Chuyển đổi số với nền tảng công nghệ Google

(Dân trí) - Chuyển đổi số - “digital transformation” - không phải là một xu thế sớm nở tối tàn mà thực sự đã trở thành đường hướng phát triển của mỗi doanh nghiệp dù đang hoạt động trong lĩnh vực nào trong kỉ nguyên 4.0 hiện nay.

Một trong những mục tiêu hàng đầu của chuyển đổi số là áp dụng công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây nhằm mục đích xóa bỏ rào cản mà cơ sở vật chất truyền thống mang lại, cải thiện hiệu quả kinh doanh cũng như hưởng lợi từ những đổi mới không ngừng của các giải pháp công nghệ này.

Mặc dù đây đều là những mục tiêu mang tính chiến lược nhưng một số doanh nghiệp lại nghĩ rằng chuyển đổi số là một vấn đề gì đó quá to tát, thậm chí là chưa thấy liên quan đến mình. Một số khác lại gặp trở ngại khi không thể tìm ra một giải pháp vừa với ngân sách, đáp ứng được yêu cầu bảo mật nhưng vẫn đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển của các bên liên quan. Trong bối cảnh đó, Google đã nhanh chóng xây dựng và phát triển G Suite - bộ công cụ giúp hơn ba triệu doanh nghiệp bắt đầu hành trình chuyển đổi số của mình, bao gồm cả những tên tuổi lớn như hãng hàng không Airbus, PwC hay Colgate-Palmolive.

Chuyển đổi số với nền tảng công nghệ Google - 1

G Suite là một gói dịch vụ được Google xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây, tích hợp những ứng dụng cơ bản nhưng vô cùng thông minh có thể thay đổi hoàn toàn cách doanh nghiệp vận hành, bao gồm các công cụ để truyền tin ( email doanh nghiệp, video conference,...), lưu trữ (Drive, Cloud search), cộng tác (Docs, Sheets,...) và quản lý (admin, vault,...). Thoạt đầu sẽ thấy G Suite không có gì đặc biệt ngoài một hệ thống mail nhưng thực tế, bằng việc kết hợp machine learning (máy học) và AI (trí tuệ nhân tạo), G Suite mang đến ba yếu tố cực kì quan trọng mà chưa có giải pháp nào có thể làm tốt hơn:

Tính linh hoạt

Tính linh hoạt mà nền tảng công nghệ của Google mang đến cho doanh nghiệp được thể hiện theo hai khía cạnh. Nếu nhìn ở góc độ công nghệ và kĩ thuật, G Suite là một giải pháp điện toán đám mây theo mô hình phần mềm dịch vụ (SaaS), do đó bất kì doanh nghiệp nào cũng có thể nhanh chóng triển khai và dễ dàng đưa vào sử dụng theo quy mô lớn. Bên cạnh đó, tất cả các việc xây dựng, cải tiến và phát triển sản phẩm đã có đơn vị cung cấp chịu trách nhiệm, doanh nghiệp sẽ giảm được việc phụ thuộc vào các giải pháp IT phức tạp. Nhưng quan trọng hơn, nếu có thể khéo léo đưa các ứng dụng thông minh của Google vào thay đổi quy trình làm việc, G Suite sẽ giúp giải phóng nhân viên khỏi những công việc hành chính, quy trình phức tạp và dành nhiều thời gian hơn vào các công việc chuyên môn, các nhiệm vụ chiến lược. Ngoài ra, các giải pháp được tích hợp trong G Suite như Hangouts Meet, Hangouts Chat sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin bên trong và ngoài doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả làm việc với các công cụ cộng tác trong thời gian thực - “in real time”.

Độ bảo mật

Trong thời kì công nghệ như hiện nay, bất kì thay đổi nào trong hạ tầng của doanh nghiệp đều phải vượt qua bài toán về an ninh, bảo mật. Với G Suite của Google, mọi vấn đề liên quan đến bảo mật đều được đặt lên hàng đầu. Và vì người dùng đang sử dụng chung một cơ sở hạ tầng mà Google sử dụng cho các ứng dụng như Gmail, Youtube, Drive,... họ có thể trực tiếp hưởng lợi từ các hoạt động bảo mật này. Quan trọng hơn, G Suite mang đến công cụ để người đứng đầu doanh nghiệp có thể tự xây dựng các chính sách bảo mật phù hợp với đặc điểm kinh doanh của mình, đảm bảo những thông tin, dữ liệu nhạy cảm luôn nằm trong sự kiểm soát của doanh nghiệp.

Thiết kế trải nghiệm số

Tiềm năng của các giải pháp điện toán đám mây không chỉ nằm ở tốc độ mà còn mang đến những ứng dụng, giao diện, trải nghiệm độc nhất. Không ngoại lệ, nền tảng G Suite không chỉ mang tính linh hoạt cao mà còn có thể kết nối, tích hợp với các ứng dụng khác. Doanh nghiệp có thể tích hợp giữa các ứng dụng của Google với nhau và tích hợp với các bên thứ ba thông qua API.

Ví dụ, G Suite có thể được thiết kế với trải nghiệm xác thực một lần (single sign-on), thông qua kết nối với dịch vụ cung cấp nhận dạng cuả bên thứ ba (third-party identity provider). SSO là một cơ chế xác thực, yêu cầu nguời dùng chỉ cần dùng một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập một lần, nhưng có thể truy cập vào nhiều ứng dụng trong một phiên làm việc. Như vậy, thay vì phải dùng nhiều tài khoản để đăng nhập vào nhiều ứng dụng khác nhau, SSO giúp tiết kiệm thời gian và quan trọng hơn là loại bỏ những rủi ro vốn có trong việc nguời dùng luôn phải ghi nhớ nhiều user name và mật khẩu (ví dụ như việc nguời dùng sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản, tạo những mật khẩu đơn giản để dễ nhớ, ghi mật khẩu ra giấy, điện thoại,...).