1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

10 sự kiện khoa học đời sống nổi bật năm 2007

(Dân trí) - Đứng đầu 10 sự kiện khoa học nổi bật năm 2007 là luật hiến ghép mô tạng đã có hiệu lực. Sự cố sập cầu Cần Thơ đứng thứ 5 trong danh sách; ngay sau đó là sự bùng nổ của blog Việt và những hệ lụy.

10 sự kiện khoa học năm 2007 do 23 phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí bỏ phiếu bình chọn, dưới sự tổ chức của Báo Khoa học & Đời sống.

Dưới đây là 10 sự kiện khoa học nổi bật năm 2007, được xếp thứ tự từ cao xuống thấp:

1. Luật Hiến ghép mô tạng có hiệu lực

Ngày 1/7/2007 là ngày Luật Hiến ghép mô tạng có hiệu lực. Theo đó, người đủ 18 tuổi trở lên có quyền hiến bộ phận cơ thể của mình khi còn sống. Luật chỉ cho phép lấy mô, bộ phận cơ thể người sống đã đăng ký hiến. Do chưa thống nhất thuật ngữ “chết não” nên trong khi chờ các văn bản dưới luật được hoàn thiện thì chưa áp dụng việc ghép tạng không tái sinh.

Cụ thể là chưa thể ghép tim mà chỉ có thể ghép gan, thận… từ người sống cho người sống. Tuy vậy, Luật ra đời đã tạo hành lang pháp lý, mở ra hướng điều trị và kéo dài thêm cơ hội sống cho các bệnh nhân.

2. Phát hiện thực phẩm, mỹ phẩm chứa sudan

Phát hiện chất sudan gây ung thư trong các thực phẩm (trứng, tương ớt), mỹ phẩm (son môi, son gió).

3. Dự án Thành phố sông Hồng được công bố rộng rãi

Siêu dự án 7 tỷ đôla về thành phố sông Hồng là dự án lớn nhất của thủ đô Hà Nội và cả nước, sẽ tạo ra 97.000 chỗ ở cho các hộ dân. 

4. Triển khai nghiên cứu tế bào gốc tại Việt Nam

Ngày 17/9 qua, thầy và trò Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học phân tử, trường ĐH KHTN, ĐHQG HCM đã kết hợp với Bệnh viện Mắt TPHCM thực hiện thành công ca ghép đầu tiên nhằm tái tạo giác mạc cho bệnh nhân khiếm thị. Đây là kết quả thành công từ việc phân tích và nuôi cấy tế bào giác mạc để chọn lọc các tế bào gốc.

Nghiên cứu tế bào gốc da cũng được dùng để ghép và tái tạo mô da cho bệnh nhân bị bỏng. Phòng thí nghiệm này hiện đã thu nhận và biệt hóa được tế bào gốc từ tủy xương và từ máu cuống rốn thành tế bào có khả năng tiết insulin. Bước kế tiếp là nghiên cứu đưa các tế bào này vào cơ thể bệnh nhân bị tiểu đường để trị bệnh tiểu đường.

5. Sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ

Sáng ngày 26/9, giàn giáo của nhịp cầu số 14, 15 phía bờ Vĩnh Long của cầu Cần Thơ đã bất ngờ sập xuống trong lúc 250 công nhân làm việc, kết quả 51 người đã chết cùng nhiều người bị thương. Thủ tướng ra chỉ thị phải đưa ra câu trả lời trong vòng 1 tháng nhưng cho đến nay, nguyên nhân sập cầu Cần Thơ vẫn chưa được đưa ra. Các nhà khoa học cần phải vào cuộc để tìm ra nguyên nhân vụ sập cầu.

6. Hệ quả của sự bùng nổ blog Việt

Tháng 10, một đoạn phim phòng the rất nóng của nữ diễn viên trẻ Hoàng Thuỳ Linh được tung lên mạng đã làm xôn xao cư dân mạng và toàn xã hội. Sự việc đã đặt ra cho các nhà quản lý và các chuyên gia về công nghệ bài toán quản lý blog Việt.

7. Khởi tố sai phạm trong đề án 112

Mục tiêu của đề án Tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 là xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, sau giai đoạn triển khai, đề án đã lộ rõ những sai phạm trong quá trình thực hiện. Ngày 13/9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng (Bộ Công an) đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt và khám xét đối với ông Vũ Đình Thuần - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Trưởng ban điều hành Đề án 112.

8. Khẳng định urê trong nước mắm không gây hại

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong những nước có sản lượng nước mắm vào loại cao trên thế giới với sản lượng trung bình 180 triệu lít/năm. Vì vậy, trước những thông tin trong nước mắm có chứa urê gây ung thư, người dân rất hoang mang. Sau đó, các nhà chuyên môn cho biết người tiêu dùng có thể yên tâm khi sử dụng nước mắm cũng như phải thay đổi quan niệm urê gây hại cho sức khỏe.

9. Bộ Khoa học - Công nghệ trả lại tiền nghiên cứu khoa học

Một thực tế là hàng năm Bộ Khoa học và Công nghệ trả lại Nhà nước hàng trăm tỉ đồng trong ngân sách dành cho khoa học. Thế nhưng, có một sự thực trái ngược khác là nhiều người làm khoa học thiếu phương tiện nghiên cứu tối thiểu, lương không đủ sống, buộc phải tự cứu bằng những công việc khác rồi dần dần bỏ bê khoa học hoặc tìm cách ra nước ngoài kiếm sống.

10. Hai nhà khoa học Việt Nam được xướng danh trong giải Nobel Hòa Bình

TS Nguyễn Hữu Ninh, 54 tuổi, là một trong 10 tác giả chính của chương châu Á trong công trình nghiên cứu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Tên ông được vinh dự xướng lên trong buổi phát giải Nobel Hòa Bình 2007 tại Oslo (Na Uy) tối 10/2.

Ngoài tiến sĩ Ninh, trong công trình bốn báo cáo đồ sộ của IPCC, vốn góp phần cho tổ chức này chia sẻ giải Nobel hòa bình cùng cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore, còn trích dẫn nghiên cứu khoa học của tiến sĩ Trần Việt Liễn, hiện làm việc tại Trung tâm Khoa học công nghệ khí tượng thủy văn và môi trường.

Đây được đánh giá là sự kiện khoa học có ý nghĩa trong năm, vì những đóng góp của hai nhà khoa học này vào lĩnh vực khoa học môi trường.

Lan Hương