Xem người Việt nhảy đầm trong tranh dân gian
Nhiều sinh hoạt trong đời sống của người Việt cách đây gần ¾ thế kỷ được ghi lại trong các bộ tranh dân gian, cho thấy những góc nhìn thú vị…
Trong kho tàng tranh dân gian Đông Hồ, chúng tôi tìm thấy vài bức họa in khắc gỗ nói về những sinh hoạt thời Pháp thuộc và trong kháng chiến chống Pháp. Tư liệu để lại của cụ Nguyễn Đăng Khiêm, một nghệ nhân dân gian Đông Hồ sớm đi theo kháng chiến và làm việc ở Bảo tàng Mỹ thuật sau hòa bình, năm 1954, có nhiều bức vẽ thời kỳ Pháp thuộc và thời kháng chiến 1946 - 1954.
Bức họaNhảy đầm, có lẽ là đề tài không mấy quen thuộc với người Đông Hồ và nông dân Việt Nam nói chung, nhưng nó là một cảnh có thực khi người phương Tây sang Việt Nam, không có lý do gì mà những họa sĩ dân gian từ chối không miêu tả lại. Bức họa cho thấy trong một quán bar, có treo đèn điện và quạt trần, cạnh bàn chủ quán có máy hát quay tay. Một chú bé hầu bàn đang bưng rượu, một đôi trai gái người Việt đang tán tỉnh nhau, còn hai cặp nam nữ Tây đang nhảy đầm.
Cách miêu tả của người Đông Hồ cũng thô sơ, tất nhiên không thể so sánh với các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đương thời. Nhưng đây là đề tài mà các họa sĩ chuyên nghiệp ít đề cập đến, mà được nhìn dưới góc độ dân gian mang tính châm biếm nhẹ nhàng về những phụ nữ vào làng Tây, học đòi theo lối người Tây.
Nhảy đầm. Tranh dân gian Đông Hồ, trước năm 1945
Hai bức họa khác về cảnhĐi cấy đổi côngvàBình dân học vụcó lẽ ra đời trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, những năm 1952, 1953 trong các vùng tự do, do chính quyền ta quản lý. Ở đây, những vùng nông thôn tiếp tục được mở các lớp học xóa nạn mù chữ vốn được phát động ngày sau Cách mạng Tháng Tám - diệt giặc dốt, giặc đói và tiến hành lao động tập thể dưới hình thức đổi công cho nhau, nhà nọ đi làm cho nhà kia, dù hình thức sản xuất hợp tác xã chưa ra đời.
Bình dân học vụ. Tranh dân gian Đông Hồ, khoảng 1945 - 1952
Bức họaBình dân học vụcó khẩu hiệu là “Huấn luyện bình dân học vụ”, tức đây là lớp dạy cho các cán bộ cốt cán - đào tạo giáo viên để họ xuống nông thôn đi dạy học chữ cho bà con. Trong lớp học nam nữ chia thành hai hàng ngồi đối diện nhau, có giáo viên giảng bài. Nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ vốn không quen vẽ không gian ba chiều, nên diễn tả cảnh lớp học họ vẽ chiếc bàn có hai hàng người ngồi như dựng đứng lên. Một phụ nữ còn bế cả con đến lớp.
BứcĐi cấy đổi côngđược vẽ khá sinh động với các dáng xoài người trên mặt ruộng cấy lúa. Phía trên đề dòng chữ:Đổi công góp sức cùng làm/Thi đua tiếng hát rộn ràng đồng quê.Hình vẽ nhân vật đã có tính ba chiều hơn bức họa Bình dân học vụ. Theo chúng tôi phỏng đoán, bức họa Nhảy đầm có thể ra đời những năm 1920 - 1930, bức họa Bình dân học vụ ra đời sớm là năm 1945, muộn là năm 1952, còn bức họa Đi cấy đổi công khoảng những năm 1952, 1953.
Đi cấy đổi công. Tranh dân gian Đông Hồ, khoảng 1952, 1953
Tranh dân gian Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh vốn nổi tiếng là dòng tranh sớm có từ thế kỷ 15 - 16 và thịnh hành trong thế kỷ 17 -18. Suy tàn từ sau năm 1945, tuy nhiên vẫn được tiếp tục bởi các nghệ nhân đi theo kháng chiến chống Pháp. Mặc dù mục đích của các dòng tranh dân gian là để chúc tụng thường niên không có ý nghĩa phản ảnh hiện thực cuộc sống hàng ngày, nhưng từ sau năm 1900 tranh dân gian Đông Hồ dù không còn làm nhiều, nhưng lại đề cập đến rất nhiều vấn đề xã hội đương thời. Cách vẽ vẫn là lối bình đồ dân gian, cái nhìn dân gian, nhưng tranh rõ ràng có chủ đề đời sống hàng ngày, thậm chí mang tính chính trị xã hội. Tranh dân gian Đông Hồ vốn được in màu, những bản tranh này hiện chỉ có đen trắng, có lẽ nó chưa kịp được các nghệ nhân khắc bản màu và in phổ biến. Chúng tôi cũng cho rằng chính nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm là tác giả hai bức sau, còn bức Nhảy đầm có lẽ thuộc về bậc tiền bối trong gia đình ông.
Theo Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần