1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

11 giáo viên bị “bỏ rơi” ở khu tái định cư

(Dân trí) - Đã 3 tháng qua, 11 giáo viên ở khu tái định cư Thanh Chương (Nghệ An) chịu cảnh thất nghiệp, không có lương vì không được UBND huyện tiếp nhận, mặc dù đã có quyết định thuyên chuyển công tác.

Bỗng dưng… thất nghiệp

 

Thất nghiệp một cách bất đắc dĩ, 11 giáo viên đang đứng trước muôn vàn khó khăn trong cuộc sống.

 

Cô Lô Thị Hồng Thắm, một trong số giáo viên đang thất nghiệp, bức xúc cho biết, cô được UBND huyện Tương Dương ký hợp đồng từ năm 2004 và công tác tại trường THCS Luân Mai. Sau đó, công trình thủy điện Bản Vẽ bắt đầu xây dựng cũng là lúc bà con, các trường học phải chuyển đến khu tái định cư. Theo đó, các giáo viên cũng nằm trong diện di dời và được huyện quyết định thuyên chuyển theo.

 

11 giáo viên bị “bỏ rơi” ở khu tái định cư  - 1
Các quyết định thuyên chuyển công tác và thông báo thôi trả lương đối với 11 giáo viên của UBND huyện Tương Dương

 

Ngày 8/1/2010, ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương - đã ký quyết định thuyên chuyển cô cùng hàng trăm giáo viên khác về công tác tại khu tái định cư huyện Thanh Chương.

 

Tuy nhiên, theo trình bày của cô Thắm, cô cùng với các đồng nghiệp rất bất ngờ vì đã không được UBND huyện Thanh Chương tiếp nhận với lý do các giáo viên này không thuộc 5 xã di dân tái định cư (5 xã di dân vùng lòng hồ bao gồm Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương, Luân Mai).

 

Đã 3 tháng nay, cô Thắm không được hưởng bất kỳ một chế độ nào. Một số giáo viên khác thì đi làm thuê, đi rừng làm nương phát rẫy... sống qua ngày.

 

Cùng cảnh với cô Thắm, thầy Lô Văn Hải nhận được quyết định thuyên chuyển công tác của UBND huyện Tương Dương về Thanh Chương và thầy cũng không được UBND huyện Thanh Chương tiếp nhận. 

 

Thầy Hải tâm sự:  “Đã hơn ba tháng nay không được lên lớp nên nhớ học sinh, nhớ giảng đường lắm; không có lương, tôi ở nhà phụ giúp bố mẹ đi làm rẫy. Nhiều người không hiểu cứ tưởng là mình bị kỷ luật....”.

 

11 giáo viên bị “bỏ rơi” ở khu tái định cư  - 2
Cô Thắm và thầy Hải là 2 trong số 11 giáo viên ở KTĐC Thanh Chương đã 3 tháng nay không được đi dạy, không có lương.

 

Lúng túng trong xử   

 

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thanh Chương - cho biết: “Năm 2006, để đảm bảo yêu cầu công tác giáo dục cho học sinh và giáo viên ở khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ sau khi di dời về KTĐC Thanh Chương, UBND tỉnh Nghệ An ban hành đề án thuyên chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ, giáo viên từ vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ về KTĐC Thanh Chương.

 

Theo đó, số giáo viên ở vùng lòng hồ có 250 người. Trong đó, số giáo viên thuộc diện thuyên chuyển, tiếp nhận và sắp xếp ổn định công việc ở KTĐC Thanh Chương đợt I (2006 - 2008) là 164 giáo viên. Đến tháng 7/2009, UBND Tương Dương tiếp tục có quyết định thuyên chuyển đợt II đối với 121 giáo viên còn lại về cho huyện Thanh Chương. Theo đề án ban đầu thì số giáo viên này dôi dư 35 người, phía huyện Thanh Chương hứa sẽ tiếp nhận.

 

Tuy nhiên, trong quá  trình xem xét lại hồ sơ UBND huyện Thanh Chương đã “phát hiện” có 22 giáo viên sai sót về  hồ sơ và 11 giáo viên không thuộc dự án di dân vùng lòng hồ thuỷ điện. Hiện tại 22 hồ sơ có sai sót đã được Sở Nội vụ sửa chữa và chúng tôi đang có tờ trình gửi UBND huyện tiếp nhận. Còn 11 giáo viên trên thì chúng tôi cũng chưa biết nên giải quyết theo hướng nào”.

 

11 giáo viên bị “bỏ rơi” ở khu tái định cư  - 3
Ông Nguyễn Hoài Nam - Trường Phòng GD-ĐT Thanh Chương - cho biết đang chờ ý kiến cấp trên về trường hợp của 11 giáo viên này

 

Trước tình hình đó UBND tỉnh Nghệ An đã có 9 cuộc họp giữa 2 huyện và 3 Sở (Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT và Sở Tài chính) để tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, do có những đề xuất hướng giải quyết trái ngược nhau khiến Phòng GD&ĐT cũng như UBND huyện Thanh Chương lúng túng hơn trong việc tiếp nhận và bố trí công tác cho 11 giáo viên nói trên.

 

Sáng ngày 8/4, trao đổi với PV Dân trí về vụ việc này, ông Lê Đình Lý, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền - Sở Nội vụ Nghệ An, cho biết, hai huyện Tương Dương và Thanh Chương nên ngồi lại với nhau để làm cho rõ nhữnng thông tin trái ngược nhau, bảo đảm quyền lợi cho các giáo viên.

 

 “Theo tôi, nếu huyện Tương Dương đã có quyết định hợp lý thì huyện Thanh Chương nên bố trí cho 11 giáo viên đó. Về phía Sở Nội vụ, nếu cần phải phối hợp thống nhất thì chúng tôi sẽ chủ trì, bàn cách tháo gỡ”, ông Lý nói.     

 

Nguyễn Duy - Quang Anh