1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

100 giờ trong tay bọn bắt cóc

(Dân trí) - Bị bắt cóc, đó là nỗi ám ảnh hãi hùng nhất đối với bất kỳ ai, dù nạn nhân là người lớn hay trẻ nhỏ. Nguyễn Thanh Tùng đã phải sống trong cơn ác mộng như thế suốt 5 ngày. Nhưng trong ký ức non nớt của đứa trẻ 7 tuổi ấy, những ngày kinh hoàng đó giản đơn như một cuộc dạo chơi phiêu lưu và bản thân cháu luôn hành xử như… dũng sĩ.

>> Thủ phạm bắt cóc cháu GĐ Sở Tài chính Hải Phòng sa lưới

 

Sáng 21/11, ngôi trường Đinh Tiên Hoàng tưởng như vỡ oà trong tiếng cười và niềm vui khi Nguyễn Thanh Tùng được cha mẹ đưa đến lớp. Trái với mường tượng của thầy cô và bạn bè, Tùng hồn nhiên nô đùa và kể lại những ngày trong tay bọn bắt cóc, vô tư như kể về một bộ phim trinh thám. “Bạn Hải Long, Đạt, Huy Dũng khen cháu dũng cảm như dũng sĩ Hesman (tên một nhân vật dũng sĩ trong cuốn truyện tranh dành cho trẻ em-PV)” - Tùng hồn nhiên khoe với chúng tôi.

 

Cuộc chơi “chuyên nghiệp” của những kẻ bắt cóc

 

Từ chiều ngày 15/11, sau khi gửi tấm sim điện thoại liên lạc cho gia đình nạn nhân, bọn bắt cóc “diễn” một trò khủng khiếp. Chúng đưa ra yêu sách, tối hậu thư và dọa giết cháu bé. Thời hạn hết, gia đình nạn nhân hoảng loạn và tối hậu thư lại được gia hạn.

 

Bằng cách liên tục đe doạ vào sáng sớm và đêm khuya, bọn bắt cóc mang tới cho gia đình nạn nhân điều mà theo một số chuyên gia tâm lý nhận định, là liều thuốc gây sốc cấp tốc, “nhiều tập” và không nhìn thấy hồi kết.

 

“Điều này khiến gia đình nạn nhân bối rối và có rất ít thời gian để hành động, ngoại trừ một phương cách gần như đơn độc, ngả mình theo bất cứ hướng đi nào mà bọn bắt cóc vẽ ra”, thượng tá Dương Tự Trọng - trưởng phòng PC 14 công an TP Hải Phòng khẳng định, “Nhưng rất may, cháu bé lại tỏ ra rất bản lĩnh…”.

 

Nói chuyện với chúng tôi vào 19 giờ ngày hôm qua, 21/11, cháu Nguyễn Thanh Tùng kể lại: “Những ngày trong tay bọn bắt cóc, điều khiến cháu sợ hãi nhất là thiếu nước. Hai ngày đầu tiên, bọn chúng chỉ đưa cho cháu một chai nước suối loại nhỏ và “lệnh” cho cháu chỉ được “đi” ngay tại chỗ, không được lấp ló ra phía cửa sổ”.

 

“Vậy khi bị giằng khỏi tay người anh họ, cháu có biết rằng đó là những kẻ xấu không? Cháu có sợ không?” “Cháu không sợ. Ngay khi những người này đưa cháu lên xe và phóng xe đi, cháu đã biết họ là những người xấu. Cháu định la hét, định vùng người ra nhưng người đằng sau đã dùng tay bịt chặt mồm cháu và ôm chặt lấy người cháu. Khi bọn chúng đưa cháu đến chiếc thuyền là vào thời gian rất sớm, rất thưa vắng người. Cháu thấy hơi sợ, nhưng ngay sau đó, khi một người trong bọn chúng bỏ khẩu trang bịt mặt, vô tình để rơi khẩu súng trên sàn, cháu biết đấy chỉ là khẩu súng nhựa, cháu không sợ nữa. Có lúc, cháu đã tính đá vung khẩu súng đó đi”, cháu bé cười nheo mắt tinh nghịch, kể lại.

 

Nhớ lại những lần bị ăn đòn vì cưỡng lệnh bọn bắt cóc, Tùng bảo mình từng bị “ăn” 16 cái cốc vào đầu. “Chúng không cho cháu bén mảng ra gần cửa sổ căn phòng để tránh bị lộ tẩy. Có những lúc, cháu làm căng doạ không ăn uống khiến bọn bắt cóc phải đưa cháu ăn bát cơm mà những tên thay ca trông giữ mang ra từ thành phố”. 

 

Để yêu sách của mình có thêm sức nặng, nhóm bắt cóc cháu bé gia tăng các cuộc đàm thoại và tuyệt đối không cho gia đình nạn nhân được nghe thấy giọng nói của cháu bé. Khi các cuộc thương thuyết lâm vào bế tắc, đặc biệt sau khi gia đình đề nghị hạ mức tiền nộp xuống 3 tỷ rồi 2 tỷ vào các đêm ngày 18, rạng sáng ngày 19, chúng lại doạ chặt đứt một phần thân thể cháu bé, gửi về cho gia đình. Chúng hiểu rõ ai là người “nắm đằng chuôi” và tận dụng triệt để lợi thế này. Chúng hy vọng gia đình sẽ không dám manh động cộng tác cùng cơ quan công an.

 

Sau khi sự việc xảy ra, tất cả những kẻ trực tiếp bắt cóc đều bặt vô âm tín; kẻ cầm đầu (gọi điện) lại là người khác. Y ngồi “điều hành” thương thuyết từ Trung Quốc. Trong quá trình liên lạc với gia đình cháu Tùng, chúng thường xuyên thay đổi số điện thoại. Hình thức chuyển tiền không qua trao tay mà phải qua một số tài khoản ở nước ngoài. 

 

Cháu bé tiếp thêm sức mạnh cho gia đình!

 

Phía cơ quan công an, CSĐT tất nhiên đều kiên cường với chính sách “không thỏa hiệp với bọn bắt cóc”. Tuy nhiên, một điều khó là làm sao truyền niềm tin đó cho những người đang trong trạng thái tâm lý căng thẳng, hoảng loạn là điều không hề đơn giản.

 

100 giờ trong tay bọn bắt cóc  - 1

 Anh Nguyễn Công Hân, bố cháu bé nhớ lại: “Với gia đình, không lời lẽ nào có thể tả lại vẹn nguyên cảm xúc những ngày đó. Bản thân tôi, cũng đã có những lúc tưởng như đánh mất sự bình tĩnh. Chính tập thể cán bộ, chiến sĩ công an PC 14, mà đầu tiên là anh Ca (Đỗ Hữu Ca - PGĐ Công an TP Hải Phòng), anh Trọng đã giúp tôi có thêm nghị lực chờ đợi và hy vọng”.

 

“Tôi đã hứa với bản thân, với lãnh đạo, nếu vụ án này không thành công, cháu bé không trở về với gia đình toàn vẹn, tôi sẽ là người đầu tiên chịu trách nhiệm, tôi sẵn sàng mất chức”, thượng tá Dương Tự Trọng nhớ lại.

 

Đứng trước khó khăn đó, những người đứng đầu ban chuyên án chỉ có một phương cách lựa chọn đầu tiên: kéo dài, càng dài càng tốt, thời gian đàm phán. Để đánh lạc hướng bọn bắt cóc, cơ quan công an đề nghị phía gia đình luôn khẳng định một mực rằng không hề liên hệ với công an và đưa ra yêu cầu tiên quyết là phải được nói chuyện với cháu bé trước khi nói đến chuyện đưa tiền.

 

Sau khi có một số bài báo giấy và điện tử đưa thông tin vụ việc cháu bé bị bắt cóc vào ngày 17/11, ngay trong cuộc điện thoại đêm đó, bọn bắt cóc “đánh hơi” thấy sự vào cuộc của cơ quan công an và gia tăng mức độ đe dọa an toàn của cháu bé. Một lần nữa, để đánh lạc hướng bọn bắt cóc, cơ quan công an tung ra thông tin: Phía công an đã vào cuộc nhưng không nhận được bất kỳ sự hợp tác nào từ phía gia đình.

 

Các cuộc đàm phán sau đó vẫn lâm vào bế tắc.

 

“3 giờ sáng ngày 18/11, nhóm bắt cóc đồng ý cho gia đình được nói chuyện với cháu. Điều khiến cả gia đình chúng tôi lẫn các đồng chí công an như được tiếp thêm sức mạnh là sự bình tĩnh đến kỳ lạ của cháu. Cháu hỏi thăm bố mẹ, ông bà, những người trong gia đình, cháu hỏi thăm cô giáo ở trường, các bạn ở lớp. Cháu than chỉ được ăn mì sợi đến phát chán”, anh Nguyễn Công Hân kể lại.

 

Cùng lúc với khoảng thời gian này, nhóm công tác đặc biệt gồm 58 cán bộ chiến sĩ của PC 14 công an TP Hải Phòng lần tìm được những manh mối quan trọng tại Móng Cái (Quảng Ninh) và Đông Hưng (Trung Quốc).

 

“Phá án nhanh, “cất lưới” ngay tại Hải Phòng trước khi bọn bắt cóc manh động có thể đưa cháu đi xa khỏi nơi giam giữ. Không loại trừ khả năng bọn chúng đưa cháu Tùng sang Trung Quốc”, tập thể lãnh đạo Ban chuyên án cùng thống nhất nhận định này.

 

Và 7 giờ sáng ngày 19/11, Nguyễn Ngọc Tú - kẻ trực tiếp thực hiện bắt cóc cháu Nguyễn Thanh Tùng và ngày đêm canh giữ cháu trên chiếc thuyền neo tại bến sông thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An - bị bắt giữ. Đây là mắt xích quan trọng đầu tiên, phá vỡ thế “cầm cương” của nhóm bắt cóc. Những ngày sau đó, danh tính của những kẻ tham gia gây nên vụ án này dần dần lộ diện…

 

Bà Lã Thị Bưởi - Phòng khám Sàng lọc tư vấn dự phòng rối nhiễu tâm trí bà mẹ và trẻ em - cho biết: Thông thường mỗi đứa trẻ sau khi trải qua những biến động về tâm lý, hoàn cảnh (như trường hợp của cháu Tùng) thì thường sợ hãi, hốt hoảng, khóc, bỏ ăn, rối loạn stress. Tuy nhiên, tuỳ theo tố chất của trẻ mà những biểu hiện đó nặng nhẹ khác nhau.

 

Như trường hợp của bé Tùng thì việc cháu trở về nhà không có những biểu hiện như trên là bởi cháu có một nhân cách vững vàng. Có thể một phần bởi cháu chưa bị hành hạ gì và cháu tin vào việc cha mẹ sẽ cứu cháu khỏi bọn bắt cóc.

 

Đối với các bậc phụ huynh, thông thường, cha mẹ mất ăn mất ngủ lo sợ trong khoảng thời gian tới có điều không may xảy đến với con mình. Đó gọi là triệu chứng stress sau sang chấn. Trước hoàn cảnh đó các bậc phụ huynh nên hiểu rằng mọi điều xấu đã qua rồi, con cái đã về với gia đình và hãy dành cho cháu nhiều sự quan tâm, chăm sóc hơn nữa.

 

Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm