Xúc động chương trình nghệ thuật “Hát về anh - người chiến sĩ biên cương”
(Dân trí) - Không phải tại một sân khấu lộng lẫy, hoành tráng, chương trình nghệ thuật “Hát về anh – người chiến sĩ biên cương” diễn ra ở địa điểm vô cùng đặc biệt: ngay tại Nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang).
“Hát về anh - Người chiến sĩ biên cương” là chương trình nghệ thuật vừa diễn ra tại Nghĩa trang Vị Xuyên do chính các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên phối hợp với tỉnh Đoàn Hà Giang và đơn vị khác tổ chức nhân 71 năm ngày Thương binh Liệt sĩ.
Chương trình được bắt đầu với lễ thắp nến tri ân, dâng hương lên các anh linh liệt sĩ. Những người có mặt không ai kìm được sự nghẹn ngào xúc động với hình ảnh những cựu chiến binh đi từng hàng mộ thắp hương cho đồng đội. Nghĩa trang Vị Xuyên trong đêm lung linh với hàng nghìn ngọn nến và hương khói lan tỏa trên nền nhạc của bài hát “Về đây đồng đội ơi” khiến tất cả mọi người rưng rưng…
Chương trình nghệ thuật tiếp nối sau đó được xây dựng trên nền câu chuyện tình yêu của một người lính Vị Xuyên, bắt đầu từ khi anh bịn rịn chia tay người yêu ra mặt trận, hòa mình vào những đoàn hành quân lên điểm cao, trải qua biết bao khó khăn trong sinh hoạt và chiến đấu… Điểm nhấn của câu chuyện là hình ảnh của người lính ngồi đọc thư của người yêu trên điểm cao và giấc mơ hai người được gặp nhau trên biên giới. Nhưng sau trận chiến ác liệt, người lính trẻ mãi mãi không về cùng đồng đội của mình… Hòa bình lập lại, các cựu binh về thăm chiến trường xưa và đã có một cuộc hội ngộ cảm động giữa người sống và người đã khuất. Những người lính năm xưa đã đứng ra xây đài tưởng niệm cho đồng đội và cùng những người ngã xuống quyết bảo vệ hồn thiêng sông núi, nhất định một tấc đất không lùi…
Trên nền các hoạt cảnh khắc họa tình yêu, sự hy sinh của người lính Vị Xuyên và nghĩa tình đồng đội là phần biểu diễn NSƯT Hồng Kỳ, ca sĩ Ánh Tuyết (nhóm nhạc Con Gái), ca sĩ Trọng Đức cùng các nghệ sĩ trường Nghệ thuật Quân đội, trường Múa Việt Nam. Họ đã thể hiện các ca khúc gắn với sự hy sinh anh dũng của những người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc như “Linh thiêng Việt Nam”, “Thư gửi mẹ”, “Hoa sim biên giới”, “Màu hoa đỏ”, “Về đây đồng đội ơi”, “Hát về anh”… Đặc biệt, vào năm 1984, NSƯT Hồng Kỳ và Nhà hát Tuổi trẻ đã lên chiến trường Vị Xuyên biểu diễn. Trở lại mảnh đất này sau 34 năm, diễn tri ân những người lính đã ngã xuống, người nghệ sĩ đã cao niên không khỏi nghẹn ngào…
Chia sẻ về ý nghĩa của chương trình, NSƯT Phạm Lê Nam, Tổng đạo diễn cho biết: “Biên cương tươi đẹp, cũng là nơi hàng ngàn thanh niên tuổi đôi mươi trên mọi miền Tổ quốc để lại tuổi thanh xuân. Những chàng trai đang đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, gác lại tuổi thanh xuân để sống cho lý tưởng, cho Tổ quốc, bảo vệ từng tấc đất biên cương. Gần 40 năm, những người lính Vị Xuyên năm nào, giờ người còn, người mất, nhưng tình đồng đội vẫn trọn vẹn nghĩa tình...
Chương trình nghệ thuật như một nén hương tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, phác họa hình ảnh người lính biên cương anh dũng, chiến đấu với tinh thần “Một tấc đất không lùi”, đồng thời ca ngợi tình đồng đội, dù trong gian khổ, sống chết có nhau, hay ngay cả khi thời bình, tình cảm thiêng liêng ấy vẫn nồng ấm”.
Được biết, ngay sau đêm nghệ thuật “Hát về anh - Người chiến sĩ biên cương”, Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu cũng đã tổ chức Lễ bàn giao Đền thờ Liệt sĩ tại cao điểm 468 cho tỉnh Hà Giang quản lý. Đền thờ được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, từ sự đóng góp của các cựu chiến binh và nhiều cá nhân, tổ chức.
Các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ của mặt trận Vị Xuyên đã vượt ngầm, leo lên con đường đất đỏ trơn trượt đến điểm cao 468 (ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên). Đứng trong khuôn viên Nhà thờ liệt sĩ trên đài hương 468, nhìn mây mù bao phủ trên đỉnh, sườn núi, những người lính năm xưa không khỏi bùi ngùi xúc động sống lại ký ức về cuộc chiến đấu oanh liệt giành từng tấc đất biên cương… Tại mặt trận này đã tạo nên những địa danh huyền thoại như “Thác âm phủ”, “Suối gọi hồn”, “Cửa tử Vị Xuyên”…
Dù gian khổ, ác liệt nhưng họ quyết “một tấc không đi, một ly không rời”, có chiến sĩ bị thương vẫn viết lên thành chiến hào lời nguyền quyết tâm đấu tranh đến cùng bảo vệ biên giới Tổ quốc. Những người chiến sĩ ấy hôm nay hội tụ về đây để tưởng nhớ một thời tuổi trẻ kiên cường giữ nước, để thắp nén nhang cho đồng đội năm xưa đã ngã xuống để giữ từng tấc đất cho quê hương…
Nguyễn Hằng