“Offline” – thú vui không thể thiếu của game thủ

Quen biết trong thế giới ảo, thường xuyên gặp gỡ, cùng làm nhiệm vụ hay “du sơn ngoạn thủy”, “tán” những câu chuyện phím cho vui… là những hoạt động quen thuộc của những người hay chơi game online như món giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng.

Khởi điểm từ những tình cảm đó, họ đã hình thành nên thói quen, nhu cầu đi offline để gặp gỡ, giao lưu cùng nhau.

Chân dung một buổi offline

Không tính đến những chương trình hội nghị khách hàng hay sự kiện ngoài game do nhà phát hành tổ chức, những buổi offline tự phát của game thủ thường dành cho các thành viên trong cùng bang hội hoặc server. Tùy vào số lượng người đăng ký tham dự mà một buổi offline có thể từ vài chục người đến vài trăm người. “Chủ xị” của hoạt động sẽ “đánh tiếng” mời tham dự bằng cách thông báo trên các kênh giao tiếp trong game hoặc tạo chủ đề thông báo trong diễn đàn của trò chơi mình yêu thích.

“Offline” – thú vui không thể thiếu của game thủ - 1
Một buổi offline của game thủ
 
Có khi “chủ xị” thiết kế một buổi offline dựa trên số lượng người đăng ký tham dự hoặc chỉ thông báo và sau đó “ban tổ chức” đến điểm hẹn rồi “nín thở” hồi hộp chờ “điểm mặt” các thành viên lần lượt xuất hiện. Sau đó, “ăn gì”, “chơi gì” là tùy thuộc vào nhu cầu của số đông nhưng tiêu chí “thân thiện, vui vẻ” luôn được đặt lên hàng đầu. Đa phần, chủ đề của những câu chuyện sẽ từ những mẹo, bí kíp chơi game hay, những hoạt động sắp tới của bang hội, server rồi tiến đến chuyện gia đình, công việc, học hành và thậm chí là thời sự, tin tức xã hội và cả… lĩnh vực tình yêu . Những buổi offline là chất keo để gắn kết tình cảm giữa những người xa lạ có cùng chung sở thích giải trí bằng game online.

Game nào cũng offline

“Offline” – thú vui không thể thiếu của game thủ - 2
Offline bang Hoàng Gia - Kiếm Thế
 
Hiện nay, chưa có số liệu cụ thể nào thống kê được những buổi offline của game thủ. Nhưng hoạt động này đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống” game thủ. Đơn cử như game Võ Lâm Truyền Kỳ - trò chơi võ hiệp đầu tiên trong làng game Việt thì có thể nói không ngoa rằng … “người người offline, nhà nhà offline” vào mỗi cuối tuần. Phần đông đối tượng game thủ của trò chơi này đều là những người đã trưởng thành, có công việc và thu nhập ổn định. Việc gặp gỡ nhau cuối tuần trở thành một hình thức để gắn kết bạn bè, “xả stress” trong công việc hay cùng chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống. Anh Đỗ Phương, một game thủ VLTK ở server Lư Sơn ngụ tại Q.5, TP.HCM cho biết: “Đi offline cũng là cái thú riêng hàng tuần của mình. Ở đó mình được chia sẻ nhiều điều về cuộc sống, bạn bè gặp gỡ hỏi thăm nhau chuyện gia đình, xã hội. Sau buổi offline mình cảm thấy thoải mái vì bạn bè thân thiết với nhau hơn”.
“Offline” – thú vui không thể thiếu của game thủ - 3
Offline, thi đấu giao hữu
 
Không chỉ có “game già” hiện nay như Võ Lâm Truyền Kỳ, Thiên Long Bát Bộ, Phong Thần,… mới có lượng game thủ ổn định và hay tổ chức offline. Các “game nhí” như Boom, Gunny… cũng không thiếu các buổi gặp gỡ, giao lưu cho đối tượng người chơi riêng của mình. Vì vậy, hiện tượng ba mẹ dắt con đi… offline đã không còn xa lạ nữa. “Ban tổ chức” thường là học sinh, sinh viên nên những buổi offline của “game nhí” bỗng trở thành dịp sinh hoạt ngoại khóa với các trò chơi hội trại vui nhộn. Anh Thanh – một phụ huynh có con chơi game Gunny cũng tại TP.HCM chia sẻ: “Thỉnh thoảng, tôi có dẫn cô con gái 11 tuổi của mình “đi off”. Địa điểm thường là… công viên hoặc sang hơn là… quán trà sữa. Cá nhân tôi thì thấy hoạt động này cũng bổ ích cho cháu, giúp cháu có thêm bạn bè và mạnh dạn hơn trong các hoạt động”.

Bi-hài chuyện offline

Không ít những chuyện… bi hài xảy ra trong các buổi offline của game thủ. Nhiều tình huống đã trở thành những kỷ niệm… “nhớ đời” cho một ai đó. Chân dung thật đằng sau các nhân vật ảo đã từ từ lộ diện và mang sự thú vị cho các buổi offline bằng những câu chuyện của mình.

Tại một buổi offline, anh Quang - nhân viên trong công ty thuộc lĩnh vực tìm kiếm nhân sự bỗng bắt gặp ông “sếp” nghiêm khắc, đạo mạo trong công ty của mình đang “tán chuyện tếu”. Gặp nhau, cả hai đều ngạc nhiên và cười xòa. Vị sếp còn… “suỵt” một tiếng: “Cậu đừng nói ai là tôi chơi game này nhé! Tôi không muốn nhân viên của mình… chơi game trong giờ làm việc đâu. Mà cậu cũng khá đấy, làm việc và chơi game đều giỏi”.

Hay như trường hợp quen nhau trong game, đi offline rồi “bén duyên” giữa của anh công nhân xây dựng tên Minh và chị Ngân - một tiểu thương chợ Bà Chiểu. Đám cưới nhỏ, đầm ấm của hai người cũng chẳng khác gì một buổi offline khi quá nửa số khách mời là… bạn bè game thủ. Đến bây giờ, mỗi khi đi off cùng bang Minh Giáo, anh Minh vẫn đùa với bạn bè: “Cô Đường Môn ấy đặt bẫy, làm sao mà tôi thoát được”.

Còn nhiều điều bi hài diễn ra trong những buổi offline sôi động. Có khi hai “hảo hữu” trong game gặp nhau ngoài đời mới “mắt chữ O”, “miệng chữ A” nhận ra đây là người quen, bạn cũ. Tạm gác sang một bên những khoảng cách về tuổi tác, địa vị xã hội, dường như game thủ tìm đến những buổi offline với một nhu cầu mong muốn mang về niềm vui, sự sẻ chia và những tình cảm tự nhiên, chân thật.

Thanh Đức