Ký kết hợp tác về nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng công nghệ mới

(Dân trí) - Hôm nay, 20/7, Viện Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom đã chính thức ký kết “Biên bản ghi nhớ về Quan hệ đối tác trong lĩnh vực Nghiên cứu, Giảng dạy và Ứng dụng công nghệ mới”.

Tới tham dự lễ ký có ông Thái Quang Vinh - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam); ông Pierre Sebban - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công Nghệ Hà Nội; ông Lê Quang Hòa - Tổng giám đốc công ty Viễn thông Đông Dương Telecom; cùng các đại diện cho lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền Thông; Bộ khoa học và công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại diện của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Biên bản ghi nhớ này được 3 bên cùng ký kết với mục đích tạo quan hệ đối tác giữa Trường Đại học - Viện Nghiên cứu - Doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho các bên tham gia. 

Ký kết hợp tác về nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng công nghệ mới  - 1
Đại diện 3 bên ký kết biên bản ghi nhớ dưới sự chứng kiến của các đại biểu

Cụ thể, các bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực như nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng các kết quả nghiên cứu công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; cùng hợp tác tham gia các đề tài dự án nghiên cứu về lĩnh vực Viễn thông và Công nghệ thông tin để ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam và đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác này, các bên cùng đóng góp và huy động các nguồn lực để xây dựng một Phòng thí nghiệm hỗn hợp công nghệ mới, tập trung nghiên cứu các công nghệ tiên tiến có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Viễn thông.

Theo đó, Công ty Đông Dương Telecom và Viện Công nghệ thông tin sẵn sàng tạo điều kiện cho các sinh viên ra trường đến công tác làm việc tại đơn vị mình cũng như sẽ cử cán bộ tham gia học tập ở các trình độ Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ hà Nội. 

Mô hình hợp tác, liên kết giữa Trường Đại học - Viện nghiên cứu - Doanh nghiệp là một trong những mô hình phổ biến trên thế giới. Mô hình này sẽ giúp phát huy được tính chuyên môn hóa theo thế mạnh độc đáo của từng đơn vị và tạo điều kiện sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung; tích hợp được sự giao thoa trí tuệ giữa liên ngành, hướng tới sự phát triển của từng đối tác và cả sự phát triển chung của mỗi bên.

Phạm Thế Quang Huy