Ra mắt hai cuốn sách cảm động về tình cha mẹ

(Dân trí) - Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, hai cuốn sách thấm đẫm tình cha mẹ đã ra mắt độc giả gồm: “Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên” và “Tôi bị bố bắt cóc”

Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên, cuốn sách viết về In Mo,  48 tuổi, đang khủng hoảng vì sự nghiệp lụn bại, vợ bỏ theo người khác, sống trong một căn hộ đổ nát và không thể trả tiền thuê nhà. Vào thời điểm tuyệt vọng nhất, anh nhận được cuộc điện thoại từ mẹ muốn gọi anh về nhà ăn cháo gà. In Mo về và quyết định ở lì tại đó.

Bìa cuốn Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên

Bìa cuốn "Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên"

Nhưng trong nhà còn có cả  người anh trai hơn 50 tuổi, đã vào tù ra khám nhiều lần, thất nghiệp và đã về nhà ăn bám mẹ mấy năm nay.

Hơn nữa cô em gái út cùng đứa con gái ngỗ nghịch của In Mo rất nhanh sau đó cũng trở về nhà sống sau ly hôn.

Không một lời ta than, bà mẹ ấy đã dang tay đón nhận tất cả sự trở về ấy. Và tình yêu của bà dành cho những đứa con khiến người đọc nhói tim bởi nó vô cùng bình dị mà mãnh liệt và đớn đau.

Nếu không có tình yêu và lòng bao dung vô bờ bến, bà mẹ ấy khó có thể xoa dịu những vết thương nhức nhối trong lòng những đứa con đã bị cuộc đời đóng dấu thất bại và quá khứ ngáng đường như vậy; chưa nói đến việc động viên chúng gắng gượng đứng dậy làm lại cuộc đời. Như nhiều bà mẹ khác, bà luôn nhìn thấy và biết cách khuấy lên đốm sáng trong tâm hồn và nhân cách của những đứa con mà người ngoài tưởng như “đồ bỏ đi” ấy.

Và bà mẹ ấy đã làm được điều kỳ diệu đó…     

Cũng không phải ngẫu nhiên Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên của tác giả Cheon Myeong Kwan đã được chuyển thể thành phim dưới tên gọi Boomerang Family (Mái ấm gia đình), dù kết cục của cuốn sách và bộ phim có ít nhiều khác biệt.

Cuốn tiểu thuyết Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên được xuất bản tại Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc.

Bìa cuốn Tôi bị bố bắt cóc

Bìa cuốn "Tôi bị bố bắt cóc"

Tôi bị bố bắt cóc, cuốn sách từng đạt giải Văn học Robo noishi năm 2000 ( cuốn sách Totto- chan: Cô bé bên cửa sổ cũng đạt giải thưởng này năm 1983). Đây là giải thưởng văn học được thiết lập bởi Tổ chức văn hóa Ishikawa Bunka.

Haru là một cô bé học lớp 5, sống riêng cùng với mẹ vì bố mẹ cô ly thân từ lâu. Haru sắp quên bố, vì bố con cô rất ít khi gặp nhau. Vào ngày nghỉ đầu tiên, Hảu bỗng lên cơn thèm kem, cô bé bèn đi ra chuỗi cửa hàng tiện lợi để mua, thì thình lình bắt gặp bố cô mời cô lên một chiếc xe hơi xa lạ. Haru lên xe và “vụ bắt cóc” bắt đầu tiến triển.

Chuyến đi của hai người – thủ phạm Takashi và nạn nhân Haru, hay chính xác là của người bố và người con, không hề mất đi tính gay cấn, hồi hộp của một chuyến “bắt cóc” và cũng không thiếu những thú vị, trong trẻo, yêu thương của một chuyến “du lịch gia đình”.

Bên cạnh đó là những trải nghiệm chưa từng có, và những bài học nhân sinh giản dị nhưng  sâu sắc mà lần đầu tiên một cô bé vốn quen sống với các tiện nghi trong một thành phố hiện đại được trải nghiệm.

Hơn tất cả, đây là "một chuyến đi sẽ nối liền trái tim đứa bé và cha mẹ vì lý do nào đó phải sống xa nhau".

Nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Shigematsu Kiyoshi nhận xét: “Tôi bị bố bắt cóc sẽ giúp các thiên thần đang tuổi lớn có được những trải nghiệm, suy nghĩ mới về cuộc sống, về tình thân gia đình sau khi đọc cuốn sách tuyệt vời này. Cuốn sách cũng cần thiết cho những người lớn đang chật vật với những khó khăn của việc làm cha, làm mẹ. Nó thực sự đáng được các bậc phụ huynh thưởng thức, tham khảo như nhiều đầu sách hướng dẫn nuôi dạy con khác".

Cuốn sách được xuất bản dưới sự hỗ trợ của Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foudation).

Việt Nguyễn