22 điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán bị bắt, tạm giam

(Dân trí) - Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2018 đã ra lệnh bắt, tạm giam 22 cán bộ là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố.

Trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao sáng 13/11, ông Lê Minh Trí cho biết, năm 2018 tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố mới hơn 72.000 vụ án. Năm qua tiếp tục phát hiện khởi tố điều tra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế với sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với những người có chức vụ, quyền hạn, có vụ liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước; đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án về ma túy đặc biệt nghiêm trọng.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.

Về hoạt động của các cơ quan tư pháp, dù khẳng định cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, nhưng Viện trưởng VKSND Tối cao cũng cho rằng vẫn xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật, có trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong cả lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Nhắc lại việc năm 2017 có đại biểu Quốc hội hỏi Viện trưởng VKSND Tối cao “trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có tiêu cực, tham nhũng không”, ông Lê Minh Trí thông tin: Năm 2018, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã phát hiện khởi tố điều tra vụ án mới tăng 39,3%, số bị can khởi tố mới tăng 126,1%; trong đó có 3 vụ án “dùng nhục hình” dẫn đến chết người xảy ra tại cơ sở giam giữ; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng (chiếm 69,2%), tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tư pháp khác chiếm 30,8%.

Đặc biệt, trong năm 2018 đã ra lệnh bắt, tạm giam 22 cán bộ là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố. Số tiền tham ô, nhận hối lộ chiếm đoạt có vụ trên 1 tỷ đồng.

Qua điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thu hồi hơn 6,7 tỷ đồng, đạt 55% trên tổng số tiền phải thu hồi là 12,37 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tổng hợp những vi phạm phổ biến, ban hành 3 kiến nghị đối với lãnh đạo Bộ Công an, TAND Tối cao và Bộ Tư pháp thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm; được các bộ ngành, tiếp thu và quán triệt thực hiện trong toàn ngành.

Viện trưởng Lê Minh Trí cũng thừa nhận ngành kiểm sát còn một số hạn chế như để xảy ra một số trường hợp bắt, tạm giữ về hình sự, sau phải trả tự do; một số trường hợp đình chỉ do hành vi của bị can không cấu thành tội phạm; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương còn cao,…

Những hạn chế, tồn tại trên do nhiều nguyên nhân nhưng theo ông Trí, chủ yếu là do năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo, Kiểm sát viên của Ngành còn hạn chế; việc tổ chức triển khai các chỉ đạo của Viện trưởng VKSND Tối cao ở một số đơn vị chưa đạt yêu cầu, chưa nghiêm.

Năm 2019, VKSND Tối cao sẽ tăng cường chỉ đạo phát hiện khởi tố, điều tra, truy tố các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp để răn đe giáo dục chung, góp phần xây dựng bộ máy các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh như Quốc hội yêu cầu. Đồng thời phối hợp các ngành chức năng rà soát, phát hiện, ngăn chặn xử lý các trường hợp có dấu hiệu hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và tăng cường kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng, khắc phục các vi phạm.

32 công chức toà án bị kỷ luật

Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, trong năm 2018, TAND tối cao và các TAND cấp tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra về hoạt động nghiệp vụ và việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ, thẩm phán tại các toà án thuộc quyền quản lý.

Cụ thể, TAND Tối cao đã thành lập 16 đoàn kiểm tra, các TAND cấp tỉnh đã triển khai 307 đợt thanh tra, kiểm tra. Qua đó đã xử lý kỷ luật 32 công chức TAND địa phương do có hành vi vi phạm (thôi việc 6 trường hợp, cách chức 1 trường hợp, hạ bậc lương 1 trường hợp, cảnh cáo 4 trường hợp, khiển trách 20 trường hợp) và có 1 trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các toà án cũng đã xử lý trách nhiệm 75 trường hợp người giữ chức danh tư pháp với các hình thức dừng hoặc tạm dừng bổ nhiệm lại thẩm phán, tạm dừng thực hiện nhiệm vụ, kiểm điểm tại cơ quan đơn vị do có tỷ lệ án bị huỷ vượt mức quy định, cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định.

“Thông qua công tác kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, thẩm phán trong thực thi nhiệm vụ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”- ông Bình nói.

TAND Tối cao cũng đã quy định mỗi Thẩm phán trong năm phải đăng ký và thực hiện ít nhất 1 phiên toà để rút kinh nghiệm chung trong toàn cơ quan, đơn vị. Năm 2018, các toà án đã phối hợp với viện kiểm sát các cấp tổ chức gần 7.000 phiên toà rút kinh nghiệm.

Thế Kha