1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lời ru buồn phía sau cổng trời:

16 tuổi đã có 3 mặt con!

(Dân trí) - Hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn âm ỉ cháy trong cộng đồng người H’Mông ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Hình ảnh những cô bé tuổi 13, 15 tuổi địu con trên lưng lên nương rẫy không còn xa lạ phía sau cổng trời Mường Lát.

Một ngày cuối thu, tôi ngược tỉnh lộ 520, vượt qua cổng trời  đến huyện Mường Lát – một trong những huyện miền núi nghèo và xa nhất Thanh Hóa. Ở nơi ấy, tôi bị ám ảnh bởi phía sau những mái nhà sàn trống huơ trống hoác nằm chênh vênh bên bìa rừng là hình ảnh những bà mẹ mặt còn “bấm ra sữa” bồng con. Nơi này, nạn tảo hôn vẫn âm ỉ cháy kẹp chặt người dân vào cái nghèo, cái khổ và cả những bi kịch trong hôn nhân.

Huyện Mường Lát có trên 7 nghìn hộ, hơn 35 nghìn nhân khẩu với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Mường, Thái, H’Mông, Dao và Khơ Mú. Trong đó, người H’Mông chiếm đại đa số. Là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, trình độ dân trí còn thấp, giao thông đi lại khó khăn nên Mường Lát có tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Một trong những nguyên nhân khiến vùng đất này, cái nghèo mãi đeo đuổi bởi nạn tảo hôn.

Thoạt nhìn, người ta cứ ngỡ đây là hai chị em...
Thoạt nhìn, người ta cứ ngỡ đây là hai chị em...

Đang học lớp 5 Trường TH Quang Chiểu, Vi Thị Điều buộc phải nghỉ giữa chừng vì gia đình quá nghèo. Không còn đến trường, Điều ngày ngày lên nương theo cha mẹ đi hái măng rừng, trồng ngô, sắn để kiếm ăn qua ngày. Nhìn Điều, khuôn mặt non choẹt, hồn nhiên với nụ cười trong trẻo ngây thơ không ai nghĩ cô bé 14 tuổi này đã sinh con đầu lòng. Đứa trẻ Điều bế trên tay, thoạt nhìn tưởng hai chị em. Cô bé cho biết sau khi nghỉ học được nửa năm thì em lấy chồng, vì chưa đủ tuổi kết hôn nên vợ chồng Điều không lên xã đăng ký mà tự về ở với nhau.

Ở bản Suối Phái của xã Tam Chung, tôi gặp Thào Thị Dính. Em  gầy gò, hai cánh tay nổi gân xanh, mặt xám ngắt già đi cả chục tuổi so với độ 16 trăng tròn của em. 16 tuổi, Dính đã có tới 3 mặt con. Dính kể: “Ở đây, 13-14 tuổi là đi lấy chồng, không đi học mà tầm tuổi đó không ai lấy là coi như ế”. Tôi hỏi Dính có đẻ nữa không, cô bé cười rồi trả lời “đẻ nữa không biết lấy gì mà ăn nhưng chồng bắt đẻ thì cũng cứ phải đẻ thôi”.

Nạn tảo hôn kéo theo tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày
Nạn tảo hôn kéo theo tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày

Tình trạng kết hôn sớm khiến cho việc đẻ nhiều, đẻ dày càng nhiều. Hầu hết những cặp đôi tảo hôn đều đông con. Những đứa trẻ chỉ cách nhau 1-2 tuổi. Như anh Sùng A Lù (SN 1979, bản Trung Thăng, xã Mường Lý) lấy vợ từ năm 13 tuổi, nay đã có 7 con. Hay như gia đình Giàng A Vạ (bản Ón, xã Tam Chung), trong căn nhà tranh tuềnh toàng, 6 đứa trẻ nheo nhóc đang đứng nhìn nhau. Người đàn ông này cũng cho biết trong 6 đứa con của mình, chỉ có đứa đầu được đi học.

Vi Thị Tân (20 tuổi), ở bản Piền Tạt (Mường Chanh) lấy chồng năm 2006, đến nay đã có ba mặt con, đứa đầu đang học  lớp 1 nhưng đều là con gái cả, bà mẹ trẻ vừa thoăn thoắt làm việc, vừa trải lòng: “Chồng em cứ bắt sinh thêm đứa nữa nhưng em bảo không. Nghe đài ti vi bảo sinh nhiều nghèo lắm không lo cho ăn học được. Nhưng chưa đẻ được con trai thì chồng còn bắt đẻ nữa”. Nói rồi ánh mắt người mẹ trẻ nhìn về phía ba đứa con, rồi nhìn xa xăm về phía con đường cuối bản.

Trò chuyện với chúng tôi về nạn tảo hôn ở các bản làng, Bí thư chi bộ bản Cơm – Hơ Văn Dế chỉ lắc đầu, ông bảo nạn tảo hôn vẫn diễn ra rất nhiều không chỉ ở bản Cơm mà còn ở các bản khác. Bởi theo ông cũng dễ hiểu thôi khi mà cuộc sống quá khó khăn, nhận thức con người còn hạn chế. Không được học hành mà ở nhà thì chỉ cách đi lấy vợ, lấy chồng. Tình trạng chung là lấy vợ, lấy chồng khi ở độ tuổi 13-15 nên những đứa trẻ nào mà qua tuổi đó, không đi học vẫn chưa lập gia đình thì cho rằng đã là ế.

Tảo hôn khiến đói nghèo, những đứa trẻ sinh ra không được chăm sóc đến nơi đến chốn
Tảo hôn khiến đói nghèo, những đứa trẻ sinh ra không được chăm sóc đến nơi đến chốn

Nhìn vào con số thống kê chưa đầy đủ về vấn nạn tảo hôn của huyện Mường Lát, chúng tôi không khỏi giật mình. Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn toàn huyện có 516 cặp kết hôn thì có tới 284 cặp lập gia đình ở tuổi vị thành niên con số này đang ở mức báo động, chiếm 55,3%. Theo đó năm 2009 có 83 cặp kết hôn thì có 51 cặp cưới ở độ tuổi dưới 18. Năm 2010 có 67 cặp, tảo hôn là 50 cặp. Năm 2011, có 74 cặp lập gia đình thì có 50 cặp tảo hôn. Năm 2012, có 83 cặp thì có 30 cặp tảo hôn, năm 2013 có 133 cặp thì có 51 cặp tảo hôn.  6 tháng đầu năm 2014, con số đã vượt ngưỡng lên 52 cặp kết hôn chưa đủ tuổi, trong tổng số 73 cặp kết hôn từ đầu năm đến nay.

Dọc những bản làng tôi qua, mây mù che phủ những đỉnh đồi, đỉnh núi, chẳng biết phía trước kia còn bao nhiêu bản, bao nhiêu làng, bao nhiêu những cô gái như Dính, như Tân, như Điều? Bên trong những ngôi nhà sàn chênh vênh bên vách núi, chân đồi là bao nhiêu những ánh mắt thơ trẻ, hồn nhiên, ngây ngô, chen nhau bên bậu cửa sổ, ngác ngơ nhìn người lạ tới thăm bản...

Bình Minh