Xúc động giây phút tiễn biệt tác giả bài thơ "Chiếc lá đầu tiên"
(Dân trí) - Nhiều đồng nghiệp, văn nghệ sĩ đã không kìm được nước mắt khi đến tiễn đưa nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, tác giả "Chiếc lá đầu tiên" về nơi an nghỉ cuối cùng.
Lễ viếng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm diễn ra vào hồi 14h30 ngày 24/4 tại Nhà tang lễ Thành phố (số 125 Phùng Hưng, Hà Nội). Lễ tang do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì tổ chức.
Ngay từ sớm nhiều bạn văn, bạn thơ, nghệ sĩ và bạn đọc yêu mến Hoàng Nhuận Cầm đã có mặt tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng để tiễn biệt nhà thơ rời cõi tạm, trong đó có: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Hữu Thỉnh...
Trong tang lễ, nhiều bạn bè trong giới văn thân nghệ sĩ đã không kìm được nước mắt khi nhắc về những kỷ niệm với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, một nhà thơ tài năng, dành trọn cuộc đời cho thi ca Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không thể giấu được nỗi buồn trong ánh mắt khi nhắc đến nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: "Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là ví dụ xuất sắc cho một người đã dành trọn đời cho thơ ca và hiến dâng cuộc đời cho dân tộc. Ngay từ lúc còn là sinh viên năm nhất trên giảng đường Đại học, ông đã xung phong ra mặt trận và trong chính quãng thời gian ấy, thơ ca của anh đã vang lên. Đó là những vần thơ của sức trẻ, tuổi thanh xuân nhiều hoài bão và mộng mơ.
Những bài thơ mang phong cách riêng, một tâm hồn tri thức, một trái tim yêu nước nồng nhiệt. Con người của Hoàng Nhuận Cầm là con người sống cả đời với thi ca nhưng lại gắn liền với nhiều thăng trầm, nhiều buồn vui và cả sự thiệt thòi. Nhưng ông đã biến mọi cảm xúc ấy thành chất xúc tác để gieo nên những vẫn thơ xuất chúng mang một phong cách riêng không thể nào nhầm lẫn".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, ông thực sự đau lòng khi chỉ trong một tháng chính ông là người đã đọc điếu văn cho sự ra đi của hai người nghệ sĩ gạo cội là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và hôm nay là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. "Đối với Hội Nhà văn Việt Nam đây là những mất mát quá đột ngột, xót xa!", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nghẹn lời khi chia sẻ những kỷ niệm với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: "Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ tài danh thực thụ, mang một niềm say mê thơ ca đến thánh thiện. Trong thời chiến tranh, tôi và Hoàng Nhuận Cầm rất thân thiết, là tâm giao tri kỷ. Ông viết bất cứ bài thơ nào cũng gửi cho tôi đọc qua, cùng chia sẻ và góp ý. Nhưng từ nay sẽ không còn nữa rồi...".
Luôn túc trực bên linh cữu nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là vợ ông, diễn viên Điệp Vân. Chị không nói nên lời, chỉ có thể chia sẻ vài điều ngắn ngủi về người bạn đời: "Có lẽ rằng suốt bao mối tình cùng ông trong cuộc đời chỉ có thơ ca và nghệ thuật là tình yêu bất diệt với ông, không gì có thể chia lìa. Chúng tôi không có duyên sống với nhau đến hết cuộc đời nhưng tôi luôn dành cho ông ấy niềm kính trọng vô bờ".
Đứng lặng lẽ trong nhà tang lễ, cô Phan Thanh Tú - người vợ đầu tiên của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm dường như vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột của ông.
"Tôi và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sống với nhau đến khi con gái mới tròn 3 tuổi thì hết duyên. Trong suốt quãng thời gian ấy chưa bao giờ tôi thấy ông ấy ngừng yêu nghệ thuật, yêu văn chương, thơ ca. Ông ấy trân trọng những tập thơ hơn chính bản thân mình.
Sau này, khi cả hai đã về già, tôi cũng thường xuyên hỏi thăm sức khỏe vì biết ông mắc bệnh phổi nhưng dường như ông không mấy bận tâm. Ông còn nói rằng, mình không sao. Khi nhận được tin ông mất, tôi cũng rất đau lòng. Tôi nghĩ rằng ông ấy đã sống một đời với sự nghiệp và cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì văn chương nước nhà", bà bộc bạch.
Trong lễ truy điệu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đại diện BTC lễ tang đọc điếu văn nhìn lại cuộc đời và chặng đường cống hiến cho nghệ thuật nước nhà đến giây phút cuối đời của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
"Cuộc sống đời thường của Hoàng Nhuận Cầm có khá nhiều u buồn. Những cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Ông là một người cha tận tụy, quên mình, yêu thương con vô bờ. Một trong những tình yêu lớn ông truyền lại cho các con là tình yêu nghệ thuật. Ông hết lòng chăm lo cho mọi người nhưng lại không biết chăm lo cho chính bản thân mình. Ông sống giản dị, tằn tiện, làm việc quên mình dù biết mang trong người căn bệnh nguy hiểm...
Xin được nói về giây phút cuối cùng của ông. Hôm đó ông nhận lời đi giao lưu với một đơn vị công binh ở thành phố Ninh Bình. Nhưng thấy trong người mệt khác thường, ông xin hoãn không tham gia được nữa.
15h17, ông nhắn tin cho con trai là mình không được khỏe, nhưng lại dặn con đừng lo lắng. Cuối giờ chiều, nhiều người gọi điện thoại vào máy của ông, chuông đổ nhưng ông không nghe máy. Khi con trai ông mở được cửa vào nhà thì thấy ông ngồi xếp bằng tròn trong tư thế kiết già, ra đi như một thiên sư...", trích lời điếu văn.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952 tại Hà Nội, là con đầu lòng của nhạc sỹ Hoàng Giác.
Khi đang học khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971, Hoàng Nhuận Cầm nhập ngũ. Ông từng chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị. Năm 1975, ông trở lại học nốt chương trình đại học và đến năm 1981 làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam.
Hoàng Nhuận Cầm chuyển sang làm việc cho Đài Truyền hình Việt Nam trong một thời gian ngắn rồi quay trở lại Hãng Phim truyện Việt Nam năm 2005. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, và cùng vợ lập hãng phim tư nhân Điệp Vân.
Nhiều bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm mà phần lớn là thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi như: Chiếc lá đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu,...
Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972-1973, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ Xúc xắc mùa thu.
Ngoài thơ, ông còn sáng tác kịch bản phim và đã từng tham gia đóng phim. Ông còn nổi tiếng với nhân vật bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và vai nhà thơ trong phim Số đỏ…