ gia đình thuộc diện chính sách này lâm vào thế khó. “Gia đình có điều kiện thì xây nhà khang trang, kiên cố. Như chúng tôi thì cứ chấp nhận ở vậy thôi, thứ nhất là không có điều kiện, thứ hai là nếu vay mượn để xây nhà, nhỡ người ta không cấp đất này cho thì biết thế nào? Không có sổ đỏ, muốn vay mượn ngân hàng cũng không được. Khi có việc cần đến khoản tiền lớn thì phải “cắm” số hưu. Mà “cắm” sổ hưu thì vay được ít tiền, lại phải chịu lãi cao hơn”, bà Đinh Thị Huệ than thở.
“Không chỉ mỗi chuyện vay mượn ngân hàng, riêng cái chuyện chuyển sinh hoạt Đảng chúng tôi cũng thiệt thòi. Trước đây, không có hộ khẩu, nghỉ hưu rồi chúng tôi không biết chuyển sinh hoạt đảng về đâu. Mà theo quy định không sinh hoạt Đảng 6 tháng thì bị khai trừ ra khỏi Đảng. Nhiều người trong chúng tôi bị “khai trừ” ra khỏi Đảng theo cách đó. Phấn đấu mãi mới được đứng trong hàng ngũ của Đảng mà cuối cùng bị khai trừ với lí do như thế hỏi có đau xót không”, ông Phan Sỹ Trí bức xúc.
Văn bản của Tổng cục Hậu cần và Công ty CP X20 về việc cung cấp hồ sơ, giấy tờ về đất ở của 24 hộ gia đình quân nhân để trình Bộ Quốc phòng xem xét, giải quyết.
Mỏi mòn chờ chuyển đổi đất
Sau hơn 20 năm sinh sống ổn định trên đất của Xí nghiệp những vẫn chưa thấy “bước 2” (tức chủ trương xin chuyển đổi đất ở) được thực hiện, các hộ dân đã có đơn kiến nghị lên Ban lãnh đạo xí nghiệp may 20C (thuộc Công ty CP X20) cũng như Tổng cục Hậu cần.
Ngày 14/4/2014, Tổng cục Hậu cần đã có văn bản số 319 gửi Công ty CP X20. Trong công văn nêu rõ: Để có cơ sở báo cáo Tổng cục đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép chuyển mục đích sử dụng, hoàn thành các thủ tục đất đai cho các hộ gia đình, bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật, yêu cầu Công ty CP X20 có văn bản đề nghị với Tổng cục về việc chuyển đối mục đích sử dụng đất, bàn giao khu gia đình cho địa phương quản lý; Cung cấp các hồ sơ liên quan đến khu đất trên; Sơ đồ quy hoạch vị trí, diện tích khu gia đình, các hộ gia đình (có xác nhận của địa phương là khu dân cư ổn định, phù hợp với quy hoạch của địa phương); Các hồ sơ, giấy tờ liên quan khác (đơn đề nghị của BGĐ 20C (cũ), phê duyệt của Bộ Tư lệnh QK4…). Trong công văn này, thời hạn cuối cùng để gửi hồ sơ về Tổng cục là ngày 30/4/2014.
Sau khi có văn bản 319 của Tổng cục Hậu cần, lãnh đạo Công ty CP X20 đã có công văn đề nghị 24 hộ gia đình tập hợp hồ sơ, văn bản, giấy tờ liên quan đến thủ tục giao nhà đất của từng hộ gia đình đang sử dụng gửi về công ty trước ngày 23/4/2014. “Chỉ trong vài ngày chúng tôi đã gấp rút tập hợp hồ sơ, giấy tờ gửi về Công ty CP X20. Thế nhưng từ đó tới nay đã gần 1 năm trôi qua nhưng chưa nhận được ý kiến của các cơ quan liên quan”, ông Phan Sỹ Trí cho biết.
Tiếp lời, ông Hoàng Trọng Châu kiến nghị: “Chúng tôi đã công hiến cả tuổi trẻ, cả xương máu cho Tổ quốc. Không phải là kể công nhưng sau bao nhiêu năm cống hiến, đều là thương binh, bệnh binh hoặc con liệt sỹ nhưng chúng tôi không có lấy mảnh đất mà cắm dùi. Giờ, người còn người mất, chúng tôi cũng đã có tuổi rồi, nếu không được các cấp quan tâm, giải quyết cho thì chắc chắc đến đời con, đời cháu chúng tôi cũng sẽ chẳng được giải quyết vì không thuộc đối tượng ưu tiên để cấp đất. Nhưng như chúng tôi còn đợi được bao nhiêu năm nữa, 3 người đã mất rồi mà vẫn chưa được thấy mảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đâu”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Phương – Phó Giám đốc Xí nghiệp 20C - cho biết, vừa qua, trong Đại hội đảng bộ xí nghiệp, vấn đề chuyển đổi đất cho 24 hộ quân nhân đang sinh sống trên đất thuộc quản lý của xí nghiệp đã được đưa ra bàn bạc. “Hiện ngoài công ty đang tập hợp hồ sơ xem có cần phải bồ sung giấy tờ gì nữa không, số giầy tờ các hộ dân đã nộp thì cũng đang phải chờ thẩm định. Chúng tôi cũng mong muốn 24 hộ gia đình quân nhân sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ổn định cuộc sống”.
Hoàng Lam