Xúc động triển lãm “Giấc mơ gia đình”

(Dân trí) - 20 đứa trẻ là nhân vật chính trong triển lãm “Giấc mơ gia đình” đến từ nhiều nơi khác nhau, nhưng đều có chung một điểm là thiếu vắng tình yêu thương của mẹ, cha…

Triển lãm “Giấc mơ gia đình” vừa khai mạc nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10, hưởng ứng chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” của Hội LHPN Việt Nam.

Triển lãm thực hiện theo phương pháp tiếp cận nhân học, các cán bộ thực hiện đã tốn nhiều công sức trong việc tiếp xúc, khơi gợi tình cảm, lòng tin ở các nhân vật để các em có thể nói lên những câu chuyện mà ít khi chia sẻ cùng ai.

Xúc động triển lãm “Giấc mơ gia đình” - 1

Khán giả không kìm nén được sự xúc động trước câu chuyện của những đứa trẻ sớm bị thiệt thòi...

Với 3 chủ đề: Cuộc sống không bình yên, Khi con tìm thấy nụ cười, Những ước mơ nhỏ bé, triển lãm là tiếng lòng của những đứa trẻ sớm phải chịu thiệt thòi thông qua những hình ảnh và tư liệu được sắp xếp khéo léo. Bất cứ ai xem triển lãm cũng phải nhói lòng vì những đứa trẻ mồ thiếu may mắn.

Em Thào A Lềnh, sinh năm 2000 ở Yên Bái: “Lên 2 tuổi bố mất, mẹ bỏ đi lấy chồng, con ở với ông bà nội. Đến tuổi con không được đi học, hàng ngày phải đi chăn trâu, lấy củi. Có lần con ốm nặng, ông bà cho đi khám, bác sĩ giữ lại viện để điều trị nhưng vì không có tiền nên bà cho con về. Những lúc đó con thèm có mẹ ở bên”.

“Con lên lớp 5 thì mẹ bệnh mất, bố thường xuyên đánh đập con và em. Ông bà ngoại thương hai chị em mang về nuôi nhưng không nuôi nổi hai đứa nên đưa con vào Trung tâm bảo trợ Lào Cai. Con không có lựa chọn cho dù không muốn”, Hà Tố Uyên, sinh năm 2004 kể.

Xúc động triển lãm “Giấc mơ gia đình” - 2
Xúc động triển lãm “Giấc mơ gia đình” - 3

20 đứa trẻ - những nhân vật chính trong triển lãm dù ở độ tuổi khác nhau, đến từ nhiều vùng, miền khác nhau nhưng có cùng điểm chung là thiếu vắng tình thương yêu của cha mẹ, có em cả tuổi thơ sống trong những trung tâm bảo trợ, trong sự bao bọc của các nhà hảo tâm…

Hay ước mơ nhỏ bé nhưng nhói lòng khách tham quan của Trần Hữu Hùng, sinh năm 2007 đến từ Hưng Yên: “Con ước mẹ con sống lại, để con được gặp mẹ, ôm mẹ. Con chưa bao giờ được ôm mẹ cả”.

20 đứa trẻ - những nhân vật chính trong triển lãm dù ở độ tuổi khác nhau, đến từ nhiều vùng, miền khác nhau như: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hưng Yên, Khánh Hòa, có em là người dân tộc thiểu số nhưng có cùng điểm chung là thiếu vắng tình thương yêu của cha mẹ, có em cả tuổi thơ sống trong những trung tâm bảo trợ, trong sự bao bọc của các nhà hảo tâm…

Xúc động triển lãm “Giấc mơ gia đình” - 4
Xúc động triển lãm “Giấc mơ gia đình” - 5

Hình ảnh tại triển lãm.

Cùng với việc kể cho công chúng về hoàn cảnh và ước mơ của những mảnh đời thiệt thòi, triển lãm “Giấc mơ gia đình” cũng cho thấy sự chung tay của cộng đồng trong việc đồng hành, giúp đỡ, mang lại một tương lai tươi sáng và một cuộc sống an toàn cho trẻ.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 27/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội.

Tin và ảnh: Nguyễn Hằng