"Các em sinh viên ngày nay còn giỏi và sáng tạo hơn so với nhiều kỹ sư bài bản"
(Dân trí) - Hội thảo Khoa học được trường Đại học Đông Đô tổ chức tại Hà Nội vào ngày 22/3 đã tạo điều kiện cho các em sinh viên được tiếp cận và làm quen với công nghệ trí tuệ nhân tạo và các hệ thống thông minh - vốn sẽ là tương lai của ngành Khoa học - Công nghệ trong vài năm tới.
AI (viết tắt của Artificial Intelligence) hay "trí tuệ nhân tạo" là thuật ngữ thường dùng để nói đến các máy tính có mục đích không nhất định và ngành khoa học nghiên cứu về các lý thuyết và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo.
Trong vài năm gần đây, trí tuệ nhân tạo đang được nhiều tên tuổi lớn trên thế giới đầu tư mạnh tay, như Google, Facebook, Amazon, IBM, Microsoft và nhiều số hãng khác. Những hãng này thậm chí đã lập ra một đối tác trí tuệ nhân tạo mới cùng trọng tâm nghiên cứu và định hình những hoạt động tốt nhất cho công nghệ AI.
Nắm bắt được xu thế này, nhiều trường Đại học, hay các tổ chức, ban ngành Công Nghệ Thông Tin tại Việt Nam cũng bắt đầu công tác nghiên cứu, đào tạo, hướng nghiệp cho lớp trẻ nhận biết được những ưu điểm vượt trội khi ứng dụng công nghệ AI vào đời sống.
Phát biểu tại Hội thảo Khoa học được trường Đại học Đông Đô tổ chức vào ngày 22/3 vừa qua, GS TSKH Nguyễn Xuân Huy cho biết: "Lớp trẻ ngày nay giỏi lắm. Các em sáng tạo và biết nhiều thứ mới lạ hơn so với cả những kỹ sư, giáo sư được đào tạo trường lớp bài bản."
"Như chính Mark Zuckerberg - người sáng lập ra Facebook cũng nghĩ ra ý tưởng mạng xã hội khi còn là một sinh viên. Và đã thành công như thế nào, chúng ta cũng đều biết", GS nói.
Do vậy, GS Nguyễn Xuân Huy nhận định rằng công tác hướng nghiệp, đào tạo các em sinh viên - những kỹ sư trẻ trong tương lai của đất nước, để các em biết được những khái niệm, tiếp cận với các công nghệ mới, để rồi đủ khả năng đóng góp cho ngành công nghiệp chung; là điều vô cùng quan trọng.
Tại buổi Hội thảo với sự tham gia của nhiều khách mời đáng chú ý khác, các em sinh viên trường Đông Đô đã được giới thiệu về khái niệm, ưu điểm vượt trội của Hệ thống thông minh như Ngôi nhà thông minh, robot; đồng thời cũng được cảnh báo về những điều khi lạm dụng, sử dụng sai các thiết bị thông minh này; cũng như trao đổi nhiều chủ đề hấp dẫn khác.
Trong đó, một chủ đề được GS Nguyễn Xuân Huy đưa ra được các em vô cùng quan tâm, đó là câu hỏi "liệu có nên để robot có đạo đức không, có tình cảm không?" - vốn cũng là nỗi băn khoăn của nhiều nhà khoa học, giáo sư trên thế giới.
Trong buổi gặp gỡ thú vị này, các em còn được theo dõi và sử dụng thử robot điều khiển bằng giọng nói độc đáo do nhóm sinh viên của trường chế tạo. Tuy robot này vẫn còn khá thô sơ và đôi khi thực hiện sai lệnh, nhưng buổi Hội thảo nhìn chung cho thấy sự tiến bộ trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và đón nhận công nghệ mới của các trường Đại học tại Việt Nam.
Nguyễn Nguyễn