1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

14.400 tỷ đồng để giải toả "trắng" hành lang đường bộ

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí, ông Ngô Quang Đảo, Cục phó Cục Đường bộ, buồn bã nói: “14.400 tỷ đồng là cái giá quá đắt phải trả... Đây là bài toán phức tạp và tác động chính là do chính quyền địa phương, chúng tôi cũng nhận thiếu sót khuyết điểm”.

Một cái giá quá đắt

Cục Đường bộ Việt Nam ngày 20/2/2008 có ra văn bản về việc triển khai Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến các đơn vị quản lý đường bộ trong 4 tuyến giải toả thí điểm, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ.
 
Theo đó, 4 tuyến thí điểm giai đoạn 1 là Hà Nội - Ninh Bình; Vinh - Huế; Đà Nẵng - Nha Trang; Ninh Thuận - thành phố Hồ Chí Minh. Giai đoạn này ngốn số tiền 14 tỷ đồng để mở rộng hai bên hành lang 5-7m. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ tiến hành giải toả trên tất cả các tuyến quốc lộ, với số tiền dự tính là 14.400 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng tuyến quốc lộ 1 đã chiếm tới 14 nghìn tỷ. Số tiền này sẽ được rút ra từ ngân sách nhà nước.
 
Theo thống kê từ các Khu quản lý đường bộ, hiện trên tuyến quốc lộ 1 từ Hà Nội vào TPHCM có trên 77 nghìn vụ vi phạm. Trong đó, riêng đoạn từ Ninh Thuận vào TP Hồ Chí Minh đã chiếm 1/2 số vụ.
 
Trả lời câu hỏi về việc: “Số tiền hơn 14 nghìn tỷ đồng có phải là cái giá quá đắt cho việc buông lỏng quản lý bấy lâu nay trên các tuyến quốc lộ?”, ông Ngô Quang Đảo ngậm ngùi: “Những quy định pháp luật về hành lang đường bộ được nói rất rõ ràng trong Luật ATGT đường bộ. Nhưng bấy lâu nay, ngành đường bộ gần như đơn độc, làm không đủ sức trong khi chính quyền tại nhiều địa phương đã làm sai quy định khi làm thủ tục cấp đất trong hành lang ATGT đường bộ.
 
Thanh tra Cục Đường bộ lập biên bản, đình chỉ không cho làm nhưng họ cứ làm. Thậm chí ra quyết định xử phạt nhưng họ không nộp, thanh tra Cục cũng chịu. Yêu cầu chính quyền địa phương đến cùng giải quyết cũng không được. Lý do là có những trường hợp, ông bác làm quyết định cấp đất sai quy định cho ông chú, cho đứa cháu… nên rất khó giải quyết. Đây là bài toán phức tạp và tác động chính là do chính quyền địa phương, Cục đường bộ cũng nhận thiếu sót khuyết điểm.

Đó là lý do chúng ta phải trả một cái giá quá đắt cho việc này”.

Những lấn cấn quanh chuyện giải toả

Về vấn đề khó khăn trong việc giải toả tại các khu đô thị, thị tứ, thị trấn, ông Ngô Quang Đảo cho biết: “Đối với khu vực đô thị, thị trấn, thị tứ, hành lang đường bộ chính là vỉa hè của phố xá với bề ngang từ 80cm - 1m.

Riêng đối với hành lang tại các thị tứ, thị trấn thị xã thì chắc chắn có thể thực hiện được. Cũng cần phải nhắc lại, trước kia chủ tịch UBND tại nhiều cơ sở đã có quyết định cấp đất cho sai quy định, xâm phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Lần này chủ trương của Chính phủ và ngành giao thông là sẽ thống kê những quyết định sai của các chính quyền cơ sở để báo cáo bộ GTVT và trình Chính phủ. Nếu quyết định sai thì chính quyền địa phương sẽ phải ra quyết định thu hồi đất”.

Về những lấn cấn xung quanh việc chưa có quyết định thu hồi đất, người dân vẫn đang được sử dụng hợp pháp mảnh đất dù đó là trên hành lang, ông Đảo khẳng định: “Hiện nay chúng ta chưa thu hồi đất, với quốc lộ 1 thì việc nâng cấp cải tạo từ Hà Nội đi vào tuyến trong, tuyến Hà Nội - Vinh trước kia do PMU1 làm chủ đầu tư giải phóng, đền bù và thu hồi đất có một số đoạn là đã thu hồi đất. Việc dân tái lấn chiếm thì chúng ta có thể thực hiện gọn nhẹ. Còn một số nơi chỉ giải phóng được 1-2m để lấy chỗ thi công.

Chúng tôi thực hiện theo đúng luât giao thông đường bộ, ở trong đất hành lang chỉ được phép trồng cây ngắn ngày, cây ăn quả theo đất hai bên hành lang. Còn những gì phát sinh ảnh hưởng đến hành lang ATGT thì được quyền tháo dỡ, giải quyết. Đất thổ canh thổ cư thì phải giữ nguyên trạng, không được trồng cây cao che khuất tầm nhìn…

Trong các dự án, dự án nào cũng đều đề ra một chủ trương là đền bù giải phóng luôn đất hai bên hành lang nhưng thực tế là do ngân sách không đủ, chủ trương đành phải giải phóng 1-2m, cùng lắm là 3m để lấy chỗ thi công. Cục Đường bộ đã có kiến nghị với Bộ rằng: Từ nay trở đi, khi duyệt một dự án nào thì cần quan tâm đặc biệt đến việc giải phóng đền bù đất hành lang”.

Trước câu hỏi về thực trạng TNGT đáng sợ tại nút giao thông nam cầu Hàm Rồng, ông Đảo nhận định: “Xin khẳng định, chúng tôi thiết kế đường ở vị trí đó rất “ngon lành” nhưng khi họ mở một nút đấu trực tiếp với với quốc lộ 1 thì chính quyền địa phương tự ý mở, không xin phép Cục Đường bộ.

Trước đó, chúng tôi có rất nhiều văn bản về điểm nút này nhưng có cản cách nào cũng không được. Vừa rồi họ có văn bản kêu tới Cục Đường bộ và đề nghị Cục giải quyết nút giao thông đó. Chúng tôi có 2 văn bản trả lời rằng: anh tự phát sinh thì anh phải tự bỏ kinh phí ra để điều chỉnh nút giao thông đó”.

Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm