PRIMEQUEST 3800E, "Nhân tố bí ẩn" trên thị trường Mainframe
Từ trước đến nay, Mainframe vốn là cuộc chơi không dành cho số đông. Về cơ bản chỉ còn ông lớn IBM thống trị trong mảng kinh doanh hết sức đặc thù này. HPE đang phải suy tính về tương lai của các máy chủ Superdome khi Intel gần như không còn ý định phát triển các bộ vi xử lý Itanium (các chuyên gia dự đoán Kittson sẽ là đời chip cuối cùng của dòng sản phẩm này).
Nhưng có một đối thủ thầm lặng đến từ Nhật Bản vẫn kiên trì theo đuổi triết lý áp dụng kiến trúc Mainframe để xây dựng các máy chủ phục vụ cho CSDL và ứng dụng trọng yếu. Ít người để ý rằng Fujitsu cũng là có lịch sử hết sức lâu đời trong lĩnh vực Mainframe. Mới đây, Fujitsu đã cho ra mắt đời mới nhất của dòng máy chủ “siêu ứng dụng” của hãng trên nền tảng x86 là PRIMEQUEST 3800E với hiệu năng vượt trội không kém gì các máy chủ UNIX.
Vào thủa sơ khai, máy tính bao gồm vô số những linh kiện lớn, cần những khu vực rộng như một tòa nhà chỉ để lắp đặt một bộ máy tính. Đến khi công nghệ điện tử và vi mạch phát triển hơn, kích thước của các cỗ máy vi tính đã được thu gọn đáng kể. Nhưng nhắc đến Mainframe, người ta vẫn nghĩ ngay đến sự cồng kềnh, mỗi máy chủ Mainframe có kích thước như một chiếc tủ Rack (chiều cao 42U, tức là trên 2m) và cần hệ thống cấp nguồn công suất lớn. Các thế hệ tiền thân của dòng PRIMEQUEST cũng có kích thước khá lớn. Nhưng đến dòng PRIMEQUEST 3800E, kích thước đã được thu gọn lại ở mức chỉ còn 7U (như vậy ta có thể xếp sáu máy chủ chồng lên nhau thì mới chỉ cao bằng một tủ Mainframe!).
Với thiết kế tỉ mỉ và tối ưu hóa, chỉ trong kích thước 7U, PRIMEQUEST 3800E vẫn có thể chứa đựng đầy đủ tất cả các đặc tính của những “bậc tiền bối” bao gồm: thân máy là một khung chính, trên đó có thể cắm tới bốn bảng mạch hệ thống với các thành phần từng cặp dự phòng lẫn nhau (CPU, RAM, …); bốn bảng mạch này có thể được điều khiển đế ghép lại thành một hay một vài phân vùng vật lý, tức là một máy chủ PRIMEQUEST tương đương với tối đa bốn máy chủ vật lý độc lập; đặc biệt là máy hỗ trợ chế độ cấu hình động độc đáo, cho phép thay đổi số lượng tài nguyên trong một phân vùng vật lý, tùy theo khối lượng công việc cần xử lý mà mỗi phân vùng sẽ được cấp phát tăng thêm hay giảm đi các bảng mạch hệ thống (số lượng CPU và RAM sẽ tăng giảm tương ứng), bảo đảm không bị thiếu hụt hay lãng phí sức mạnh xử lý của toàn hệ thống. Tổng cộng, dòng máy chủ này được trang bị tám bộ vi xử lí Intel® Xeon® Platinum mới nhất với tối đa 224 cores và bộ nhớ DDR4 nhanh nhất hiện tại cùng dung lượng bộ nhớ lên tới 12TB. Điều này giúp tối đa hóa hiệu năng hoạt động đối với các hệ thống cơ sở dữ liệu. Thậm chí ta có thể chạy toàn bộ CSDL trong bộ nhớ (Database in memory), đẩy nhanh tốc độ phân tích dữ liệu, và thực hiện tức thời các ứng dụng quan trọng khác. Đồng thời, PRIMEQUEST 3800E cũng đã cải tiến các tính năng RAS dành cho các ứng dụng, bao gồm các tính năng RAS nâng cao trong CPU và các bộ nhớ trong, cho phép phản ứng kịp thời trong trường hợp sự cố.
Khi thử nghiệm chạy các CSDL phổ biến như ORACLE, SAP HANA® trên máy chủ PRIMEQUEST, kết quả luôn rất hứa hẹn. Sức mạnh của PRIMEQUEST 3800E đã được chứng minh bằng việc đạt kỉ lục chạy hệ thống SAP S-D trên môi trường Microsoft Windows. Kỉ lục này đã đưa siêu máy chủ PRIMEQUEST 3800E trở thành nền tảng cho các hệ thống triển khai SAP HANA®, cũng như các hệ thống cơ sở dữ liệu khác. Trong chủ trương của Fujitsu, hãng sẽ đưa các máy chủ PRIMEQUEST thế hệ mới trở thành nhân tố cốt lõi của hệ thống giải pháp siêu hội tụ PRIMEFLEX, chuyên chạy dữ liệu lớn, CSDL SAP HANA®, và các ứng dụng trọng yếu (mission-critical). Như vậy phạm vi ứng dụng của PRIMEQUEST 3800E rất phong phú đa dạng, từ chạy CSDL, cài đặt ứng dụng ERP như SAP, cho đến xây dựng nền tảng để chuyển đổi hạ tầng như chuyển đổi từ UNIX sang Linux.
Trong thời đại số hóa, làn sóng IoT và Industry 4.0, rất nhiều lĩnh vực đang ứng dụng CNTT để tận dụng sức mạnh của các máy chủ, thiết bị lưu trữ cho công việc. Bên cạnh lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông là những ngành đã áp dụng CNTT ngay từ đầu, nhiều ngành khác như giao thông vận tải, năng lượng, giáo dục, y tế, … cũng tất yếu sẽ phát triển các ứng dụng của riêng mình. Các quy trình nghiệp vụ và dịch vụ dần dần sẽ được triển khai bằng phần mềm. Thách thức đặt ra là khi các dịch vụ ngày càng phát triển, mức sống cao và số lượng người dùng ngày càng nhiều, đòi hỏi hệ thống CNTT phải chú trọng khả năng xử lý đa nhiệm và đáp ứng tốc độ truy cập tức thời vào CSDL, đồng thời hệ thống phải có tính sẵn sàng cao. Tất nhiên, về mặt kỹ thuật, giải pháp yêu thích là dùng thật nhiều cặp máy chủ Mainframe, nhưng cách làm này đôi khi lại không khả thi về mặt tài chính. Các máy chủ x86 đang cạnh tranh khốc liệt với những hệ thống Mainframe chạy UNIX với lợi thế về tính linh hoạt, dễ dùng, và chi phí hợp lý.
Ở Nhật Bản, máy chủ PRIMEQUEST đã được sử dụng nhiều năm tại thị trường chứng khoán. Đặc biệt, sở giao dịch chứng khoán Tokyo ghi nhận một kết quả đáng ngạc nhiên: qua suốt nhiều năm trời hoạt động liên tục 24/7, xử lý khối lượng giao dịch khổng lồ (thị trường chứng khoán Tokyo là một trong những giao lộ tài chính sôi động nhất trên thế giới) nhưng các kỹ thuật viên không phải xử lý bất kỳ tình huống nào liên quan đến lỗi thiết bị, hệ thống không hề phải dừng lại. Đây là một ví dụ cụ thể minh họa cho độ bền bỉ và sức mạnh xử lý của dòng máy chủ này. Có thể nói Fujitsu đã áp dụng thành công và cụ thể hóa được khái niệm Mainframe trên máy chủ x86. Với một kiến trúc mới, thông số kỹ thuật mới, PRIMEQUEST 3800E được kỳ vọng sẽ là một “nhân tố bí ẩn” giúp khuấy động thị trường máy chủ nói chung và Mainframe nói riêng trong thời gian tới.