Đào tạo nhân lực ngành du lịch: Nặng về lý thuyết

(Dân trí) - Hiện nay, các chương tình đào tạo nghề nói chung và đào tạo nhân lực ngành du lịch nói riêng được đánh giá còn thiên về lý thuyết; do đó khuynh hướng đào tạo nghề có sự gắn kết giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp đem lại lợi ích cho cả 2 bên.

Đó là ý kiến đánh giá của lãnh đạo Sở VHTT-DL Quảng Nam tại buổi báo cáo tổng kết 2 năm thực hiện công tác liên kết giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp du lịch trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng được tổ chức ngày 28/5 tại Quảng Nam.

Theo ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Nam, quan hệ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng hệ thống giáo dục gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Ở Quảng Nam và Đà Nẵng, những quan sát ban đầu cho thấy việc hợp tác giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.

Đào tạo nhân lực ngành du lịch: Nặng về lý thuyết
Các đại biểu tổng kết 2 năm thực hiện công tác liên kết giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp du lịch trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng

Đại diện resort Phú Thịnh (Hội An) cho rằng, hiện nay với sự hợp tác của nhà trường và doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp đã tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên thực tập, có cơ hội cọ xát thực tế với nghề nhưng cũng có một nghịch lý, đó là về thời gian.

Theo đó, trong ngành du lịch khi nhu cầu công việc cao thì lại không dám nhận nhiều SV thực tập vì không có thời gian giám sát vì sẽ ảnh hưởng đến công việc, khi công việc thấp thì nhận nhiều, lúc đó cơ hội làm việc thực thụ với nghề của SV lại ít.

Ngoài ra, bên cạnh những em nhiệt tình, ham học hỏi vẫn có những em còn quá rụt rè, ngại khó, chưa hiểu hết tầm quan trọng của thời gian thực tập để tận dụng tốt nhất thời gian này; các doanh nghiệp vẫn chưa chỉ cho SV nhiệm vụ cụ thể, tiêu chí đánh giá cũng mang tính hình thức...

“Đa số các em ra trường, kỹ năng nghề và kiến thức chuyên môn chưa đạt yêu cầu công việc thực tế, còn mơ hồ về công việc, trong khi đó tình trạng khát nhân lực chất lượng cao vẫn khá phổ biến ở các doanh nghiệp”, đại diện resort Phú Thịnh trình bày.

Còn đại diện Khoa Văn hóa – du lịch (ĐH Quảng Nam) thì cho rằng, công tác hướng nghiệp của các trường THPT và nhận thức của xã hội về ngành du lịch còn hạn chế. Nhìn chung trên cả nước, chưa bao giờ ngành du lịch là ngành thu hút được các thí sinh có khả năng tư duy tốt, điểm số thuộc top cao. Một khi chất lượng tuyển sinh không cao thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quá trình đào tạo.

“SV còn thiếu kỹ năng, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động thực tập. Mặc dù trong công tác đào tạo, nhà trường chú trọng đẩy mạnh hoạt động thực hành và huấn luyện kỹ năng mềm nhưng vẫn có một khoảng cách nhất định giữa nội dung đào tạo trong trường với thực tế tại doanh nghiệp”, đại diện ĐH Quảng Nam phát biểu.

Đào tạo nhân lực ngành du lịch: Nặng về lý thuyết
Hiện nay việc giảng dạy lý thuyết và thực tế phục vụ tại doanh nghiệp du lịch còn hạn chế. Trong ảnh: Một chủ nhà nghỉ homestay ở Mỹ Sơn chuẩn bị đón khách chu đáo vì đã được huấn luyện kỹ năng mềm rất kỹ

Theo đại diện Hiệp hội du lịch Quảng Nam, thời gian qua, việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường có những thành quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế; nhà trường và doanh nghiệp còn quá thụ động trong hợp tác. Đối với doanh nghiệp, khi tuyển dụng chỉ tuyển trực tiếp tại đơn vị, các doanh nghiệp vẫn chưa tin vào chất lượng đào tạo cũng như mức độ hợp tác từ phía nhà trường. Về phía nhà trường còn thiếu thông tin về doanh nghiệp, mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp còn chưa có hệ thống, thiếu đầu mối liên lạc...

Hiện nay trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng có 21 cơ sở đào tạo nghề du lịch, trong đó có 5 trường đào tạo cấp ĐH, 16 trường CĐ, TC và sơ cấp du lịch. Tuy nhiên nội dung chương trình đào tạo và số lượng học viên của các đơn vị đào tạo này luôn có sự biến động trong những năm qua.

Ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Nam – cho rằng, đối với đơn vị đào tạo, việc tham gia hợp tác là đóng góp một phần trong việc hoàn thiện các kỹ năng thực hành cho SV và mang lại lợi ích xã hội nhiều hơn. Rào cản lớn nhất của hợp tác giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp VN hiện nay là sự thiếu hụt thông tin từ cả hai phía, thiếu đầu mối liên lạc trong việc hợp tác.

Bên cạnh đó, phần lớn các hoạt động hợp tác đều xuất phát từ các mối quan hệ cá nhân giữa cán bộ, giảng viên tại các cơ sở đào tạo với đại diện doanh nghiệp. Điều này làm giảm tính bền vững và chuyên nghiệp trong quản lý, tổ chức các hoạt động.

“Lãnh đạo Sở luôn ủng hộ sự hợp tác liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong đó vai trò của Hiệp hội du lịch là rất quan trọng trong việc kết nối giữa các bên. Hy vọng trong thời gian tới, các bên có sự kết nối chặt chẽ để SV ngành du lịch ra trường không khỏi bỡ ngỡ với công việc”, ông Hồ Tấn Cường cho biết.

Công Bính