1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2008

(Dân trí) - Ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam 2008 gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn “đặt trọn niềm tin” về một sự phát triển bền vững, tạo ra nhiều giá trị gia tăng tại mảnh đất hình chữ S này.

Năm cũ đã qua, một năm mới đang hứa hẹn thách thức và nhiều cơ hội, hãy cũng Dân trí điểm lại 10 sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam trong năm 2008.

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2008 - 1

1. Lạm phát chạm ngưỡng 20%, Chính phủ giảm mục tiêu tăng trưởng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng gần 4%, nâng CPI 5 tháng đầu năm lên mức cao nhất trong vòng 12 năm qua, đạt 15,96%. Lạm phát tăng cao, Quốc hội đã nhất trí hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,5 - 9% xuống còn 7%.

Và cũng nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu và những khó khăn trong nước, Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp, đến nay đã đạt kết quả bước đầu quan trọng.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,23%, GDP bình quân đầu người lần đầu tiên vượt mốc 1.000 USD, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua.

Lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao. Giá tiêu dùng tháng 12/2008 so với tháng 12/2007 tăng 19,89% và giá tiêu dùng bình quân năm 2008 so với năm 2007 tăng 22,97%. Nhìn lại năm qua, giá tiêu dùng diễn biến phức tạp, khác thường so với xu hướng giá tiêu cùng các năm trước.

2. Nhật tạm ngừng cấp mới ODA cho Việt Nam

Cuộc điều tra về vụ tham nhũng xảy ra tại Dự án đại lộ Đông - Tây (PCI) có thêm những bằng chứng mới là nguyên nhân khiến Nhật Bản quyết định tạm ngừng cấp mới các dự án ODA cho Việt Nam với tổng giá trị lên đến 65,3 tỷ Yên (700 triệu USD) đối với các dự án hạ tầng giao thông và thoát nước.

Dự án đại lộ Đông - Tây bắt đầu từ năm 2001, là một trong những dự án lớn từ vốn ODA của Nhật Bản, nhưng mới phát hiện ra tiêu cực trong năm 2008 này.

Ngược lại với việc Nhật tạm ngừng cấp mới ODA cho Việt Nam, trong năm 2008, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng kỷ lục với hơn 64 tỷ USD (tăng gấp 3 lần so với năm 2007, gấp hơn hai lần so với con số của hai năm 2006 và 2007 cộng lại).

Con số này đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm qua kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, nâng tổng vốn FDI vào Việt Nam tiến gần đến con số 150 tỷ USD, tổng vốn thực hiện đạt trên 11 tỷ USD.

3. Lãi suất ngân hàng tăng cao chưa từng có

Năm 2008 ghi nhận những biến động chưa từng có của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Để thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra rất nhiều biện pháp can thiệp hành chính đối với hệ thống ngân hàng thương mại.

Đã có lúc lãi suất ngân hàng lên mức đỉnh 24 - 25%/năm, lãi suất huy động cũng đạt đỉnh 20%/năm. Nhiều ngân hàng thương mại cho vay cầm chừng, doanh nghiệp vay vốn khó khăn cả về lãi suất cao lẫn khả năng tiếp cận vốn, tín dụng tiêu dùng gần như bị cắt bỏ, tốc độ tăng trưởng tín dụng bước vào vùng thấp nhất trong năm (liên tục tăng dưới 1%/tháng, cả năm ước chỉ tăng khoảng 21% thay vì mức dự kiến khống chế 30%).

Từ cuối tháng 7 đến nay, cùng với cơ chế cho vay mới, sự hỗ trợ của NHNN với nguồn vốn khả dụng của hệ thống tăng mạnh lên, lãi suất trên thị trường bắt đầu có đợt thoái trào, lãi suất cho vay tối đa về còn 12,75%/năm và lãi suất huy động rút về quanh mốc 8%/năm.

4. Giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường

Kể từ ngày 16/9, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được tự quyền quyết định giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng dầu; tính chung cho cả năm, giá xăng trong nước đã 2 lần tăng và 10 lần giảm.

Vào hồi tháng 7, giá dầu thế giới lên tới 147 USD/thùng đã khiến giá xăng trong nước tăng lên mức kỷ lục 19.000 đồng/lít, thuế nhập khẩu mặt hàng này còn 0% (trước đó tăng từ 13.000 đồng/lít năm 2007 lên 14.500 đồng/lít vào tháng 2/2008).

Về sau này, giá dầu thế giới giảm dần và hiện còn dưới 40 USD/thùng. Giá xăng do đó trong nước được điều chỉnh giảm theo, còn 11.000 đồng/lít, thuế nhập khẩu tăng lên kịch trần 40%.

5. Công bố gói 1 tỷ USD kích cầu đầu tư

Vào cuối năm nay, kinh tế đất nước có dấu hiệu rơi vào giảm phát, hàng nghìn doanh nghiệp đối mặt khó khăn, sức mua của người dân chững lại, Chính phủ đã công bố gói kích cầu 1 tỷ USD (khoảng dưới 1,2% GDP).

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, 17.000 tỷ đồng kích cầu này được tập trung vào những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc khủng hoảng tài chính. Công nhân, học sinh, sinh viên, ký túc xá, trường học, nhà ở dành cho công nhân, sân bay, cầu đường sẽ là những đối tượng, lĩnh vực chính được rót vốn từ gói kích cầu này.

Gói kích cầu 1 tỷ USD cũng sẽ dùng để hỗ trợ 4% lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự tính, khi gói kích cầu có hiệu lực thực hiện sẽ có khoảng 420.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cung cấp cho nền kinh tế; tương tự, nếu hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp, nguồn vốn cần huy động có thể lên đến 400.000 tỷ đồng.

6. Lần đầu tiên chỉ số giá chứng khoán giảm gần 70% trong một năm

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua những diễn biến xấu nhất trong suốt hơn 8 năm đi vào hoạt động. Chỉ số giá chứng khoán của cả hai sàn giảm mạnh, đặc biệt, HaSTC -Index có thời điểm xuống dưới mức 100 điểm (ngày 27/11).

So với thời điểm đầu năm 2008, HaSTC-Index và Vn-Index giảm tương ứng 67,2% và 66,9%. Trước đó, vào năm 2003, chỉ số chứng khoán từng giảm xuống mức thấp nhất 139 điểm nhưng mức giảm của Vn-Index trong năm này thấp hơn nhiều so với năm 2008.

Việc huy động vốn qua TTCK giảm tới 75 - 80% và cả 3 kênh: phát hành tăng vốn của doanh nghiệp, cổ phần hóa, phát hành trái phiếu đều sụt giảm mạnh so với năm trước; tính thanh khoản - khối lượng giao dịch giảm khoảng 70% so với năm trước…

7. Thị trường bất động sản đóng băng

Sau một thời gian dài phát triển quá nóng, thị trường bất động sản đóng băng và trải qua đợt sụt giảm về giá nhanh chóng. Chỉ chưa đầy 3 tháng (bắt đầu từ tháng 4/2008), sau khi Bộ Xây dựng dự kiến đánh thuế lũy tiến vào nhà đất và các ngân hàng áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng, giá nhiều phân khúc bất động sản đã tuột dốc không phanh.

Sự suy giảm nhanh nhất là ở các phân khúc nhà ở, đặc biệt là nhà cao cấp, với mức giảm từ 20 - 40%, thậm chí có nơi lên đến 60 - 70% (nhà biệt thự).

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy giá giảm, nhưng so với thu nhập đầu người, giá bất động sản tại Hà Nội, TPHCM vẫn quá đắt đỏ.

8. “Bão giá” gạo bùng lên vào giữa năm

Chưa bao giờ kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều tin đồn thất thiệt như năm nay, đặc biệt là tin đồn “ảo” gây nên “cơn sốt” giá gạo thật tại TPHCM, Hà Nội và các địa phương lân cận.

Những thông tin về thị trường gạo thế giới dự báo giá sẽ tăng cao và có nguy cơ thiếu đói ở một số quốc gia, giới đầu cơ lợi dụng găm hàng tạo hiện tượng khan hàng ... gây tâm lý lo lắng, khiến người dân đua nhau đi tích trữ lúa, gạo.

Sau cơn sốt giá này, thị trường gạo lại rơi vào tình trạng ứ đọng một lượng hàng hóa lớn vào những tháng giữa và cuối năm 2008, gây thiệt hại cho người nông dân. Sự kiện này được nhìn nhận như là một bất cập trong việc điều tiết thị trường lúa gạo, cảnh báo về năng lực dự báo giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

9. Các tập đoàn kinh tế chịu nhiều chỉ trích

Đầu tư tràn lan ra ngoài ngành,vào những ngành nhiều rủi ro của các tập đoàn kinh tế với tổng mức huy động vốn quá lớn là nguyên do khiến Bộ Tài chính trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác. Theo đó, các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ra ngành ngoài không được vượt quá 30% tổng vốn.

Đặc biệt, việc Tập đoàn Điện lực (EVN) xin trích thưởng hơn 1.000 tỷ đồng, sau khi vừa đề nghị tăng giá điện lên 20% và trả lại 13 dự án điện cũng đã nhận nhiều lời chỉ trích của dư luận.

10. Thiên tai gây hại nặng nề đến kinh tế

Tổng thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, rét mướt mà các vùng miền trên cả nước phải chịu trong năm 2008 lên tới hơn 13,3 nghìn tỷ đồng, hàng trăm người thiệt mạng. Tính riêng đợt mưa lũ lịch sử kỷ lục kéo dài từ 30/10 - 7/11 tại các tỉnh phía Bắc, thiên tai đã gây thiệt hại hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó Hà Nội chiếm tới 3.000 tỷ đồng.

Cũng trong đợt mưa lũ lịch sử, Hà Nội bị cô lập giữa mênh mông biển nước, lần đầu tiên các doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả khoản tiền bảo hiểm cho xe ô tô ngập nước lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề từ thiên tai, kết thúc năm 2008, tổng sản lượng lương thực của cả nước vẫn tăng 2,7 triệu tấn, đạt 38,6 triệu tấn; xuất khẩu hơn 4,6 triệu tấn gạo.

Báo điện tử Dân trí