Xây dựng đời sống văn hóa ở huyện nghèo biên giới

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Cứ vào những lúc rảnh rỗi, trên sân nhà anh Lương Văn Pắn, bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng, huyện miền núi Tương Dương lại đông vui, với nhiều lứa tuổi để nghe anh thổi khèn, nhảy múa những điệu lăm vông...

Xây dựng đời sống văn hóa ở huyện nghèo biên giới - 1

Anh Pắn (áo xanh, bên trái) luôn sẵn sàng góp sức mình vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa từ việc khôi phục nét văn hóa bản sắc dân tộc mình.

Những năm qua, Đảng, chính quyền và Nhân dân huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hoạt động nhằm đưa phong trào ở các địa phương phát triển và trở thành những hoạt động thi đua sôi nổi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. 

Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cũng như vật chất cho bà con các dân tộc trên địa bàn.

Xây dựng đời sống văn hóa ở huyện nghèo biên giới - 2

Anh Pắn (bên phải) vừa làm, vừa truyền dạy cách làm nhạc cụ dân tộc Thái cho người dân trong bản.

Cứ vào những lúc rảnh rỗi, trên cơi (sân-PV) nhà anh Lương Văn Pắn, bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng, huyện miền núi Tương Dương lại đông vui, với nhiều lứa tuổi để nghe anh thổi khèn, nhảy múa những điệu lăm vông... 

Anh Pắn cho hay: Là người con bản Thái, khi thấy những âm hưởng mang nét đặc trưng của đồng bào mình dần mai một, anh đã ý thức được rằng: Chỉ khi có văn hóa mang bản sắc đặc trưng, mới có thể tô đẹp đời sống ở mỗi bản, làng mình sống, anh tự cho là mình phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy nét đặc sắc vốn có đó của cha ông để lại.

Từ đó anh bỏ nhiều công sức, mày mò, học hỏi kinh nghiệm sử dụng các loại nhạc cụ. Từ chơi được nhạc cụ, anh muốn mình làm được mỗi loại nhạc cụ đó. Niềm đam mê, cộng với sự quyết tâm, anh Pắn đã thành công trong niềm tự hào của xã, huyện và vinh dự cho bản thân, khi được công nhận là nghệ nhân ưu tú.

Anh Pắn tâm sự: "Những năm 2018, tôi đi khắp nơi để học hỏi, tập huấn thổi các loại khèn bè, sáo, pí, khèn Mông. Chính vì thế, đến năm 2019, tôi được công nhận nghệ nhân ưu tú. Khi biết thổi những nhạc cụ rành rọi, tôi lại lao vào làm các nhạc cụ. Khi biết làm, tôi sẵn sàng bày cho các cháu và những ai thích học, nhất là các cháu nhỏ. Giờ trong bản ta cũng nhiều người biết thổi các nhạc cụ rồi".

Với ông La Văn Muôn, một già làng có uy tín ở bản Mác, thị trấn Thạch Giám, lại có cách tham gia phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" riêng của mình. Ông Muôn bảo, ông vui khi được Đảng, Nhà nước có những chính sách, phong trào thiết thực vào cuộc sống đã từng ngày đổi thay, các dân tộc huyện nhà cùng đoàn kết xây dựng bản làng ngày một đi lên. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, những nét văn hóa, bản sắc riêng đã dần nhạt đi. 

Ông Muôn nói: "Phải làm thế nào luôn được thấy các chàng trai, cô gái Thái trong bộ trang phục truyền thống với xiêm y rực rỡ, cùng các cụ, các mế vui trong các dịp lễ hội, Tết và ngày đại đoàn kết". 

Để gìn giữ bản sắc riêng của dân tộc mình, ông cùng vợ là bà Lương Thị Lan, không quản ngại khó khăn, gian khổ, đi khắp nơi, học khắp chốn để hội tụ những tinh hoa đặc sắc nhất lên bộ áo váy, phụ kiện kèm theo và đưa bộ trang phục truyền thống thành nét đặc trưng riêng.  

"Tôi luôn dạy con cháu, xây dựng đời sống văn hóa là phải biết giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Bằng cách làm trước, khi con cháu thấy, chúng nó sẽ làm theo. Như khôi phục lại nghề dệt, làm rượu cần, vợ chồng tôi đi học, đi tập huấn khắp nơi để về thực hiện, sau đó mới truyền dạy. Ở bản ai cần chúng tôi cũng sẵn sàng, hay các bản khác trong ngoài xã cần là tôi sẽ dạy cho họ cách làm để gìn giữ bản sắc riêng của dân tộc mình".

Bên cạnh những gương điển hình trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", một trong những chủ lực trong thực hiện là các khối, bản trên toàn huyện. Trong đó có bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn - đây là xã biên giới của huyện Tương Dương còn gặp nhiều khó khăn.

Toàn bản có 70 hộ với 320 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Thái, Mông, Khơ Mú. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Nhưng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, ban quản lý bản Huồi Tố 1 đã không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng phát triển. 

Xây dựng đời sống văn hóa ở huyện nghèo biên giới - 3

Tục cưới hỏi được tổ chức theo nếp sống mới, gọn, nhẹ hơn.

Tập trung bảo vệ và phát triển các loại rừng bằng cách giao cho hộ quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Ngoài ra bản còn chủ động liên kết, tạo mối quan hệ với Bộ đội Biên phòng Nhôn Mai, có nhiều hoạt động, nhằm tuyên truyền người dân cùng tham gia sinh hoạt, xây dựng nếp sống mới.

Ông Lô Văn Quang - Chủ tịch MTTQ xã Mai Sơn, huyện Tương Dương cho biết: "Chúng tôi kết hợp với các ban ngành, nhất là Bộ đội Biên phòng tập trung tuyên truyền đến các hộ dân, lồng ghép vào các cuộc họp chú trọng bảo vệ rừng, phát triển chăn nuôi và bảo tồn nét văn hóa bản sắc các dân tộc trong xã"...

Xây dựng đời sống văn hóa ở huyện nghèo biên giới - 4
Các phong trào thể dục thể thao được chú trọng.