Vì sao “dân chơi đồ hiệu” giờ lại thích cắt bỏ nhãn hiệu?
(Dân trí) - Từng có thời người ta tự hào với những logo đình đám xuất hiện trên phục trang. Người nào có cả “một cây đồ hiệu” sẽ nhận được ánh nhìn ngưỡng mộ, thậm chí là ghen tị, từ những người xung quanh. Nhưng, cái thời ấy nay đã qua rồi…
Trong những xu hướng thời trang ứng dụng mới nhất của thế giới, thực tế, hiện giờ, những người trẻ trung, sành điệu, cập nhật thời thượng nhất, lại đang tìm mọi cách để cắt bỏ được những logo hàng hiệu gắn trên trang phục của mình. Giờ đây, những logo nhãn hiệu đình đám, vừa nhìn đã biết là đắt tiền, thượng hạng, lại không còn được “trọng dụng” như trước.
Trong nét tư duy thời trang mới nhất này, người ta quan niệm rằng logo, nhãn hiệu là một cách trưng trổ “ba hoa”, và làm phân tán phong cách thời trang đã được tính toán, kết hợp đầy chủ ý, tỉ mỉ mà vị chủ nhân đã kỳ công thiết lập. Giờ đây, người ta “khoe” với nhau tư duy phối đồ, cách tạo lập phong cách đặc trưng riêng, thay vì “khoe” ra logo này, nhãn hiệu nọ…
Có một thời, đặc biệt là hồi thập niên 1990-2000, khi một người có thể diện nguyên cả “một cây đồ hiệu” từ đầu tới chân, mà biểu hiện chính là những phục trang có gắn logo đình đám, điều này được xem là biểu hiện “nhãn tiền” của sự giàu có và thành công. Nhưng giờ đây, giới thời trang hàng hiệu đang phải kinh ngạc chứng kiến một xu hướng mới…
Người ta có thể vẫn chi tiền mạnh để mua đồ “xịn” dùng cho “chất”, nhưng lại tìm mọi cách để cắt bỏ được những logo đình đám ra khỏi trang phục. Trong những blog thời trang, những chuyên trang về mốt, giờ đây xuất hiện thêm những video clip hướng dẫn cách tách chỉ để gỡ bỏ logo đính hoặc thêu trên trang phục một cách khéo léo.
Ngay cả những món đồ như kính mắt thời trang hàng hiệu cũng được hướng dẫn cách tẩy logo mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng kính.
Năm 2015, một báo cáo phân tích thị trường được thực hiện bởi công ty tài chính đa quốc gia Goldman Sachs (có trụ sở đặt tại Mỹ) đã cho biết rằng giờ đây, những người trẻ thích trang phục không gắn logo nhãn hiệu hơn, bởi tư duy rằng khi một người trưng trổ trên mình toàn những nhãn hiệu, người đó như thể đang sống trong tư duy của một “nô lệ hàng hiệu”.
Ngoài ra, trong thời đại của mạng xã hội, phong cách đặc trưng riêng của mỗi cá nhân trở thành thương hiệu riêng của mỗi người, điều này thể hiện rất nhiều qua những bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội, lúc này tư duy phối đồ sáng tạo, gu thẩm mỹ của mỗi người được đề cao, việc đơn thuần chỉ biết khoác lên người đồ hiệu không còn đáng ngưỡng mộ như trước.
Việc mặc đồ hiệu mà không biết cách phối hợp sao cho phong cách hơn, khiến người mặc chỉ giống như… “chiếc mắc áo”, giúp quảng cáo logo thương hiệu, mà không thể hiện được chút cá tính thời trang riêng nào của bản thân mình.
Giới trẻ hiện giờ tư duy rằng nếu có tiền, anh vẫn nên mua đồ hiệu với chất lượng và thiết kế đỉnh cao, để được tận hưởng sản phẩm thượng hạng, nhưng việc cắt bỏ logo sẽ giúp phong cách mà anh tạo dựng riêng cho mình trở nên nổi bật hơn, khiến đối phương không bị phân tán bởi logo, nhãn mác. Đây là một sự khoe khéo cá tính bản thân, thay vì nhìn vào đã biết anh đang “ba hoa, trưng trổ” hàng hiệu.
Cần phải hiểu rằng sự trung thành của khách hàng đối với chất lượng, mẫu mã thiết kế của những nhãn hiệu thời trang vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có điều, logo nhãn mác đã không còn mang nhiều ý nghĩa nữa, bởi chúng có thể xen ngang, phá hỏng một phong cách mà vị chủ nhân đang cố gắng xây dựng nên.
Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới những năm gần đây chưa có nhiều khởi sắc rực rỡ, việc trưng trổ mình có tiền mua hàng hiệu bị coi là một sự khoe mẽ vụng về. Giờ đây, người ta thích “khoe khéo”, chỉ riêng chất vải, đường may, phom dáng, thiết kế… đã đủ nói lên đẳng cấp sản phẩm, không cần logo.
Nắm bắt được xu hướng mới này, các thương hiệu thời trang đã có những sự thay đổi nhẹ nhàng, tinh tế đối với logo của mình. Nhiều thương hiệu thời trang lớn đã không còn thêu logo của hãng trên “mặt tiền” trang phục nữa, nhiều hãng túi xách cũng nhận thấy những chiếc túi có logo “chình ình” bán chậm hơn những chiếc túi có logo được thiết kế cách điệu, nhỏ nhắn, xinh xắn.
Người tiêu dùng giờ đây ngày càng thông thái, họ có tư duy, cá tính mạnh hơn trong cách sử dụng đồ hiệu, họ sẵn sàng chi tiền cho sản phẩm chất lượng, nhưng không muốn trở thành công cụ quảng cáo miễn phí cho các thương hiệu. Họ trả tiền để mua chất lượng sản phẩm, nhưng không cần logo, nhãn hiệu sản phẩm để làm nên phong cách cá tính của riêng mình.
Một clip dạy cách tách logo
Bích Ngọc
Theo Independent