23 năm sống khốn khổ cùng "nước đỏ"

(Dân trí) - "Nước đỏ" là cách nói vắn tắt quen thuộc của nhân dân hai xóm Quang Hưng và Bản Còn thuộc xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) để nói về thứ nước bùn đỏ quạch được các tổ hợp khai thác khoáng sản thải ra trên đầu nguồn.

Khai thác khoáng sản ở đầu nguồn khe Nậm Tôn tạo ra nước đỏ quanh năm.
Khai thác khoáng sản ở đầu nguồn khe Nậm Tôn tạo ra nước đỏ quanh năm.
 
Nước của khe Nậm Tôn đã bị ô nhiễm trực tiếp và rất nặng nề cho toàn bộ khu dân cư đông đúc, trù phú của hai xóm này. Khe Nậm Tôn bắt đầu bị ô nhiễm từ năm 1990 của thế kỷ trước. Bản Còn và Quang Hưng là hai “làng văn hóa” trực tiếp dùng nước của đập Hu Nặm (con đập chính đầu nguồn khe Nậm Tôn đưa nước về hai xóm để vừa sản xuất, vừa sinh hoạt). Hồi đó, xí nghiệp khai thác quặng thiếc bản Hạt (thuộc công ty KLM Nghệ Tĩnh) là đơn vị duy nhất làm ô nhiễm đầu nguồn khe Nậm Tôn. Sau khi xí nghiệp Nhà nước này ngừng khai thác ở bản Hạt (năm 2000), thì các tổ hợp khai thác tư nhân lại tiếp tục làm ô nhiễm đầu nguồn khe Nậm Tôn như một sự thay thế từ đó cho đến tận hôm nay!...
 
Chuyện ô nhiễm nước đỏ ở hai xóm Bản Còn - Quang Hưng kéo dài đã được phản ánh lên chính quyền các cấp nhiều lần nhưng không có biến chuyển. Giờ đây ai có dịp đi vào hai xóm Quang Hưng và Bản Còn cũng đều tận mắt thấy tình trạng nước đỏ ngày càng đậm đặc, không thể sử dụng trong sinh hoạt. Nước đỏ đậm đặc bám hai bên bờ mương; nước đỏ tràn vào ao cá; nước đỏ ngấm qua giếng với lượng độc hại của các tạp chất công nghiệp đã gấp nhiều lần mức cho phép; nước đỏ tràn lên mặt đất trong những ngày mưa to, tràn cả vào sân nhà, tràn vào ruộng lúa, vườn rau xanh…!
 
Mênh mông bùn đỏ tràn về bản.
Mênh mông bùn đỏ tràn về bản.

Vậy mà suốt 23 năm (1990 - 2013), 330 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu của hai xóm Quang Hưng và Bản Còn vẫn sống với thứ nước đỏ đặc quánh đó. Có thời gian lượng bùn đỏ trong các đám ruộng ở xóm Quang Hưng dầy tới 15cm. Cây lúa phát triển đến giữa chừng thì bị bùn đỏ bám chặt cứng và bị bó nghẹt rễ, không thể đẻ nhánh và phát triển bình thường lên được, cứ lay lắt làm đòng trên nền bùn đỏ đặc quánh. Nếu không cật lực cải tạo đất và hết mình chăm bón, làm cỏ, sục bùn… thì nguy cơ mất trắng vụ nào cũng luôn tiềm ẩn…

Đó là chuyện cây lúa ngoài ruộng; còn chuyện vườn cây, ao cá, giếng nước... Nước và bùn đỏ là sản phẩm đào thải của quá trình khai thác khoáng sản (chủ yếu là thiếc), mang theo nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Từ năm 1991 đến nay, sản lượng cá nuôi ở ao vườn nhà của cả hai xóm đã giảm tới 75%. Trâu bò thường chết đột ngột. Nhiều vùng đất đai bị “đất sét hóa”, không thể canh tác.

Suốt hơn 20 năm qua, đơn thư kêu cứu của người dân chuyển đi nhiều không đếm xuể, nhưng việc giải quyết của các cấp chính quyền chưa thỏa đáng. Ban cán sự của hai xóm cho biết họ vẫn đang tiếp tục đấu tranh vì quyền được sống trong môi trường trong sạch. 

Nước đỏ tàn phá đất canh tác
Nước đỏ tàn phá đất canh tác.
 
 
Nguyễn Duy - Thái Tâm