1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

16 năm “vất vưởng” vì “nhường” đất làm đường

(Dân trí) - Sau gần 20 năm “hy sinh” phần đất nhà mình để Nhà nước mở rộng quốc lộ 1A, hàng chục hộ dân thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) mỏi mòn chờ đợi nhưng đến nay vẫn phải sống cảnh tạm bợ vì chưa được bố trí đất tái định cư.

Gần 20 năm đó, 53 hộ dân phải sống tạm bợ trên phần đất “trái phép”; trong khi hơn 6.000m2 đất được phê duyệt để bố trí tái định cư (TĐC) cho họ thì bị bỏ hoang.

Quyền lợi “vắt” qua hai thập kỷ!

Năm 1994, dự án khôi phục quốc lộ 1A đoạn từ Hà Nội - Vinh (Nghệ An) được triển khai do Ban quản lý dự án 1 (nay là PMU1) thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Toàn huyện Nghi Lộc có gần 200 hộ dân nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng (GPMB); trong đó thị trấn Quán Hành có 70 hộ nằm trong diện bị “xén đất”. Tuy nhiên chỉ có 53 hộ dân ở các khối 3 và khối 4 thị trấn này thuộc “phận” hết sức cấp bách phải di dời nhà đi nơi khác.

Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ được bố trí TĐC ở một địa điểm khác. Mặc dù “bí” chỗ ở nhưng hầu hết người dân nằm trong khu vực bị giải tỏa đều chấp thuận. Tháng 5/1996, khu TĐC nằm ở địa bàn khối 2 thị trấn Quán Hành được xây dựng xong. 53 hộ dân trên đã lên hỏi UBND thị trấn Quánh Hành thủ tục chuyển đến nơi ở mới nhưng nhận được câu trả lời là “từ từ”. Đến nay đã hơn 16 năm trôi qua, các hộ dân này vẫn chưa nhận được đất TĐC mà phải sống tạm bợ trên phần đất lưu không của hành lang giao thông (gần với phần đất mà họ bị GPMB).
 
16 năm “vất vưởng” vì “nhường” đất làm đường - 1

Trong khi 53 hộ dân chưa có nơi ở thì khu TĐC vẫn bỏ hoang trong thời gian dài.

Không giấu được thất vọng, chị Võ Thị Thúy ở khối 4 bức xúc: “Gia đình tôi đến đây ở từ năm 1988. Năm 1995 hai vợ chồng xây được căn nhà 2 tầng ở mặt tiền quốc lộ 1A để buôn bán. Nhà xây vừa xong chưa được ở thì chính quyền thông báo phải giải tỏa để làm đường. Họ đập nhà, lấy đất và hứa sẽ bố trí TĐC cho gia đình ở khu vực khối 2. Để được bố trí TĐC thị trấn thông báo phải đóng 1,5 triệu đồng, dù khó khăn nhưng gia đình chạy vạy khắp nơi để được cấp đất TĐC. Đóng tiền rồi nhưng chờ mãi không thấy được cấp đất, gia đình đi hỏi thị trấn, huyện thì họ vẫn bảo chưa đủ thủ tục. 16 năm không có đất cả gia đình 4 người phải chấp nhận sống trong căn nhà chưa đầy 20m2 nhưng đây cũng là đất của hành lang giao thông thôi. Khổ quá nhưng đành chịu vì không biết kêu ai bây giờ. Trải qua hai thập kỷ mà quyền lợi chúng tôi không biết nằm ở đâu”.

Cùng chung cảnh ngộ như gia đình chị Thủy là 52 hộ dân khác ở thị trấn Quán Hành. Quá bất bình với cách giải quyết của chính quyền, nhiều hộ dân đã lặn lội khắp nơi để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Ông Phạm Quang Dư, nhà ở khối 4 thị trấn Quán Hành nói: “Hai vợ chồng tôi là bộ đội phục viên, năm 1989 gia đình chuyển lên khu vực khối 4 sinh sống. Năm 1995 gia đình nhận được thông báo của UBND huyện Nghi Lộc phải giải tỏa nhà đất để mở rộng quốc lộ 1A. Gia đình chấp hành vì nghĩ sẽ được bố trí TĐC. Chờ mãi không thấy huyện giải quyết, 53 hộ dân bị mất nhà, mất đất đã tập trung lại lên thị trấn, huyện, lên tỉnh rồi ra Bộ GTVT để đòi quyền lợi. Đi tới đâu cũng được trả lời là đòi hỏi của các hộ dân là chính đáng, các cấp, các ngành sẽ nhanh chóng bố trí TĐC”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi do không được bố trí đất TĐC nên trong số 53 hộ dân trên, một số hộ có điều kiện đã chạy vạy đi mua đất nơi khác sinh sống; số khác phải bám trụ lại trên phần đất “trái phép” (đất hành làng giao thông) để sinh hoạt, kinh doanh. “Sở dĩ chúng tôi không đòi và sự việc kéo dài lâu thế là vì cứ tưởng sau đó chính quyền sẽ giải quyết cho. Nhưng chờ mãi mà không thấy nên dân mới đi kiện”, bà Nguyễn Thị Hường, khối 4 thị trấn Quán Hành than thở.

“Dân không kêu nên chính quyền... không giao đất”(!)

Quyết định số 2538/QĐ.UB ngày 27/9/1995 do nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Tất Thắng ký với nội dung đã phê duyệt thiết kế quy hoạch theo quy mô và khái toán của các khu TĐC cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án khôi phục quốc lộ 1A thuộc các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Tại thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) số hộ vào TĐC là 64 hộ (sau này xét duyệt có 53 hộ trên được nhận đất TĐC) với diện tích quy hoạch là 6.275m2.
 
16 năm “vất vưởng” vì “nhường” đất làm đường - 2

Hàng ngày những hộ dân ở thị trấn Quán Hành phải tá túc và kinh doanh trên diện tích đất lưu không của hành lang quốc lộ 1A...

Sau khi có quyết định này, tháng 5/1996, khu TĐC này được xây dựng xong trên địa bàn khối 2 thị trấn Quán Hành theo đúng thiết kế quy hoạch được phê duyệt tại quyết định số 2538 của UBND tỉnh Nghệ An. Sau khi xây dựng xong, PMU1 đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao cho Ban GPMB tỉnh Nghệ An. Sau đó, tỉnh Nghệ An bàn giao lại cho UBND huyện Nghi Lộc quản lý và bố trí cho các hộ dân thuộc diện TĐC. Và đến nay việc thanh toán kinh phí xây dựng khu TĐC cũng đã được các bên hoàn tất. Tuy nhiên không hiểu sao 16 năm qua những người dân thua thiệt trên vẫn chưa được đảm bảo quyền lợi.

Có mặt tại khối 2 thị trấn Quán Hành, chúng tôi chứng kiến diện tích đất TĐC với hơn 6 ngàn m2 vẫn bỏ hoang. Một số hộ dân đã rào lại vài chỗ để trồng rau. Nhà văn hóa khối 2 cũng “mượn” một khoảnh làm sân bóng chuyền. “Bầy tui thì ở tạm bợ trong khi đất đai TĐC lại như thế. Có bất cập không?”, một người dân bức xúc.

Lý giải điều vô lý này, ông Đặng Khắc Nam - Chủ tịch UBND thị trấn Quán Hành - đồng cảm với người dân: “Nguyện vọng của những hộ dân này là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi sau khi nhận được phản ánh cũng đã tổ chức họp mặt các hộ dân, yêu cầu họ trình giấy tờ liên quan nhưng thú thực quyền hạn của thị trấn cũng có chừng mực. Giờ huyện Nghi Lộc đang giải quyết”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi nhận được phản ánh của các hộ dân, ngày 7/1/2011, Ban quản lý dự án 1 đã có công văn trả lời. Công văn số 2450 PMU1-QLDA4 khẳng định: “Việc quản lý xây dựng khu TĐC thị trấn Quán Hành được thực hiện đúng theo các quy định về quản lý xây dựng cơ bản của Nhà nước và Bộ GTVT… Việc bố trí cho các hộ dân phải di chuyển bởi dự án WB1 vào trong khu TĐC tại khối 2 thị trấn Quán Hành là thuộc quyền hạn và trách nhiệm của UBND huyện Nghi Lộc”.

Ông Lê Văn Khang - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc - thừa nhận: “Khu TĐC đã xây dựng xong từ năm 1996 nhưng chưa bố trí cho hộ dân nào vào ở. Hiện một số hạng mục như: Trạm biến áp, mương thoát nước… do bỏ hoang lâu ngày nên đã hư hỏng”. Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của UBND huyện Nghi Lộc trong việc chậm bố trí TĐC cho người dân, ông Khang cho hay: “Nguyện vọng của người dân được TĐC là đúng, việc chậm giao đất TĐC là do dân không kêu nên chính quyền không giao. Cách giải quyết như thế nào hiện huyện cũng rất bí. Chủ trương chúng tôi là gửi văn bản xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Cấp trên chỉ đạo làm thì chúng tôi làm còn giờ chủ tịch huyện chưa thể làm gì được”.

Nguyễn Duy - Đặng Trọng