Ý nghĩa bất ngờ sau những tên thương hiệu nổi tiếng thế giới
(Dân trí) - Hàng ngày, có thể bạn uống nước ngọt của Pepsi, đi giày của Nike, ngồi quán của Starbucks, nhưng bạn không hiểu hết ý nghĩa thú vị đằng sau những tên thương hiệu nổi danh này. Dưới đây là ý nghĩa bất ngờ của những thương hiệu đình đám thế giới…
Người sáng tạo ra đồ uống Pepsi, ông Caleb Davis Bradham (1867-1934), vốn ước mơ trở thành một bác sĩ, nhưng một biến cố xảy tới với gia đình đã khiến ông phải sớm rời trường y khi chưa tốt nghiệp và trở thành một dược sĩ.
Thức đồ uống ban đầu do ông sáng tạo ra được đặt tên là “Brad’s Drink”, tạo nên từ hỗn hợp đường, nước, caramel, tinh dầu chanh và hạt nhục đậu khấu. 3 năm sau, Bradham đổi tên đồ uống thành “Pepsi-Cola”. Ông tin rằng đồ uống của mình có thể hỗ trợ cho việc tiêu hóa tốt hơn, và cái tên “Pepsi-Cola” được lấy từ từ gốc “dyspepsia”, nghĩa là chứng khó tiêu.
Tên của Google hiện nay xuất phát từ một buổi hội bàn của một nhóm sinh viên học tại trường Đại học Stanford (Mỹ). Khi đó, người đồng sáng lập ra Google, ông Larry Page (nay 44 tuổi) đang vạch ra những ý tưởng về một website liệt kê lượng thông tin khổng lồ cùng với những sinh viên khác.
Một trong những đề xuất về tên gọi của website là “googolplex”, đây là một thuật ngữ toán học chỉ một trong những con số lớn nhất có thể tồn tại trong toán học. Cái tên “Google” ra đời sau khi một người trong nhóm sinh viên phát âm nhầm.
Ông Raymond Kroc (1902-1984), người sáng lập ra hãng McDonald's, vốn là người bán máy pha đồ uống, rồi ông gặp hai anh em Dick và Mac McDonald, hai người này là chủ của một cửa hàng bán bánh burger nằm ở thành phố San Bernardino, bang California, Mỹ.
Anh em nhà McDonald đã mua vài chiếc máy pha đồ uống của Kroc, bản thân Kroc cũng rất choáng ngợp với cách thức kinh doanh ăn nên làm ra của hai anh em nhà McDonald, nên ông đã quyết định đặt lời đề nghị hợp tác với họ.
Kroc trở thành người đại diện của hai anh em nhà McDonald và dần mở rộng chuỗi nhà hàng McDonald’s ra khắp nước Mỹ. Về sau, Kroc đã “mua đứt” quyền sở hữu đối với tên thương hiệu McDonald’s.
Không biết xuất phát từ đâu, nhưng nhiều người tưởng rằng Adidas là viết tắt của câu “All Day I Dream About Soccer” (Cả ngày tôi mơ về bóng đá). Nhưng sự thật không phải vậy. Thương hiệu thời trang dành cho người yêu thể thao này được đặt theo tên của người sáng lập - ông Adolf Dassler (1900 - 1978).
Ông Adolf Dassler đã bắt đầu thực hiện những đôi giày thể thao đầu tiên từ sau khi trở về từ Thế chiến I. Cái tên Adidas được tạo nên từ tên gọi thân mật của ông - “Adi” và ba chữ cái đầu của tên họ ông - “Das”.
Ông Hans Wilsdorf (1881 - 1960), người sáng lập ra thương hiệu đồng hồ Rolex, từng muốn nghĩ ra một cái tên có thể phát âm dễ dàng trong mọi ngôn ngữ.
“Tôi đã thử kết hợp các chữ cái trong bảng chữ cái theo rất nhiều cách, nghĩ ra hàng trăm tên, nhưng không có tên nào khiến tôi cảm thấy ổn. Một buổi sáng, khi đang ngồi trên tầng hai một chiếc xe ngựa kéo hai tầng trong thành phố London, như có một vị thần đến thì thầm cái tên Rolex vào tai tôi”, sinh thời ông Wilsdorf từng nói.
Người sáng lập ra thương hiệu thời trang Zara - ông Amancio Ortega (81 tuổi) - ban đầu đặt tên công ty của ông theo tên của bộ phim hài “Zorba the Greek” (1964), nhưng cái tên Zorba không kéo dài lâu.
Cửa hàng thời trang đầu tiên mà ông mở ra nằm tại thành phố La Coruña (Tây Ban Nha) hồi năm 1975, dù vậy, tên cửa hàng “Zobra” lại trùng với tên một quán bar nằm ngay gần đó. Lúc này, người chủ quán bar tới gặp Ortega bởi cho rằng hai tên cửa hiệu giống hệt nhau sẽ gây nhầm lẫn cho khách hàng và khó khăn cho việc kinh doanh của đôi bên.
Cuối cùng, Ortega đành phải sắp xếp lại các chữ cái trong tên “Zobra” để tạo ra một cái tên mới gần nhất với tên gọi trước đó, và tên “Zara” ra đời từ đây.
Hãng đồ nội thất lớn hàng đầu thế giới - IKEA - là một thương hiệu mạnh hàng đầu đến từ đất nước Thụy Điển, dù vậy, IKEA không phải một từ trong tiếng Thụy Điển.
Người sáng lập ra thương hiệu - ông Ingvar Kamprad (91 tuổi) - đã đặt tên thương hiệu bằng cách kết hợp các chữ cái đầu của tên ông - “IK” với những chữ cái đầu của tên nông trại và ngôi làng nơi ông lớn lên ở miền nam Thụy Điển: Elmtaryd và Agunnaryd.
Người đồng sáng lập ra Starbucks - ông Gordon Bowker - cho biết ban đầu ông và các cộng sự nghĩ ra rất nhiều cái tên bắt đầu với hai chữ cái “st” bởi họ tin rằng những cái tên như vậy sẽ tạo nên một thương hiệu mạnh ngay từ tên gọi.
“Ai đó vô tình mang tới một tấm bản đồ cũ có những địa danh như dãy núi Cascades, núi Rainier và một thị trấn chuyên khai mỏ có tên Starbo. Ngay khi tôi nhìn thấy cái tên Starbo, tôi nghĩ ngay tới nhân vật Starbuck trong tiểu thuyết ‘Moby-Dick’ nổi tiếng của nhà văn Herman Melville”, ông Bowker từng chia sẻ.
Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu thời trang Gap được mở ra vào năm 1969, với mục tiêu là bán các mặt hàng jeans chất lượng. Cái tên Gap hàm ý nói tới khoảng cách thế hệ giữa người lớn và trẻ nhỏ.
Đơn giản là vậy!
Khi công ty thương mại điện tử Amazon được thành lập năm 1995, nhà sáng lập Jeff Bezos (53 tuổi) từng muốn đặt tên cho tiệm sách online ban đầu của mình là Cadabra. Nhưng luật sư hợp tác với Amazon khi đó - ông Todd Tarbert - đã thuyết phục Bezos rằng cái tên như vậy nghe quá phổ thông và thường xuất hiện trên thị trường.
Sau nhiều suy nghĩ, đắn đo, cuối cùng, Bezos lựa chọn tên Amazon theo tên của con sông lớn nhất thế giới và đã lồng ghép hình ảnh biểu tượng một con sông vào trong những thiết kế logo đầu tiên của công ty.
Reuben Mattus (1912 - 1994), một người dân di cư gốc Do Thái đến từ Ba Lan, đã đặt tên cho công ty kem của mình là Häagen-Dazs như một cách để cảm ơn đất nước Đan Mạch vì cách đối xử nhân bản với những người Do Thái sinh sống tại đất nước này trong thời kỳ Thế chiến II.
Ngoài ra, ông Reuben cũng cho rằng Đan Mạch vốn nổi tiếng với các sản phẩm làm từ sữa. Một cái tên mang âm hưởng Đan Mạch sẽ tạo được ấn tượng tốt với người tiêu dùng Mỹ (nơi ông định cư và khởi nghiệp với công ty kem). Thực tế, cái tên Häagen-Dazs hoàn toàn vô nghĩa và không thuộc bất cứ một ngôn ngữ nào.
Trong lời kể của con gái ông về sau, trước khi nghĩ ra được cái tên này, ông Reuben đã dành nhiều ngày ngồi trong căn bếp và lẩm nhẩm những từ vô nghĩa, đến khi tìm ra được một cách phối âm ưng ý nhất, một cái tên thật độc đáo và khác thường, nhưng hoàn toàn vô nghĩa và không thuộc bất cứ một ngôn ngữ nào trên hành tinh.
Đặc biệt hai dấu chấm trên chữ “a” được ông Reuben tin rằng sẽ hấp dẫn ánh nhìn người tiêu dùng.
>> Câu chuyện thú vị đằng sau những biểu tượng logo nổi tiếng
>> Thương hiệu thời trang danh tiếng “khốn khổ” vì… cửa hàng vàng mã
>> Vì sao “dân chơi đồ hiệu” giờ lại thích cắt bỏ nhãn hiệu?
Bích Ngọc
Theo Independent