"Yêu sách của Antigone": Vở kịch 2.500 năm được nhìn qua lăng kính nữ giới

Tô Sa

(Dân trí) - Julith Butler - nữ triết gia nổi tiếng của Mỹ - đã đi ngược lại số đông, viết "Yêu sách của Antigone" với góc nhìn hoàn toàn mới - góc nhìn của chính nữ giới.

Yêu sách của Antigone (Thân tộc giữa sự sống và cái chết) do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành hồi tháng 10/2021, cô đúc các bài giảng của học giả Judith Butler tại các trường đại học lớn như: California, Cornell và Princeton năm 1998.

Cuốn sách dày 204 trang, do dịch giả Nguyễn Thị Minh chuyển ngữ, bàn về tác phẩm kinh điển Antigone của Sophocles - vở kịch được đề cập nhiều nhất trong lịch sử triết học và lý thuyết chính trị phương Tây.

Antigone nằm trong bộ ba câu chuyện thành Thebes (Vua Oedipus, Oedipus ở ColonusAntigone), kể về gia đình bi thương của ông vua Oedipus - kẻ đã giết cha lấy mẹ, số phận cô con gái Antigone (kết quả của mối tình oan nghiệt này) cùng mối tình loạn luân với người anh trai Polyneices và bi kịch của nàng.

John Seery, nhà lý luận chính trị người Mỹ, nhận xét cuốn sách là "một trong những tác phẩm quan trọng nhất của giới học thuật trong 50 năm qua", không những vậy, "một cách đọc như thế về một văn bản cổ điển chỉ khoảng 2.500 năm mới xuất hiện một lần".

Yêu sách của Antigone: Vở kịch 2.500 năm được nhìn qua lăng kính nữ giới - 1

Bìa sách "Yêu sách của Antigone" (Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam).

Từ lâu, nhân vật Antigone của Sophocles thường được cho là hình ảnh của nữ giới, đại diện cho gia đình và thân tộc, được nhìn nhận dưới góc độ Creon - nhân vật đại diện cho nam quyền. 

Tuy nhiên Judith Butler đặt lại vấn đề này và đưa ra một cách đọc mà nhân vật chính là Antigone với những yêu sách của nhân vật.

Thứ nhất, bản thân tính đại diện của Antigone: nàng là một nhân vật hư cấu, khó có thể đem ra làm hình mẫu mà không rơi vào phi thực tế.

Thứ hai, Antigone khó lòng là đại diện tiêu biểu cho nữ quyền, vì chính nàng cũng dính líu vào quyền lực mà nữ quyền đang chống lại.

Bản thân Antigone cũng không phải hình mẫu phụ nữ thuần túy: nàng không hành động, nói năng như nữ giới, không lấy chồng, sinh con.

Antigone cũng khó lòng đại diện cho thân tộc, vì những rắc rối, lệch chuẩn của thân tộc mà nàng gắn vào.

Tác giả sử dụng quan điểm của Hegel và Lacan - những người có cách đọc Antigone ảnh hưởng nhất từ trước đến nay - để phản biện lại chính họ, đồng thời cố gắng trả lời câu hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra nếu phân tâm học lấy Antigone, thay vì Oedipus, làm xuất phát điểm của mình?".

Yêu sách của Antigone chính là nỗ lực của Butler để chứng minh Antigone là một nhân vật có khả năng mở ra những khả thể, khiến chúng ta phải suy nghĩ lại và phần nào mở rộng ranh giới của những chuẩn mực tưởng chừng tự nhiên và bất di bất dịch, trong lịch sử cũng như trong đời sống.

Judith Butler, 67 tuổi, là triết gia, nhà nghiên cứu giới có tầm ảnh hưởng, là người luôn ủng hộ một cuộc đời đáng sống dành cho con người (đặc biệt là phụ nữ, người không theo quy chuẩn giới thông thường, người thuộc nhóm thiểu số về tính dục).

Bà giảng dạy tại Khoa Văn học so sánh và chương trình Lý thuyết phê phán của Đại học California - Berkeley.

Câu nói của bà được trích dẫn nhiều và rất được ủng hộ là: "Cuộc đời đáng sống hơn khi ta không bị giam cầm trong những phạm trù không phù hợp với mình, những phạm trù áp đặt và lấy đi tự do của mình".