Xem show ở Việt Nam đắt hay rẻ?

Nếu hay thì bao nhiêu cũng là “rẻ”, còn nếu dở thì có bán rẻ, hay cho không cũng là “đắt”. Chưa kể đã dở lại còn được bán với giá trung bình là 50USD thì quá đắt.

Thỉnh thoảng vẫn thấy rộ lên tranh luận rằng giá vé xem show ở Việt Nam đắt hay rẻ. Theo tôi, để nói được chuyện đắt rẻ (trong tương quan giữa thị trường Việt Nam và thị trường khu vực, thế giới), chúng ta cần có những phân tích dựa trên những trải nghiệm thực tế để mọi ý kiến tranh luận không trở thành vô bổ và quan trọng là để cho khán giả hiểu được rằng những gì họ bỏ ra có "đáng đồng tiền bát gạo" hay không.

Cứ vào www.ticketsnow.com thì biết!

Hồ Ngọc Hà Live Concert 2011

Hồ Ngọc Hà Live Concert 2011

Đầu tiên, chúng ta (một số ít) đã từng có may mắn được đi ra nước ngoài xem những show diễn nổi tiếng thế giới thường có xu hướng so sánh trực diện về giá vé giữa hai thị trường. Giá vé xem một show ca nhạc ở ta hiện nay thường dao động trong khoảng từ 5 trăm ngàn đến 2 triệu đồng. Như vậy, bình quân là khoảng 1 triệu, tương đương với gần 50USD/vé. Trong khi đó, ở nước ngoài, để mua được vé ở mức thấp nhất (không dưới 50USD) của các show (chủ yếu là nhạc kịch) hàng ngày như Cirque Du Solei, Broadway hoặc West End, bạn phải xếp hàng rất dài (gần như trong tuyệt vọng) thì may ra mới mua được. Với giá vé đó, bạn chỉ nhìn thấy được một phần của sân khấu do vị trí không thể xấu hơn. Và đấy mới chỉ là vé xem nhạc kịch và kịch.

Tiếp đến là vé xem live concert, hay chúng ta vẫn có thói quen gọi là show ca nhạc (cần lưu ý live concert khác, nếu không nói là rất khác, với các festival âm nhạc kéo dài hàng tuần, thu hút tới hàng trăm nghìn lượt người với giá vé rẻ gần như cho không của các nhà tổ chức sự kiện). Để đỡ mất thời gian tranh luận, bạn có thể tham khảo giá vé của các show "khủng" lẫn show bình thường (của các nghệ sĩ mới nổi, các festival âm nhạc) tại địa chỉ này: www.ticketsnow.com. Ở đó, bạn sẽ thấy gần như không có mức giá 50USD cho những show ca nhạc.

Vậy thì giá vé 2 triệu đồng (mức cao nhất) ở ta là đắt hay rẻ? Nếu so sánh theo trục ngang các thông số về: đẳng cấp nghệ sĩ, cách thức tổ chức, sự đầu tư cho một show diễn… thì tôi nghĩ khán giả đã có được câu trả lời. Với một show diễn có tới 4 hoặc 5 nghệ sĩ hàng đầu, được tổ chức công phu cẩn trọng bởi những nhà sản xuất uy tín mà giá vé chỉ trung bình 50USD thì "đắt" hay "rẻ" khán giả chắc chắn đã thấy rõ.

Cần nói thêm sở dĩ có chuyện phải phân phối vé qua hệ thống đại lý thay vì phân phối trực tiếp là vì những lý do sau: Việc phân phối vé cũng cần có chuyên môn riêng, không đơn giản cứ cầm vé đi bán mà được. Các đại lý bán vé (ở Việt Nam) thường có nguồn người xem dồi dào do họ có một nguồn cung data – thông tin cá nhân khách hàng rất lớn mà họ mua được từ những "chợ đen" chuyên bán các thông tin này. Đa phần các đại lý nhận bán vé và lấy phần trăm hoa hồng, rồi sau đó phân phối lại cho các kênh mà họ có, rồi từ các kênh này (bao gồm cả phe vé), nên giá vé nhiều lúc bị đẩy lên (tùy theo độ "hot" của chương trình) và điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà sản xuất. Tuy vậy, nhìn trên toàn cục, việc bán vé qua đại lý là một việc làm văn minh, thay vì để nhà sản xuất đứng ra ôm đồm như trước đây. Bởi số tiền thu được (tùy theo sự thương lượng với đại lý thường rơi vào khoảng 20% tiền hoa hồng trên một đầu vé) sẽ là một khoản đảm bảo cho nhà sản xuất trong việc thu hồi lại vốn đầu tư.

Ăn thua là ở chất lượng

Gần đây, sau sự bão hòa của các show ca nhạc có hiệu ứng minh họa (quen gọi là ca nhạc tạp kỹ), nhiều nhà sản xuất đang tận dụng tối đa khái niệm “một show diễn âm nhạc đích thực” để lập lờ giữa một show đề cao sự tối giản và một show đơn giản đến sơ sài: không biên tập âm nhạc; âm thanh, ánh sáng ở mức trung bình; hòa âm phối khí không hề được đầu tư làm mới mà chép lại y chang bản cũ; nghệ sĩ sắp hàng ra hát vài bài rồi đi vào… Trong trường hợp này, giá vé là 5USD hay 50USD, khán giả có lẽ cũng đã có câu trả lời cho mình là “đắt” hay “rẻ”.

Bên cạnh đó, việc bội thực cơ hội được tiếp xúc với sao (đặc biệt là sao thị trường) thông qua sự nở rộ của các chương trình truyền hình trực tiếp cũng như hàng loạt event được tổ chức miễn phí cũng được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các show ca nhạc đìu hiu, khán giả “lười” trả tiền để thưởng thức nghệ thuật. Nhận định này theo tôi chỉ đúng phần nào. Quan trọng là nhiều người (có lẽ cả một thế hệ) ít có thói quen ra ngoài thưởng thức văn hóa. Tuy nhiên cần nói rằng, truyền hình, và các sự kiện của các nhãn hàng đều có sứ mệnh riêng của họ. Chúng ta không thể lấy đó ra làm lý do. Cũng cần nhìn vào những show diễn cháy vé trong thời gian gần đây như một lý giải rõ ràng rằng các nhà sản xuất chương trình cần có những hoạch định của riêng mình để tìm ra được đúng điều mà khán giả cần. Để từ đó tạo ra được nguồn cung phù hợp cho thị trường, thay vì tìm những lý do đại loại như “giá mà không có ruồi thì chúng ta sẽ tạo ra được những tác phẩm bất hủ” như trong truyện trào phúng của Azit Nexin.

Cuối cùng, để xác định giá vé “đắt” hay “rẻ” còn phụ thuộc vào mặt bằng kinh tế (thu nhập bình quân trên đầu người), độ lớn của từng thị trường... Ngay cả ở Mỹ, Anh, hay Pháp có những người (thực ra là rất nhiều) sống gần nửa cuộc đời nhưng chưa bao giờ đi xem Cirque Du Solei, West End hay Broadway. Vì đối với họ, việc bỏ ra số tiền lớn để thưởng thức văn hóa nghệ thuật là một điều gì đó quá xa xỉ. Rồi khi hỏi họ xem gì thì họ sẽ trả lời là ở nhà xem truyền hình, hoặc chờ ngày bảo tàng hay các gallery nghệ thuật mở cửa miễn phí để cập nhật văn hóa cho riêng mình.

Nhưng cũng có rất nhiều đối tượng có thể thường xuyên bỏ ra nhiều tiền để thưởng thức nghệ thuật. Họ thậm chí trả rất nhiều tiền để sở hữu các sản phẩm mang nhiều giá trị văn hóa tinh thần (từ những bộ sưu tập đồ gốm, đồ bạc, tranh, bảo tàng, đóng góp tài chính duy trì các nhà hát opera...) để có thể duy trì lại cho đời sau, chứ không chỉ dừng lại ở việc… mua vé xem ca nhạc.

Bằng Kiều In Concert 2012
Bằng Kiều In Concert 2012
 
 
Một cách công bằng nhất, từ góc độ một người... không quá thường xuyên bỏ tiền ra đi xem ca nhạc (lý do chính vì không có thời gian) như tôi thì giá vé xem ca nhạc (những chương trình tử tế, của những nhà sản xuất tử tế) ở Việt Nam không phải là cao. Chúng ta đang may mắn ở trong một thị trường đang trên đà phát triển, với nhiều nghệ sĩ chất lượng xuất hiện từ các chương trình truyền hình âm nhạc thực tế miễn phí, có tâm huyết với nghề (xin đừng nhìn vào việc họ chạy show nhiều để đánh giá sai về chất lượng nghệ thuật họ có thể mang tới). Chỉ cần có những nhà sản xuất đủ uy tín, chắc chắn các nghệ sĩ cũng sẽ nghiêm túc với công việc họ được trả tiền để làm. Điều quan trọng quyết định việc “đắt” hay “rẻ” chắc chắn không nằm ở giá vé mà ở chính chất lượng của chương trình. Ai đó đã nói nếu hay thì bao nhiêu cũng là “rẻ”, còn nếu dở thì có bán rẻ, hay cho không cũng là “đắt”. Chưa kể đã dở lại còn được bán với giá trung bình là 50USD thì quá đắt, cho dù với cả những khán giả có điều kiện, chứ chưa kể những khán giả trung bình và nghèo - đối tượng vẫn luôn phải chắt bóp để hi vọng có được cơ hội thưởng thức tài năng của những nghệ sĩ mà mình yêu quý trên sân khấu ca nhạc.
 
Đạo diễn Việt Tú
Theo Đẹp