1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

18 năm “ở giá” nuôi đứa trẻ nhiễm chất độc da cam

(Dân trí) - Trong ngôi nhà nhỏ ở khóm III, thị trấn Cam Lộ, Quảng Trị, một người phụ nữ dù xuân sắc mặn mà vẫn sống cảnh “giường đơn gối chiếc” suốt 18 năm qua chỉ để nuôi một đứa trẻ nhiễm chất độc da cam bị chính mẹ đẻ bỏ rơi từ khi mới lọt lòng…

Nhặt con về nuôi

 

18 năm “ở giá” nuôi đứa trẻ nhiễm chất độc da cam - 1

Ba mảnh đời vá víu với nhau sống qua ngày trong ngôi nhà nhỏ
 
Người mẹ giàu tình thương đó tên là Trần Thị Cúc, người được xem là trụ cột duy nhất trong ngôi nhà đó bây giờ. Chị năm nay đã bước sang tuổi 55; tóc đã lấm tấm bạc; lưng đã bắt đầu lom khom. Nhưng chị vẫn khăng khăng rằng “tui già mô được”. Chị phải nói như thế để đứa con gái nuôi bị nhiễm chất độc da cam đang nằm quằn quại trên giường kia khỏi lo lắng.

 

Chị kể, bữa trước cũng có người đùa rằng “mẹ mày già mất rồi, không biết còn đủ sức nuôi con được bao lâu nữa”, thế là nó khóc thét lên, rồi ú ớ trong cơn co giật: “đói... mẹ! đói… mẹ!”. Con bé không nói được nhiều, chỉ chắp vá vài chữ. Chỉ mình chị hiểu thứ ngôn ngữ đó. Con bé sợ rằng mẹ nó già đi thì sẽ không còn ai nuôi nó nữa…

 

Con bé sợ điều đó cũng phải bởi từ khi mới chào đời, nó đã một lần bị mẹ bỏ rơi. Chị Cúc, mẹ nuôi nó bây giờ vẫn ám ảnh mãi cái đêm đó. Trong một ngôi nhà hoang ở gần khu BV Hà Lan cũ (thị xã Đông Hà), một bà mẹ trẻ cho ra đời một đứa trẻ trong oan nghiệt. Được vài ngày, đứa trẻ bắt đầu có những triệu chứng teo cơ, bại liệt. Bà mẹ trẻ loan tin bỏ rơi đứa con - sẵn sàng cho bất cứ ai muốn nuôi nó. Nhiều gia đình hiếm muộn mừng rỡ tìm đến với ý định xin đứa trẻ về nuôi. Nhưng đến nơi, tất cả họ đều lắc đầu thất vọng và ra về. Chị Cúc được một người quen rủ đến xem. Người bạn chị cũng giật mình bỏ về khi thấy đứa trẻ. Chỉ còn chị cứ đứng tần ngần mãi nơi bậc cửa nhìn vô.

 

“Nhìn đứa trẻ còn đỏ hỏn, teo tóp, tui cũng định quay lui. Nhưng tui không cất bước đi nổi. Tui tự nhủ, có lẽ định mệnh đã mang con bé cho mình”, chị Cúc rơm rớm kể. Và chị “bỗng dưng” làm mẹ. Thời điểm đó lưng chị đã oằn với người mẹ già; hai mẹ con không có nổi một mảnh ruộng nuôi thân.

 

Chị lấy họ mình đặt tên cho bé là Trần Thị Phương Thảo, như một lời nhắc về thân phận con mong manh như ngọn cỏ nổi trôi giữa cuộc đời. Chị lấy luôn ngày 12/5/1993 tức là ngày gặp con làm ngày sinh nhật cho bé. Lúc đó, con bé mới chưa đầy 5 ngày tuổi, còn chị vừa bước qua tuổi 38 - cái tuổi không còn quá trẻ để kiếm một tấm chồng, nhưng cũng chưa phải quá già để nghĩ đến việc phải kiếm con nuôi.

 

Sau ngày chị “có con”, nhiều người thương cảnh một mình đơn chiếc của chị, đến ngỏ ý qua lại nhưng chị một mực từ chối vì họ đều chỉ muốn lấy chị làm vợ chứ không muốn nhận bé Thảo làm con. Chị chấp nhận cuộc sống thui thủi một mình trong ngôi nhà nhỏ dựng tạm ven bờ sông Hiếu để nuôi đứa con bất hạnh không máu mủ ruột rà khôn lớn.

 

Chơi vơi… hạnh phúc!

 

18 năm “ở giá” nuôi đứa trẻ nhiễm chất độc da cam - 2
Vừa từ rừng về, chị lại vội vàng vào lo cho con và mẹ già miếng ăn, giấc ngủ.
 
Hai mẹ con rau cháo nuôi nhau được một năm thì tai hoạ ập đến. Ngôi nhà nhỏ cheo leo bên sông bị một cơn lũ quét ập vào, cuốn đi cả đất đai và nhà cửa. Chị phải ra ở chung căn nhà với người mẹ già lúc đó đã 78 tuổi. Khỏi phải nói những ngày đó chị cùng cực thế nào. Bé Thảo vừa oằn mình đau đớn trong sự hành hạ của chất độc dioxin chết người, vừa đói sữa mẹ lâu ngày nên chỉ còn da bọc xương. Có lúc chị đã nghĩ đến ý nghĩ tán nhẫn nhất nhưng tình thương trong chị lại trỗi dậy. “Thôi thì số phận đã gán nó cho mình…”, chị khóc.

 

Những đêm rét như cắt, bé Thảo khóc gào vì đói sữa, chị cắn răng ôm chặt con chạy khắp làng xin cho con bú nhờ. Chị phải chạy vạy khắp nơi, thậm chí phải “nói láo nói lường” người ta để vay được tiền đưa bé vào tận trại Hoà Bình (Huế) để phục hồi bởi trước đó đã mượn quá nhiều lần mà chưa trả được. Bé chưa khoẻ lên được bao nhiêu thì nghe tin ngoài quê mẹ già ốm nặng, chị lại tức tốc bồng con trở về quê chăm mẹ.

 

Nhà chị đã ít người, được một người chị thì đã vào Nam định cư từ lâu. Thêm một người anh hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Một mình chị xoay như chong chóng. Một tay chị dìu mẹ già từng bước đi; một tay chị nâng niu bồng bế đứa con tật nguyền. Có những đêm mưa gió, mấy miếng nhựa chị xin được bên trụ sở ngân hàng để lợp lên mái nhà không đủ che mưa, cũng là lúc bé Thảo lên cơn co giật khóc thét, chị dọn chỗ cho mẹ già nằm yên giấc, còn mình bồng con ngồi trong góc nhà từ chập tối đến tận khuya. Nhìn con đau đớn vật vã trên tay, chị rơi nước mắt: “Sao đời con cứ phải chìm trong bất hạnh thế này con ơi!”.

 

Hơn mười tám năm trời, một mình chị xoay xở với hai mảnh đời mong manh như thế nhưng chị chưa một lần than vãn hay có ý định từ bỏ. Lúc chị mới xin bé Thảo về, thấy đứa trẻ “người chẳng ra người” cứ nằm im thin thít, co quắp như cục đất ở trên giường, nhiều người quen tới thăm ai cũng lắc đầu. Thấy chị quá vất vả, có người còn khuyên chị gửi bé Thảo vào cô nhi viện nhưng chị một mực không chịu. Chị nói rằng, con bé đã quá bất hạnh, vì di chứng chất độc da cam mà bị mẹ bỏ rơi một lần. Giờ nếu chị cũng bỏ rơi lần nữa thì trên đời này còn ai có thể dành cho nó tình người?

 

Đến tìm chị vào một buổi chiều nhưng phải đợi đến 8 giờ tối chúng tôi mới được gặp chị từ rừng về cùng mấy bó củi to tướng. Đó là nguồn sống của 3 mảnh đời bất hạnh suốt mười mấy năm qua. Mùa nắng thì chị lên rừng kiếm củi về bán kiếm tiền nuôi con; mùa mưa chị chăn nuôi gà lợn. Vừa đặt bó củi xuống, chị vội vã chạy vào hâm lại cơm canh cho hai bà cháu ăn. Cái vẻ mạnh mẽ của người đàn bà khi bươn chải với núi rừng để tìm sự sinh tồn cho ba sinh linh bây giờ đã thay bằng sự dịu dàng của một người mẹ hết lòng thương con, người con hết lòng chăm mẹ già. Chị tắt tỉa từng miếng cơm bón cho con ăn, tắm rửa vệ sinh cho bé, rồi lại làm những công việc tương tự với mẹ già đã bước qua tuổi 95. Hơn 1 giờ đêm, đó mới là lúc chị nghĩ đến bản thân mình.
 
18 năm “ở giá” nuôi đứa trẻ nhiễm chất độc da cam - 3
Những bó củi giúp chị nuôi mẹ, nuôi con.

 

Nhìn chị, tôi cứ ngẫm mãi: Ngọn lửa nào đang bùng cháy mãnh liệt trong trái tim người phụ nữ ấy? Đó phải chăng đơn giản là bản năng làm mẹ?

 

Tuấn Phong