Đại biểu quốc hội tiếc vì ủng hộ nhận BHXH một lần theo luật cũ

(Dân trí) - “Trong cuộc đời làm đại biểu Quốc hội, điều sai lầm lớn nhất của tôi là ủng hộ việc ra Nghị quyết tạm dừng thực hiện Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về BHXH một lần” - ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết.

Đai biểu quốc hội lấy làm tiếc vì lùi Điều 60 Luật BHXH năm 2014. (Nguồn: chinhphu.vn)

Tham gia tại chương trình giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH do Cổng thông tin Chính phủ thực hiện hôm 3/8 tại Hà Nội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, bày tỏ sự tiếc nuối vì đã ủng hộ việc tạm lùi thực hiện Điều 60 của Luật BHXH năm 2014.

Theo đó, từ ngày 1/1/2016, thay vì áp dụng các điều kiện khắt khe hơn để nhận BHXH một lần theo quy định của Điều 60 trong Luật BHXH năm 2014, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết (năm 2015) đồng ý việc tiếp tục việc thực hiện Điều 55 Luật BHXH năm 2006 về nhận BHXH một lần cho tới năm 2020, sau đó mới có thể áp dụng Điều 60 của Luật BHXH năm 2014.

Thẳng thắn chỉ ra những bất cập, ông Bùi Sỹ Lợi nêu vấn đề: “Một chính sách BHXH tốt như vậy nhưng phải tạm dừng, dù chỉ bởi sự phản ứng có tính chất tức thời ở một doanh nghiệp. Trong khi đó, cả nước hiện có gần một triệu người tham gia BHXH mỗi năm và hơn 660 ngàn người đi ra khỏi hệ thống BHXH. Với tỉ lệ “ra - vào” như vậy, đến bao giờ chúng bao giờ chúng ta mới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân”.

Phân tích về ý nghĩa nhân văn của Điều 60 Luật BHXH năm 2014, vị Phó chủ nhiệm các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Một số người lao động không hiểu nên rút BHXH một lần để tiêu dùng. Nhưng khi về già, họ sẽ sống bằng cách nào khi không có lương hưu?. Trong khi đó, nếu duy trì khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội chính là “của để dành” khi tuổi già và luôn được Nhà nước bảo hộ”.

Ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ: “Rất nhiều người đã điện thoại hỏi tôi về việc có nên lĩnh BHXH một lần. Tôi đã khuyên ngăn và phân tích. Sau đó, họ đều không rút BHXH một lần nữa. Như vậy, chúng ta cần phải tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu rõ hơn”.

Nguyên nhân chưa hiểu rõ chính sách khiến người lao động đăng ký nhận BHXH một lần và chịu thiệt thòi.

Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích: “Quy định của Luật BHXH nêu rõ, người lao động đóng 22% mức lương trong, tương ứng với khoảng 2,64 tháng lương. Nhưng khi nghỉ hưu, chính sách chỉ chi trả 2 tháng lương/năm cho người lĩnh. Như vậy Nhà nước không thiệt mà người lao động thiệt. Nhưng họ không biết và vẫn đăng ký nhận BHXH một lần”.

Bóc tách khoảng 22 % kể trên, người lao động chỉ phải góp vào 8 % mức lương của vào quỹ hưu trí và tử tuất, phần 14 % còn lại là sự đóng góp của doanh nghiệp.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, mức 14% trên của doanh nghiệp đã được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh và đã được trừ trong thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động.

“Do đó, nếu người lao động muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần. Chúng ta nên nghiên cứu chính sách quy định người lao động chỉ được lấy 8% đã đóng chứ không thể lấy cả 14% nêu trên của doanh nghiệp. Đây cũng là biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế số người nhận BHXH một lần ồ ạt” - ông Bùi Sỹ Lợi phân tích.

Bổ sung thêm thông tin, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, nhiều người mới nhận chế độ BHXH một lần đã viết thư hỏi xin phép được nộp lại số tiền để được nhận lương hưu theo Luật BHXH năm 2014. Dẫu vậy, quy định pháp luật không cho phép hồi tố trong trường hợp này.

Tuy nhiên, vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng lưu ý: Việc đề xuất nộp lại tiền là thực tế đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét việc có cho phép họ được đóng tiếp hay không?.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền chính sách BHXH

Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BXHH VN - cho rằng, người lao động có 2 cách để thực hiện quyền lợi BHXH bản thân: Một cách là thực hiện theo quy trình đóng BHXH đủ năm và đủ tuổi để nhận lương hưu. Cách thứ 2 là nhận BHXH một lần.

“Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, việc lạm dụng cách thứ 2 dù có thể lợi ích ngay trước mắt nhưng về lâu dài sẽ bị thiệt thòi rất” - bà Nguyễn Thị Minh lo ngại.

Theo đại diện BHXH VN, nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, công tác tuyên truyền cần được tăng cường hơn nữa để người lao động hiểu được chính sách.

Bà Nguyễn Thị Minh cũng thừa nhận, để xảy ra thực tế trên một phần do lỗi của các cơ quan xây dựng chính sách. Do đó sự việc tình thế buộc các cơ quan chức năng phải giải tạm dừng thực hiện Điều 60 của Luật BHXH năm 2014. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Minh cho rằng việc đòi hỏi nhận bảo hiểm xã hội lần không phải là của tất cả những người lao động mà chỉ là một nhóm rất nhỏ người lao động.

Hoàng Mạnh