Thiết bị giám sát hành trình: Đi tìm giải pháp tối ưu

Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) đã được nhiều nước áp dụng để giám sát hành trình của xe ô tô. Tại Việt Nam, quy định lắp đặt GPS cho xe ô tô chở khách sẽ được áp dụng từ ngày 1/7 tới nhưng giải pháp nào tối ưu nhất cho các DN vẫn chưa “ngã ngũ”.

Thiết bị giám sát hành trình: Đi tìm giải pháp tối ưu - 1


Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính Phủ, từ ngày 1/7/2011, xe ô tô chở khách chạy với cự ly từ 500 km trở lên và xe kéo container cũng bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình - GPS, còn gọi là “hộp đen”. Ước tính sẽ có khoảng 150 nghìn xe kinh doanh vận tải đường dài buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định mới.

 

Qua tìm hiểu của PV, hầu hết các công ty GPS lẫn các nhà xe đều thừa nhận khó có thể trở tay để thực hiện theo Nghị định 91 và mong muốn có một lộ trình cụ thể. Vấn đề cốt lõi mà các doanh nghiệp lo ngại là về chi phí lắp đặt, hạ tầng cơ sở và sự liên kết giữa các doanh nghiệp và nhà nước. Việc lắp đặt từ hàng chục, thậm chí hàng trăm đầu xe, với kinh phí gần 10 triệu đồng/xe cũng ngốn thêm khoản đầu tư không nhỏ.

 

Tham vọng về  “bếp chung” cho GPS

 

Hiện tại, thị trường GPS ở Việt Nam đang thiếu sự kết nối, các công ty đang áp dụng mô hình đầu tư dàn trải từ A-Z với chi phí đầu tư cao; còn thiếu giải pháp đáp ứng thực chất nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp vận tải trong nước.

 

ThS. Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc công ty Định Vị Tiên Phong (ITD Location), người khởi xướng mô hình Trung chuyển dữ liệu LMS cho thị trường GPS trong nước, nhận định: trong xu hướng phát triển mới, công ty nào mạnh về phần thiết kế và sản xuất thiết bị GPS thì tập trung theo hướng thiết bị, có thế mạnh về phần bản đồ số thì nên phát triển chuyên tâm theo hướng bản đồ hoặc mạnh làm phần mềm thì phát triển về phần mềm... Như vậy, mỗi công ty mới có đủ nguồn lực để phát triển chuyên sâu trong thế mạnh của mình.

 

ITD Location kỳ vọng mô hình Trung chuyển dữ liệu LMS sẽ đóng vai trò “bếp chung” khổng lồ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp GPS giảm thiểu gánh nặng công việc. Các công ty vận tải sẽ không phải đầu tư chi phí vào máy chủ mà “góp chung vốn” với các doanh  nghiệp khác để đặt cùng một máy chủ.

 

Như vậy, doanh nghiệp dùng bao nhiêu sẽ trả tiền bấy nhiêu. Qua tiến hành thử nghiệm thì các công ty vận tải lẫn các doanh nghiệp GPS giảm được từ 20% đến 50% so với chí phí sử dụng một máy chủ riêng ban đầu. Và quan trọng nhất, là LMS linh hoạt với lộ trình lắp đặt, yêu cầu thay đổi tính năng của doanh nghiệp.

 

An tâm về bảo mật?

 

Theo TS. Khuất Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế trường Đại học Giao thông Vận tải HN, vấn đề về bảo mật trong dữ liệu GPS cũng rất đáng quan tâm. Vì thế cần phải đưa ra một giải pháp chung để vừa bảo mật dữ liệu GPS vừa quản lý con người và tài sản.

 

Về những lo ngại về bảo mật, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, trong hệ thống phần mềm GPS, khi thông tin di chuyển và truyền từ nhà cung cấp dịch vụ đến khách hàng, điều đáng lo ngại nhất là khi qua môi trường công cộng, đặc biệt là hệ thống internet. Tuy nhiên, thông tin khi đã về đến server (máy chủ) của nhà cung cấp thì các DN GPS sẽ quản lý được một cách tuyệt đối.

 

Ngoài ra, khi hệ thống internet ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, để đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu thông tin trên, luôn có những thuật toán hiện đại nhất để giảm thiểu tối đa sự xâm nhập không đáng có từ các hệ thống phần mềm bên ngoài.

 

Như một luật chơi khắt khe của thị trường, nhà cung cấp GPS không bảo mật được dữ liệu sẽ bị đào thải.

 

Lan Hương