“Xứ” thơ của Trần Lê Khánh

(Dân trí) - Ngày 25/9, tại Đại học Văn hóa Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu và tọa đàm với tên gọi “Xứ - thơ Trần Lê Khánh”.

Buổi toạ đàm về thơ Trần Lê Khánh ngày 25/ 9 tại Hà Nội nhận được sự chú ý của rất đông đảo người yêu văn chương. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Lê Thiếu Nhơn… cũng có mặt chia sẻ về một gương mặt thơ mới mang nhiều nét đặc biệt.

Trần Lê Khánh tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM, có bằng CFA, bằng cấp về phân tích tài chính quốc tế do Viện CFA, Mỹ cấp năm 2004. Nghề nghiệp chính là chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế, nhưng Trần Lê Khánh lại có niềm đam mê đặc biệt với thơ, đặc biệt thơ lục bát. 

“Xứ” thơ của Trần Lê Khánh - 1

Nhà thơ Trần Lê Khánh có duyên với thể thơ lục bát truyền thống.

Các tập thơ đã xuất bản (NXB Hội Nhà văn Việt Nam) bao gồm “Lục Bát Múa” (2016), “Dòng Sông Không Vội” (2017), “Ngày Như Chiếc Lá” (2018), “Lục Bát Múa trọn bộ” (2018), “Giọt Nắng Tràn Ly” (2019) và dự kiến sẽ xuất bản trong năm 2020 tập thơ “Xứ”. Ngoài ra, một tuyển tập thơ với tên gọi là “Sự Bắt Đầu của Nước” đã được dịch sang tiếng Anh và dự định in ấn và xuất bản tại Mỹ trong thời gian sắp tới.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho hay anh có cảm hứng đặc biệt với những câu thơ như: "Người đi bỏ lại bầu trời/Ai đem kim chỉ khâu lời gió bay" của Trần Lê Khánh. Trong khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, lại trân trọng giới thiệu nhà thơ Trần Lê Khánh như một điều mới mẻ, một tinh thần khác, một tư duy khác. Ông nhấn mạnh "trong sáng tạo, nếu không làm ra sự khác biệt thì đồng nghĩa với cái chết. Sự khác biệt không phải tùy tiện mà nằm trong tự do, nguyên lý cơ bản của sáng tạo nghệ thuật".

“Thơ của Trần Lê Khánh là kết tinh của tính chính xác ngôn từ, sự độc đáo của hình ảnh, tính đa tầng của cảm xúc, độ sâu thẳm của tinh thần phương Đông… Thơ Trần Lê Khánh là sự hài hòa của sự rung cảm tột đỉnh và của những triết lý sâu sắc. Bởi thế, khi câu thơ cuối cùng của bài thơ vừa kết thúc thì nó mở ra ngay lập tức vô vàn cánh cửa cho người đọc.

Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh luôn chứa trong nó một bài thơ khác và cứ thế mở ra và mở ra mãi. Tôi luôn nghĩ đến những bài thơ của Trần Lê Khánh với vẻ đẹp, sự tĩnh lặng, sự bí ẩn và chiều kích vô tận của những hạt cây. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh kết tinh tựa một hạt cây. Đó là sự chặt chẽ của bố cục, tính chính xác của hình ảnh, phép tối giản của ngôn từ, sự nén chặt của cảm xúc…. Và luôn chứa trong đó một phôi mầm triết lý”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá tại buổi tọa đàm.

Nhà thơ - nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn thì chia sẻ, với anh và những người bạn ở TP HCM, Trần Lê Khánh là gương mặt xuất sắc trong thế hệ 7X tại  TP HCM: "Anh Khánh là chuyên gia hàng đầu về mua bán và sát nhập, tôi biết anh rất lãng mạn, anh không làm thơ mới là lạ. Nhưng điều tôi không ngờ là anh làm thơ hay".

Anh kể lại cách đây 3 năm, Trần Lê Khánh tặng thơ cho mình. "Lúc đó tôi hỏi: Anh làm thơ để thư giãn đúng không? Anh chỉ cười. Tôi mang tập thơ về đọc và sau đó tôi mới nói anh thực sự là thi sĩ", Lê Thiếu Nhơn tiết lộ.

“Xứ” thơ của Trần Lê Khánh - 2

Hình ảnh tại buổi giao lưu và tọa đàm Xứ- thơ Trần Lê Khánh.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng cho hay với những câu thơ như "Chiều nay con phố tàng hình/ Em phun sương khói nghi binh quỷ thần/ Vòng tròn ai vẽ vô tâm...", ông thấy chính hơi thơ đương đại nhưng mượn vỏ lục bát trữ tình đã làm nên một Trần Lê Khánh.

"Tôi muốn nói với Trần Lê Khánh: Thơ tự do, thơ ngắn của bạn mới làm nên cái đổi mới của thơ Trần Lê Khánh hôm nay. Đến thơ tự do, chúng ta mới thấy Trần Lê Khánh hiện lên với tất cả những chiều kích mới của suy tưởng, mang tâm thức lớn của thời đại, mang đời sống đổi mới về thi ca đương đại", tác giả "Tổ quốc nhìn từ biển" chia sẻ.

Nguyễn Hằng