12 luật “gai góc” đang… “treo” nhiều quyền của người dân

(Dân trí) - Theo tính toán, phần sau của nhiệm kỳ này, các cơ quan nhà nước phải hoàn thành 89 dự án luật, trong đó có 12 luật về quyền con người cần xây dựng, đều là những luật “gai góc” như luật lập hội, luật trưng cầu dân ý, luật biểu tình…

Đây là thông tin được đưa ra trong Hội thảo “Định hướng thể chế hóa bằng pháp luật nhằm đảm bảo thực hiện quyền con người trong Hiến pháp 2013” do Viện Khoa học pháp lý-Bộ Tư pháp tổ chức ngày 28/3.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, quá trình soạn thảo Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được đối chiếu tương đối toàn diện với tiêu chuẩn của các quy định nhân quyền của Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

“Quyền con người lần đầu tiên được tiếp cận từ góc độ là quyền tự nhiên với ý nghĩa không phải loại quyền do nhà nước ban cho. Tư tưởng này đúng với tuyên ngôn về quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Quyền con người, theo đó, là hiển nhiên, nghiễm nhiên...” – TS Dung phân tích.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên chủ trì hội thảo.

Đại diện đến từ Viện Nghiên cứu quyền con người – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đặt câu hỏi, hiện tại, quy định pháp luật vẫn có khái niệm “thiết quân luật”. Cụ thể, trong tình huống khẩn cấp, chủ tịch UBND quận/huyện có quyền ra lệnh cấm người dân đi lại. Đó là một quyết định hạn chế quyền của người dân. Nhưng theo thông lệ quốc tế, chỉ cơ quan lập pháp mới được ra văn bản luật để hạn chế quyền con người. Vậy trường hợp này, luật sẽ “lách” bằng cách giao quyền quy định trường hợp hạn chế quyền con người cho Chủ tịch tỉnh, huyện thì có phù hợp?

GS. Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và pháp luật) lại đánh giá cao việc thay đổi trong cách thức ghi nhận quyền con người của Hiến pháp mới. Trái ngược với GS Dung, GS Nghị cho rằng, nội hàm đầy đủ của Điều 15 Hiến pháp là “quyền con người chỉ có thể bị hạn chế trong một số tình huống cần thiết... được quy định bằng luật”. Cách thiết kế điều khoản này, theo đó, làm tăng tính thực tế, thực tiễn của của quyền con người lên.

Ông Nghị lý giải, việc hạn chế quyền của người dân bằng quy định của luật nghĩa là luật phải quy định các trường hợp hạn chế, cách thức hạn chế. Còn việc Chủ tịch tỉnh, huyện, thậm chí xã trong tinh huống khẩn cấp vẫn có thể ra các quyết định hành chính nhưng vẫn phải đúng luật. Tình huống này, ông Nghị cho rằng, quyết định đó không phải là việc hạn chế quyền con người theo luật.

Đánh giá chung về bản Hiến pháp mới, ông Nghị nhận định, ngoài chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo ông Nghị, các nội dung khác của bản Hiến văn đều thấm đẫm tinh thần nhân quyền. Dẫn chứng cụ thể, ông Nghị bình luận, các chương về tổ chức bộ máy nhà nước đều quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, từ Chính phủ đến Tòa án, VKS… nhiệm vụ này đều được đặt lên hàng đầu.

Việc dự liệu một cơ chế bảo hiến, theo ông Nghị cũng là cách để bảo đảm cho việc thực thi quyền con người.

TS. Nguyễn Tiến Sơn (Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát – VKSND tối cao) phân tích một nội dung cụ thể, đó là nguyên tắc suy đoán vô tội đề ra trong Hiến pháp mới đã chặt chẽ hơn, thực tế hơn rất nhiều. Theo đó, Hiến pháp khoanh vùng đối tượng suy đoán là người bị buộc tội thay cho đối tượng mơ hồ là bất cứ ai. Việc công dân bị buộc tội cũng phải theo trình tự chặt chẽ

Những quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của VKSND cũng đề ra 2 nguyên tắc cơ bản là “mọi tội phạm đều phải được phát hiện, xử lý”, “không làm oan người vô tội” với nhiệm vụ quan trọng được bổ sung là minh oan cho người bị hàm oan. Để chống việc oan sai cho người dân, VKS cũng thực hiện quyền kiểm sát ở bất cứ nơi đâu có hoạt động tư pháp, tham gia kiểm sát từ đầu trong các vụ án hình sự. 

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nêu lo lắng về hướng triển khai thực thi Hiến pháp vì các vấn đề vẫn rất… mông lung, chưa xác định được từng bước đi cụ thể cho từng 3-5 năm tới.

“Chúng ta có thể tự hào với thế giới là bản Hiến pháp lần này của chúng ta ghi nhận rất đầy đủ về quyền con người, quyền công dân. Cơ quan soạn thảo đã rất “tốt bụng” và hào phóng, kê đủ đến hơn 30 quyền nhưng rõ ràng chưa thể làm ngay cùng lúc, một lần tất cả những nội dung này. Để tránh ảo tưởng thì phải có kế hoạch với từng bước đi cụ thể chứ không các quy định vẫn sẽ trừu tượng” – ông Lộc góp ý.

Theo ông Lộc, việc trước hết cần làm cho người dân cùng hiểu, đồng tình và cùng quyết tâm thực hiện Hiến pháp. Rà soát lại hệ thống pháp luật để sửa đổi cho phù hợp, đồng bộ cũng là một việc làm thiết thực.

Theo tính toán, phần sau của nhiệm kỳ này, các cơ quan nhà nước phải hoàn thành 89 dự án luật với 29 luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Liên quan trực tiếp đến chương II cũng có 12 luật về quyền con người cần xây dựng, đều là những luật “gai góc” như luật lập hội, luật trưng cầu dân ý, luật biểu tình…

P.Thảo