142 băng nhóm, 11 tổ chức “xã hội đen” hoành hành cả nước
(Dân trí) - Tội phạm xã hội “nóng” vì những băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Tình trạng mua bán, tàng trữ vũ khí, hàng nóng gia tăng… Đây là đánh giá khái quát về diễn biến tình hình tội phạm năm 2013 khiến nhà nước “đau đầu”.
Sáng 3/1, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết năm 2013, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2014 về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo, năm 2013, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội: xảy ra hơn 59.000 vụ, tăng 5,03% so với năm 2012, xu hướng tội phạm trẻ hóa. Một số loại vụ án tăng như giết người do nguyên nhân xã hội 1.300 vụ (tăng 0,9%), cố ý gây thương tích gần 8.500 vụ (tăng 9,44%), hiếp dâm 1.200 vụ (tăng 20,22%)… Một số loại án giảm như giết người cướp tài sản 83 vụ (giảm 27,2%), chống người thi hành công vụ 830 vụ (giảm 11%)…
Tướng Vương nhấn mạnh tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỷ lệ cao (đến 86% tổng số vụ giết người), nhiều vụ có hành vi gây án hết sức dã man tàn bạo, gây bức xúc dư luận. Thứ trưởng Công an nhắc đến vụ giết người chặt xác phi tang ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, dùng xăng đốt chết người ở Hải Phòng, Hưng Yên; vụ bắt cóc, giết hại dã man 5 phu trầm ở Quảng Trị, vụ dùng súng bắn 5 cán bộ ở Thái Bình…
Tội phạm chống người thi hành công vụ tuy giảm nhưng hành vi chống đối ngày càng nguy hiểm, manh động và liều lĩnh, tình trạng chống đối tập thể có chiều hướng gia tăng.
Đáng chú ý là tội phạm có tổ chức, hoạt động đan xen giữa kinh tế, hình sự, dưới dạng đâm thuê, chém mướn, bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuế, cho vay nặng lãi… Nhiều đối tượng hoạt động manh động, liều lĩnh, gây lo lắng cho nhân dân. Cầm đầu các băng, nhóm tội phạm hầu hết có tiền án, tiền sự, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ gây án.
Một số biểu hiện nổi lên là tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khóan… gây thiệt hại lớn về tải sản, ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế xã hội. Đại diện Bộ Công an dẫn chứng vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt 4.600 tỷ đồng (vụ án có 17 bị can, mới thu hồi được 1.500 tỷ đồng). Vụ công ty cho thuê tài chính II của Ngân hàng NN&PTNT có 34 bị can. Vụ án tại TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có 14 bị can. Vụ Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Nam Hà Nội gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng…
Tội phạm tham nhũng, chủ yếu là vi phạm trong triển khia các dự án quản lý tài sản công, thực hiện chính sách xã hội và ở các Tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn. Điển hình như vụ Trần Đình Huy ở TCTy Coma lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, vụ Nguyễn Thế Ngọc – Cty vận tải dầu khí tham ô tài sản, gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 1800 tủ đồng, vụ cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hơn 30 tỷ đồng tại CTy Intimex Hà Nội…
Tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, thuốc lá, hàng tiêu dùng… diễn biến phức tạp. Lãnh đạo Bộ Công an dẫn ví dụ vụ 2 đối tượng người Việt câu kết với 4 đối tượng người Trung Quốc sử dụng thẻ tính dụng giả chiếm đoạt 4 tỷ đồng, vụ 13 đối tượng sử dụng thếit bị công nghệ cao mạo danh các cơ quan tư pháp của Trung Quốc lừa đảo chiếm đoạt 2,8 triệu Nhân dân tệ…
Tội phạm về ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, tinh vi, nhất là ở khu vực biên giới, tình trạng vận chuyển ma túy ra nước ngoài qua đường hàng không ngày càng tăng, điển hình là vụ vận chuyển 230 kg ma túy qua Đài Loan. Năm 2013, cơ quan chức năng đã bắt giữ trên 18.000 vụ, hơn 28.000 đối tượng tội phạm về ma túy, tăng gần 500 vụ và 2.500 đối tượng so với năm 2012. Tội phạm buôn bán người ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng, năm 2013 phát hiện xảy ra trên 500 vụ, liên quan gần 700 đối tượng, lừa bán gần 1.000 nạn nhân, trong đó trên 70% số vụ là lừa bán sang Trung Quốc dưới dạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp, lao động trái phép, hoạt động mại dâm và chiếm đoạt, bắt cóc phụ nữ, trẻ em…
Ngoài ra, tội phạm trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự còn phổ biến, nhất là dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, nhà nghỉ. Qua kiểm tra gần 200.000 cơ sở kinh doanh dạng này phát hiện trên 27.000 trường hợp vi phạm, tăng hơn 2.000 trường hợp so với 2012. Tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là súng tự chế bắn đạn hoa cải gia tăng…
Tội phạm chưa giảm vì quan niệm việc là của công an?
Đánh giá chung về công tác phòng chống tội phạm (PCTP) năm 2013, Bộ Công an cho rằng đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của tội phạm, tạo sự chuyển biến tích cực hơn về trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trong phát biểu khai mạc hội nghị vẫn đặt câu hỏi: “Tại sao đã làm quyết liệt, tội phạm tuy có giảm nhưng chưa nhiều, ở nhiều địa phương trọng điểm, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp?”.
Năm 2014, ngành công an đặt mục tiêu kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, nhất là ở 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, 10 địa bàn trọng điểm về tội phạm có tổ chức, làm giảm các loại tội phạm nghiêm trọng như giết người do nguyên nhân xã hội, ma túy, chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, sử dụng công nghệ cao, cho vay nặng lãi.. tạo chuyển biến rõ rệt trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng, tỷ lệ điều tra, khám phá, xử lý tội phạm; phấn đấu đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án..
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, muốn giảm tội phạm thì cả hệ thống phải vào cuộc, nhân dân phải vào cuộc chứ không riêng ngành công an. Vì vậy, Phó Thủ tướng phê bình các địa phương không có lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị. “Vì các đồng chí quan niệm đó là việc ngành công an? Muốn chống tội phạm thì cả hệ thống phải vào cuộc” - Phó Thủ tướng nghiêm khắc nhắc.
Đánh giá về công tác phòng chống tội phạm, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của ngành, của chính quyền. Ông Phúc băn khoăn: “Tại sao có những địa phương không kiềm chế được tội phạm? Không chỉ lo phát triển kinh tế, chúng ta phải lo sự bình yên của cuộc sống của người dân. Kinh tế có thể nghèo một chút nhưng cuộc sống phải bình yên, hơn là kinh tế khá nhưng người dân lúc nào cũng nơm nớp về sự an toàn của mình”.
P.Thảo