“Xác phàm” - Tiểu thuyết chân thực về chiến tranh biên giới 1979

Tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, nhưng độc giả không cảm thấy ám ảnh về sự bạo tàn, đổ máu và chết chóc...

Khai thác đề tài chiến tranh biên giới phía Bắc với bút pháp nghệ thuật độc đáo, sáng tạo, “Xác phàm”, tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội đã gây ấn tượng sâu sắc với độc giả chỉ sau hơn một tuần phát hành.

Ý tưởng và cảm hứng từ đâu để "Xác phàm" - cuốn tiểu thuyết về đề tài chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 của nhà văn được hình thành và ra đời?

Ý tưởng xuất hiện khi tôi đi đến một loạt tuyến biên giới đông bắc từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, đến Cao Bằng, Hà Giang, được nghe kể về những trận chiến ác liệt giữa hai bên đường biên vào thời điểm sau ngày 17/2/1979. Tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện về những người lính đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng tại pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn và tôi quyết định lấy hình ảnh pháo đài Đồng Đăng để xây dựng một biểu tượng văn học trong cuốn tiểu thuyết mới của mình.

Còn cảm hứng ư? Tôi muốn phá vỡ sự im lặng quá lâu về cuộc chiến này trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, cũng như có khát vọng được nhắc lại nó cho các thế hệ hậu sinh biết rằng dân tộc chúng ta đã trải qua một cuộc chiến tranh như thế.

Bìa tiểu thuyết Xác phàm của nhà văn Nguyễn Đình Tú

Bìa tiểu thuyết "Xác phàm" của nhà văn Nguyễn Đình Tú

Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 7 của nhà văn Nguyễn Đình Tú, bút pháp sáng tác “Xác phàm” hẳn có những nét khác biệt so với những tác phẩm trước đó, thưa anh?

Bút pháp có gì mới, nghệ thuật thể hiện có gì đặc biệt, thi pháp có gì đáng nói, những điều ấy nên để những nhà phê bình và độc giả nhận xét sau khi đã đọc những tác phẩm của tôi. Còn với tư cách một nhà văn, tôi luôn có ý thức tác phẩm sau ra đời phải luôn khác biệt với những tác phẩm trước, nghệ thuật là thứ không lặp lại, cuốn tiểu thuyết thứ bảy mà không có gì mới lạ so với những cuốn tiểu thuyết thứ 6 thì tôi không nên viết làm gì, chỉ làm mất thời gian bạn đọc.

Tiểu thuyết “Xác phàm” tái hiện rất tỉ mỉ những cảnh chiến trận ác liệt ở vùng biên giới phía Bắc. Ngoài việc hư cấu và tưởng tượng, nhà văn đã tiếp cận các nguồn tư liệu cũng như thực hiện việc đi thực tế như tế nào?

Khi bắt tay vào viết một tác phẩm, tôi thường có ba thao tác mang tính nghề nghiệp, thứ nhất là sưu tầm tư liệu, thứ hai là gặp gỡ, trò chuyện với những “nguyên mẫu”, cuối cùng là đi thực địa, đến tận nơi để quan sát, hình dung và tưởng tượng. Tiểu thuyết “Xác phàm” viết về cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979, về mặt tư liệu, chính sử hầu như không nhắc đến. Tôi đã phải đọc những cuốn sách của các tác giả nước ngoài, mặc dù có tính khách quan cao nhưng vẫn là góc nhìn của người ngoài cuộc. Đọc lịch sử của chính những đơn vị chủ lực từng tham chiến ở các mặt trận này cũng hầu như không nhắc đến những tháng ngày khói lửa đó. Như vậy, về mặt tư liệu gần như là con số 0.

Về mặt nguyên mẫu thì lại rất nhiều. Đi bất kì đâu cũng có thể gặp những người đã trải qua cuộc chiến này, bởi nó cách xa chúng ta chưa lâu lắm. Có thể họ là những tướng lĩnh, những doanh nhân, hoặc những người nông dân trở về với cuộc sống đời thường.

Tôi gặp gỡ và nghe họ kể chuyện rồi chắt lọc những chi tiết để sau này đưa vào tác phẩm. Việc thực địa đối với tôi khá đơn giản, là một nhà văn quân đội, tôi thường xuyên đi công tác các tuyến biên giới và thường hình dung ra bối cảnh, không gian cuộc chiến năm xưa như thế nào. Khi đã hội đủ những yếu tố trên trong mình, tôi bắt tay vào viết.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Đây là cuốn tiểu thuyết viết về một cuộc chiến có thật, vậy tại sao nhà văn lại không kể theo cách kể truyền thống, mà lại sử dụng những yếu tố tâm linh, huyền ảo trong tác phẩm của mình?

Chúng ta đã có nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh rồi. Và ít nhiều gây được ấn tượng tốt cho các thế hệ bạn đọc. Do vậy, khi viết về chiến tranh, tôi bị một sức ép, là phải viết khác những nhà văn đi trước.

Tôi không chọn cách kể truyền thống, thường là theo trình tự tuyến tính về thời gian và dòng chảy sự kiện. Tôi xác định là viết về chiến tranh - những gì đã qua, nhưng là dành cho bạn đọc đương thời, vì thế tôi đã huy động những yếu tố đương đại vào tiểu thuyết để tạo nên sự cuốn hút cho tác phẩm, đó là các yêu tố như chuyển giới, ngoại cảm, cuộc sống và tình yêu của những người trẻ hôm nay với giọng văn hiện đại, tốc độ... Đó là phương tiện, là hình thức truyền tải của tiểu thuyết để đưa tới bạn đọc nội dung sâu xa - cuộc chiến tranh biên giới 1979.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi phát hành “Xác phàm” đã nhận được những phản hồi tích cực từ giới phê bình và độc giả, chắc hẳn nhà văn rất vui?

Tôi không bất ngờ nhưng cảm thấy vui. Tất nhiên cũng có một chút hồi hộp khi chờ đợi những phản hồi của độc giả, của những bạn đọc đã từng quan tâm đến tác phẩm của Nguyễn Đình Tú lâu nay.

Tuy nhiên, việc vui, buồn với những ý kiến, phản hồi của người đọc rồi cũng sẽ qua đi, cái quan trọng hơn hết đối với một nhà văn là mình đã viết xong cái mà mình muốn viết và mình thấy cần phải viết.

Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Đình Tú!

“Viết về đề tài chiến tranh, nhưng độc giả sẽ không còn cảm thấy ám ảnh về những bạo tàn, đổ máu và chết chóc, 'Xác phàm' cũng không phải là tác phẩm miêu tả chiến tranh theo kiểu lý tưởng đầy màu sắc “sử thi” theo phong cách sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà là một tấm gương phản ánh chân thực cuộc chiến của tinh thần, của ý chí và của lòng người trong chiến tranh.

Sự tài hoa trong lối viết của Nguyễn Đinh Tú còn được thể hiện ở cách thức xây dựng ngôn ngữ tác phẩm đa chiều, đáp ứng được nhiều kiểu độc giả.

'Xác phàm' cũng là tác phẩm ghi dấu ấn về một sự đột phá trong cách thức xây dựng cốt truyện, cũng như nghệ thuật tạo độ căng về tâm lý trong khi giải quyết mâu thuẫn truyện”.

Thạc sĩ Ngô Hương Giang - Viện Triết học

















Theo Mai Anh
VOV.vn