1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phiên chất vấn đầu tiên tại Thường vụ Quốc hội:

2 Bộ trưởng và Chánh án TANDTC sẽ đăng đàn

(Dân trí) - Phiên chất vấn đầu tiên tại Thường vụ Quốc hội sẽ chính thức được thực hiện trong kì họp tiếp theo của Thường vụ diễn ra vào tháng 3/2008. Dự kiến, 2 Bộ trưởng sẽ được lựa chọn cùng Chánh án TANDTC trả lời chất vấn.

Theo đó, thời gian dự kiến dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 01 ngày. Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn đối với mỗi người trả lời chất vấn khoảng 90 phút. Sau khi trả lời chất vấn bằng văn bản, đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi để người trả lời chất vấn trả lời trực tiếp.

Thành phần tham dự phiên họp chất vấn gồm: Các đại biểu Quốc hội có chất vấn được lựa chọn và trả lời tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội; Các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hoạt động chất vấn mới được thực hiện lần đầu tại Thường vụ Quốc hội nên chưa tiến hành truyền hình trực tiếp. Từ phiên họp thứ 8 trở đi, sẽ tiến hành phát thanh, truyền hình trực tiếp để các vị đại biểu Quốc hội theo dõi qua sóng phát thanh, truyền hình. Từ việc theo dõi này, đại biểu có thể gửi câu hỏi bổ sung chuyển tới UB Thường vụ Quốc hội qua đường dây nóng.

Hiện tại đã có 21 câu hỏi chất vấn của 11 địa biểu được gửi tới Thường vụ Quốc hội, bao gồm các vấn đề liên quan đến giáo dục, tài chính, Toà án, NN&PTNN...

Trong phiên thảo luận tại Thường vụ chiều 25/2, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nên lựa chọn một số nội dung trong số các câu hỏi trên để đưa ra chất vấn. Các câu hỏi chất vấn phải là những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm và biện pháp khắc phục của người được trả lời.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Kso Phước nêu ý kiến, nên đưa những vấn đề nóng bỏng, thời sự để đưa ra chất vấn. Đặc biệt, nên chọn vấn đề lạm phát để qua đó giảm tâm lí lo lắng của người dân xung quanh vấn đề này.

Về việc ra Nghị quyết sau phiên chất vấn, ông Kso Phước cho rằng, cần phải thực hiện tại kì họp Thường vụ lần này. Nghị quyết sẽ kết luận việc chất vấn có gì được và chưa được.

Theo ông, qua hai kì Quốc hội chúng ta chưa thực hiện được qui định này và đã đến lúc nên làm. “Dù khó khăn thế nào cũng sẽ đường để đi tiếp”, ông nhấn mạnh.

Mạnh Cường