1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

20 năm trạm biến áp "thiếu chuẩn an toàn" hóa...cổng chào

(Dân trí) - Hơn 20 năm qua, hàng chục hộ dân xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương đang phải bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng “sống chung” với trạm biến áp điện cao thế. Hàng ngày, hàng trăm người dân vẫn phải đi qua dưới trạm biến áp 250 KVA nằm sát trục đường liên xã.

Trạm biến áp điện số 3, xã Quảng Nham được xây dựng từ năm 1991, đến nay đã quá cũ. Trước khi Công ty Điện lực Thanh Hóa tiếp nhận quản lí và khai thác hệ thống điện thì UBND xã Quảng Nham là đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm khai thác và quản lí hệ thống điện của địa phương để phục vụ đời sống sản xuất của nhân dân.

 Hàng trăm ng
 Hàng trăm người dân hàng ngày vẫn “sống chung” với trạm biến áp.

Từ năm 2009, theo chủ trương của ngành điện lực thì UBND xã Quảng Nham đã bàn giao lại hệ thống lưới điện trên địa bàn toàn xã cho Chi nhánh điện lực Quảng Xương quản lí và khai thác.
 
Thế nhưng, trong việc chuyển giao hệ thống điện tại đây, khi UBND xã Quảng Nham bàn giao 4 trạm biến áp trên địa bàn toàn xã cho Công ty điện lực Thanh Hóa thì Công ty này chỉ tiếp nhận 3 trạm còn riêng Trạm biến áp số 3 Công ty này không chịu ký nhận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Lờ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham cho biết: “Năm 2009 chúng tôi làm thủ tục bàn giao hệ thống điện toàn xã cho Công ty Điện lực Thanh Hóa, xã có 4 trạm biến áp nhưng Công ty chỉ kí nhận 3, riêng trạm số 3 Công ty lại không chấp nhận. Ngành điện lấy lí do là trạm biến áp này thiết kế, xây dựng không đúng qui định an toàn của ngành điện nên không ký nhận bàn giao”.

Công ty điện lực không ký nhận bàn giao nhưng trên thực tế những năm qua, Chi nhánh điện lực Quảng Xương vẫn khai thác trạm biến áp số 3 bán điện cho dân. Hơn thế nữa, trước khi chuyển giao, đơn vị quản lí điện của UBND xã chỉ bán điện tại trạm biến áp này cho hai thôn, nhưng từ khi ngành điện quản lí đã khai thác triệt để, không chỉ bán điện mở rộng ra địa bàn những thôn khác mà đơn vị này còn bán cả điện sản xuất cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn.

“Hệ thống điện dân sinh ở đây thường xuyên quá tải do trạm biến áp số 3 trước kia chỉ phục vụ 2 thôn nhưng đến nay phải chịu thêm nhiều thôn cùng với nhiều cơ sở sản xuất lớn. Ngành điện thì cứ khai thác, còn nếu có xảy ra vấn đề gì thì chúng tôi vẫn là cơ quan phải chịu trách nhiệm, bởi trên pháp lý, nó vẫn thuộc chính quyền địa phương quản lý", Ông Lờ cho biết.

Anh Trần Văn Hùng, một người dân sống tại đây bức xúc: “Chúng tôi phải chi trả tiền điện hàng tháng nhưng dùng điện thì thường bị quá tải, vào mùa hè cắm nồi cơm mà cả tiếng đồng hồ chưa chín, có hôm phải cắm đi cắm lại nhiều lần. Quạt điện thì không thể quay nổi, điện thắp sáng liên tục chập trờn. Nhiều hộ dân chúng tôi phải dùng bình ác quy để thắp sáng cho con em học bài vào buổi tối”.

Ông Trần Ngọc Thiết, một trong những người nhận đấu thầu quản lí hệ thống điện của xã Quảng Nham, nay là nhân viên hợp đồng quản lí điện của Chi nhánh điện lực Quảng Xương thừa nhận là vào mùa hè điện yếu. Có hôm ông phải bật lại Áctơmát 2 - 3 lần/ngày do điện yếu quá.

Trả tiền để sử dụng nguồn điện thiếu ổn định là vậy, người dân nơi đây luôn phải lo lắng đến tính mạng khi buộc phải "sống chung" với một công trình trạm biến áp đầy hiểm nguy này.

Trạm được đặt ngay bên đường dân sinh, các thiết bị của công trình gối lên mái nhà của hai hộ dân đang sinh sống hai bên. Hai trụ điện của trạm biến áp trở thành một cái “cổng chào” của con ngõ.

Công trình này không có bất kỳ một biện pháp đảm bảo an toàn nào, cũng không có cảnh báo độ nguy hiểm nào chỉ riêng hình vẽ sơ sài cảnh báo nguy hiểm hai cái "đầu lâu xương chéo" hai bên trụ điện.

 Hàng trăm ng
 Trạm biến áp nằm sát bên nhà dân rất nguy hiểm hơn 20 năm qua nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lí.

Đáng kinh ngạc nhất là những đứa trẻ hàng ngày vẫn vô tư chơi đùa dưới chân tử thần. Có em còn chẳng ngại đứng tựa mình vào trụ điện mà không lường hết độ nguy hiểm.
 
Anh Nguyễn Văn Thắng, nhà sát bên trạm biến áp này cho biết: “Gia đình tôi phải sống bên trạm biến áp này, biết là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Vợ chồng phải gửi con sang nhà ông bà chứ để ở nhà nguy hiểm lắm. Những hôm trời mưa to gió lớn vợ chồng lo nơm nớp bị chập điện”.

Nói về phương án xử lí công trình điện nguy hiểm này, ông Trần Xuân Lờ cho rằng: “Đây là vấn đề mang tính lịch sử. Hiện tại, với nguồn kinh phí hạn hẹp của địa phương, chúng tôi không thể làm được gì hơn ngoài việc cảnh báo nhân dân về sự nguy hiểm của công trình”.

Điều đáng nói là khi chúng tôi đến Chi nhánh Điện lực Quảng Xương đề nghị được tìm hiểu về vấn đề này, thì đại diện cơ quan này nói rằng: “Chúng tôi không được quyền phát ngôn nếu chưa có sự chỉ đạo của cấp trên?”.

Thái Bá - Duy Tuyên