Bình Thuận:
1,5 triệu m3 chất thải xin đổ xuống biển không phải là bùn thải
(Dân trí) - Theo báo cáo của ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, gửi Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Bình Thuận thì 1,5 triệu m3 khối lượng nạo vét mà công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xin đổ xuống biển chủ yếu là cát, sỏi, vỏ sò… chứ không phải là bùn thải.
Chỉ là khối lượng nạo vét đáy biển
Trong báo cáo gửi Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Công ty BOT) là chủ đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) với tổng mức đầu tư dự kiến 1,755 tỷ USD.
Trong dự án nêu trên có hạng mục Bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Hạng mục này đã được Tổng cục Năng lượng – Bộ Công thương chấp thuận chủ trương đầu tư . Theo thiết kế, để đảm bảo độ sâu nước (-12,7) m cho tàu 30.000 – 50.000 DWT cập cảng thì chủ đầu tư phải thi công nạo vét tại các khu vực mặt nước trước bến và vũng quay tàu.
Hạng mục này cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo ĐTM; trong đó nêu rõ: khối lượng nạo vét (không phải khối lượng bùn thải) của hạng mục này là 1.569.524 m3, khối lượng nạo vét duy tu hàng năm là 268.615 m3/năm, toàn bộ khối lượng nạo vét được đổ tại bãi đổ ngoài biển.
Báo cáo này nêu rõ: “Theo báo cáo của Công ty (Vĩnh Tân 1 – PV), thành phần khối lượng nạo vét qua khảo sát chủ yếu gồm cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, đá phong hóa, sét bùn và trầm tích; Công ty đã thuê tư vấn xét nghiệm, kết quả cho thấy hàm lượng các kim loại nặng trong trầm tích biển tại khu vực nạo vét đều nhỏ hơn giới hạn cho phép nhiều lần theo TCVN, đặc biệt không phát hiện thấy Dioxin, PCB”.
Báo cáo cũng cho biết, báo cáo ĐTM được duyệt đã xác định vị trí nhận chìm 1,5 triệu m3 khối lượng nạo vét này thuộc khu vực biển có độ sâu trung bình (-25) m, cách khu vực dự án trên 10 km, diện tích khu vực đổ là 300 ha.
Có đến 3 hạng mục đổ khối lượng nạo vét xuống biển
Về dự báo tác động của việc đổ khối lượng nạo vét đến môi trường tự nhiên, báo cáo này nêu: “Theo nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt thì: Vị trí bãi đổ vật liệu nạo vét cách Hòn Cau khoảng 8km, luồng tàu vào cảng, cách Hòn Cau khoảng 4km, theo báo cáo ĐTM thì trong giai đoạn hoạt động của cảng không tác động đến vành đai bảo vệ, là vùng nằm ngoài khu bảo tồn biển có chiều rộng 500m tính từ mép ngoài của khu bảo tồn biển Hòn Cau”.
Tuy nhiên, báo cáo ĐTM cũng đánh giá: “Việc đổ vật liệu nạo vét xuống biển sẽ có những tác động nhất định đến hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, hoạt động sản xuất tôm giống, nuôi trồng thủy sản của địa phương, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy. Đặc biệt, hoạt động đổ vật liệu nạo vét của cảng Vĩnh Tân 1 sẽ gây tác động lớn đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau”.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, báo cáo ĐTM đã được phê duyệt thì tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân không chỉ có hạng mục Bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đổ 1,5 triệu m3 khối lượng nạo vét xuống biển mà còn 2 hạng mục khác. (Ảnh: Trúc Hà)
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, báo cáo ĐTM đã được phê duyệt thì tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân không chỉ có hạng mục Bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đổ 1,5 triệu m3 khối lượng nạo vét xuống biển mà còn 2 hạng mục khác. Đó là dự án Cảng nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 đổ chất thải nạo vét trong giai đoạn xây dựng và duy tu hàng năm, dự án Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân đổ chất thải nạo vét duy tu hàng năm. Cả 2 dự án này cùng đổ tại 1 vị trí trên biển.
Báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định: “Với khối lượng lớn, việc đổ tại biển sẽ gây ra những tác động nhất định đến môi trường, kinh tế, xã hội tại khu vực, nhất là ảnh hưởng đến khu bảo tồn biển Hòn Cau, khu nuôi trồng thủy sản và đời sống, sản xuất của nhân dân”.
Kiến nghị đánh giá lại tác động đến môi trường
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn và địa phương để thẩm tra theo trình tự thủ tục pháp luật quy định trước khi cấp phép nhấn chìm khối lượng nạo vét trên xuống biển. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn không đồng ý với phương án đổ vật liệu nạo vét ra biển và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thẩm định cần thay thế phương án nhấn chìm bằng phương án khác.
Trong báo cáo này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định: “Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh là sẽ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đánh giá lại tác động, ảnh hưởng tổng thể của việc nạo vét và đổ khối lượng nạo vét của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, trong đó có dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1”.
Ngoài ra, tỉnh cũng cho biết sẽ mời các nhà khoa học, chuyên gia phản biện trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét việc cấp phép nhận chìm vật liệu nạo vét dự án trên xuống biển.
Tỉnh Bình Thuận sẽ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đánh giá lại tác động, ảnh hưởng tổng thể của việc nạo vét và đổ khối lượng nạo vét của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, trong đó có dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh: Trúc Hà
Tỉnh sẽ nghiên cứu đầy đủ các mặt như thành phần, khối lượng vật liệu nạo vét sẽ đổ xuống biển; diện tích và vị trí bãi đổ vật liệu nạo vét; quy mô, phạm vi, mức độ tác động đến môi trường, hệ sinh thái, hoạt động kinh tế - xã hội, đến đời sống, sản xuất của nhân dân tại khu vực; các biện pháp giảm thiểu các tác động đến môi trường, hệ sinh thái Khu bảo tồn biển Hòn Cau, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động sản xuất kinh tế của địa phương…
Báo cáo nêu rõ: “Nếu gây tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái biển, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội khu vực và đời sống, sản xuất của nhân dân thì đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án khác cho phù hợp, bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa của khu vực này trong quá trình xây dựng, vận hành, khai thác Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nói chung và nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nói riêng”.
Tùng Nguyên - Trúc Hà