Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh:

Việt Nam nhiều thứ “nhất thế giới”, du khách vẫn không mặn mà (!)

(Dân trí) - So với kết quả lạc quan của tình hình kinh tế đầu năm 2015, du lịch trở thành một “điểm đen” khiến nhiều ĐBQH sốt ruột. Bộ trưởng Văn hoá – Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng thở dài tự hỏi, Việt Nam nhiều thứ “nhất thế giới”, khách du lịch vẫn không mặn mà…

Phát biểu tại Quốc hội ngày 8/6, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) đặt câu hỏi, tại sao du khách quốc tế đến Việt Nam không bằng một số nước trong khu vực, thậm chí 6 tháng đầu năm 2015, lượng khách đã giảm 12,2% trong khi đất nước có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, ổn định về an ninh chính trị, trật tự xã hội tốt, người Việt Nam thân thiện hiếu khách. Nguyên nhân có phải do kinh doanh du lịch chụp giật, chặt chém gây nên hay không?

Ông Đương khuyến cáo, biện pháp lành mạnh hóa môi trường du lịch là cần thiết. Điều này trước hết thuộc trách nhiệm các cơ quan có thẩm quyền. Chính quyền địa phương phải thiết lập kỷ cương, chặn đứng hành vi ăn chặn, chụp giật du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để thu du khách. Theo đó, ông Đương bình luận, trong số các doanh nghiệp lâm vào khó khăn, phá sản thời gian qua, nếu nguyên nhân là do làm ăn giật dẫn đến phá sản thì cũng là một phép sàng lọc tốt, tích cực.
Việt Nam nhiều thứ “nhất thế giới”, du khách vẫn không mặn mà (!)
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chia sẻ bức xúc về tình trạng chặt chém, chộp giật trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Đại biểu Đinh Công Sỹ cũng nhìn nhận, thời điểm hiện tại là thời điểm khó khăn của ngành du lịch và dịch vụ gắn với du lịch. Thực tế là từ nửa cuối năm ngoái, lượng khách du lịch đến Việt Nam đã liên tục giảm. Những nguyên nhân khách quan như do tình hình căng thẳng trên Biển Đông khiến du khách e ngại, tỷ giá đồng tiền Việt với ngoại tệ bất lợi thì cân nhìn nhận nguyên nhân chủ quan khiến lượng khách sụt giảm có liên quan nhiều đến cách làm chưa chuyên nghiệp.

Những hiện tượng vống giá, chặt chém mùa lễ hội, du lịch, ông Sỹ tỏ ra bức xúc vì đã nói nhiều mà vẫn chưa khắc phục.

Ngoài ra, các điểm du lịch chương trình đều na ná như nhau, các lễ hội thì không thiếu các biểu có tính chất tiêu cực.

Vì vậy, không chỉ du khách nước ngoài lưu lại ít ngày, chi tiêu ít hơn và không có ý định quay trở lại Việt Nam mà chính người Việt cũng lựa chọn đi du lịch nước ngoài nhiều hơn so với ở lại trong nước cũng có phần từ lý do này.

“Tại sao một đất nước có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn, có rất nhiều tiềm năng du lịch, có đến 9000 lễ hội hàng năm nhưng vẫn chưa đủ sức để giữ chân du khách, để người ta phải bỏ tiền chi cho hoạt động này. Những kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp không khói, phi lợi nhuận này khó có thể đáp ứng được nếu người làm du lịch không tự nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kinh doanh để có thể hoạt động bền vững, lâu dài” – ông Sỹ nói.

Đáp lại câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã nhiều lần thảo luận bàn cách làm sao chặn đứng tình trạng sụt giảm của ngành du lịch. Từ tháng  12/2014 nay liên tiếp có các Nghị quyết tìm hướng tháo dỡ khó khăn cho ngành. Mới đây Nghị quyết 90 nêu ra 3 giải pháp cụ thể.

Trước hết, Chính phủ đã thống nhất mở rộng việc miễn thị thực (visa) đơn phương cho khách du lịch đến từ một số nước. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh so sánh, hiện tại, Thái Lan đã miễn thị thực cho 61 nước, trong đó 40 nước miễn đơn phương, Singapore miễn cho 180 nước, trong đó có 80 nước miễn đơn phương.

Người đứng đầu ngành du lịch cũng phân trần, các nước đầu tư cho xúc tiến quảng bá du lịch rất mạnh. Như Thái Lan chi 80 triệu USD/năm cho hoạt động này, Malaysia tới 100 triệu USD và Singapore năm nay tuyên bố chi 130 triệu USD để quảng bá du lịch.

Trong khi đó, Việt Nam dù cũng tập trung cho công tác quảng bá nhưng nguồn lực còn rất hạn chế (chỉ 3 triệu USD/năm), bên cạnh việc năng lực xúc tiến của Bộ Văn hoá – Thể thao & Du lịch cũng còn nhiều bất cập đáng bàn.  So với số tiền đầu tư của các nước, nguồn tiền này thực sự quá khiêm tốn. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị được ủng hộ chủ trương thành lập quỹ phát triển du lịch.

Ông Tuấn Anh cũng  xin Chính phủ tiếp tục miễn thị thực đơn phương cho một số nước nữa như các nước là thị trường trọng yếu, chiến lược, các nước đối tác toàn diện của Việt Nam.

Về môi trường du lịch, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thống nhất nhận định về việc làm sao chặn tình trạng ăn chặn, chộp giựt trong kinh doanh, yêu cầu cơ sở dịch vụ niêm yết công khai và bán đúng giá.

Bộ trưởng Văn hoá – Thể thao & Du lịch cho biết, thời gian qua, ngành đã cố gắng làm nghiêm để chấn chỉnh tình trạng này. Lào Cao đã phạt 8 khách sạn nâng khống giá (khách sạn 3 sao mà tính tiền phòng lên tới 4,6 triệu đồng/đêm). Tại Vũng Tàu, có nhà hàng mà khách phải trả 22 triệu đồng cho một bữa ăn, đã bị phạt, đưa vào danh sách đen, khuyến cáo du khách tẩy chay. Tại Quảng BÌnh cũng có khách sạn bị phạt vì nâng khống giá phòng. Sầm Sơn (Thanh Hoá) đã thực hiện niêm yết giá bán cụ thể từng cân tôm, cân mực.

“Việt Nam tự hào khi được các tạp chí hàng đầu trên thế giới ca ngợi về những điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu. Việt Nam đứng thứ 6 trong 20 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, có nhiều bãi biển thuộc hạng đẹp nhất thế giới. Sơn Đòng là 1 trong 12 hang động kỳ thú nhất thế giới. Vịnh Hạ Long là một trong những kỳ quan ấn tượng nhất thế giới…  Việt Nam cũng có những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp nhất thế giới… Vậy thì điều gì làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng khách du lịch?” – Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh buông lửng một câu hỏi.

P.Thảo