Vui buồn tuồng Kẻ Gám

(Dân trí) - Nếu như Nghệ Tĩnh được cả thế giới biết đến với những làn điệu ví, giặm thì Yên Thành (Nghệ An) được biết đến với tuồng Kẻ Gám. Những diễn viên tuồng nông dân chính hiệu đã làm nên thương hiệu tuồng trên đất Nghệ.

Vang bóng một thời

Làng Kẻ Gám – nơi có cánh đồng được xem là bờ xôi ruộng mật, nơi có ngôi chùa Gám linh thiêng. Về làng Kẻ Gám, tiếng trống, tiếng hát tuồng vẫn vang lên mỗi dịp hội hè, lễ lạt. Tuồng đã trở thành là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân quê lúa.

Làng Kẻ Gám thuộc xã Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An. Là một làng quê thuần nông nhưng lại được xem là “đất lành” khi sản sinh nhiều bậc đồ nho, sỹ phu yêu nước. Nhiều người con ưu tú của làng Kẻ Gám đã đi muôn phương, và khi trở về, mang theo nhiều nét đặc sắc văn hóa của vùng miền. Nghệ thuật tuồng đến với người dân Kẻ Gám cũng bằng chính con đường đó.

Ông Phan Văn Lạng, người gắn bó hơn 50 năm với nghệ thuật tuồng ở Kẻ Gám.
Ông Phan Văn Lạng, người gắn bó hơn 50 năm với nghệ thuật tuồng ở Kẻ Gám.

Ông Phan Văn Lạng – người gắn bó hơn 50 năm với nghệ thuật tuồng cho biết, tuồng đến Kẻ Gám từ bao giờ chẳng ai còn nhớ. Chỉ biết rằng khi ông sinh ra đã thấy cha diễn tuồng, mà cha ông cũng học tuồng từ ông nội. Nghệ thuật tuồng được trao truyền theo kiểu cha truyền con nối nhưng lại có sức sống hết sức mãnh liệt.

Từ thế kỷ 20 trở về trước, tuồng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Kẻ Gám mỗi khi Tết đến xuân về. Ngày ấy, làng có đến 3-4 đội tuồng, mỗi đêm diễn thực sự là một đêm hội của người dân trong làng và các làng lân cận. “Thời chiến tranh, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, những vở tuồng cổ vẫn được luyện tập và biểu diễn thường xuyên. Thời đó, đói ăn, đói mặc, phải lo trăm thứ nhưng dân ở đây nhiệt tình lắm. Ngày sản xuất, đêm luyện tập.

Hôm nào có diễn tuồng thì mảnh đất đầu làng cứ gọi là chật như nêm. Phục trang cũng chẳng có nhiều, sân khấu dựng bằng tre, nứa, ánh sáng thì bằng đuốc, bằng đèn dầu nhưng người ta háo hức lắm. Người diễn say mê, người xem cũng ngẩn ngơ với từng nhân vật trong mỗi vở tuồng”, ông Lạng nhớ lại.

Ông Lạng đang giúp diễn viên ôn lại kịch bản trước buổi biểu diễn (ảnh H. Trần).
Ông Lạng đang giúp diễn viên ôn lại kịch bản trước buổi biểu diễn (ảnh H. Trần).

Những Lưu Bình – Dương Lễ, những Trưng Trắc – Trưng Nhị (vở Dưới cờ đại nghĩa), những Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, những Tống Trân – Cúc Hoa… dưới sự hóa thân của những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng có sức hút lạ kỳ. Trút bỏ những bộ quần áo lấm lem bùn đất ruộng đồng, người nông dân Kẻ Gám vụt trở nên oai hùng, hiên ngang trên sân khấu tuồng, qua các nhân vật lịch sử.

Đau đáu nỗi lo thất truyền

Tuồng Kẻ Gám xưa đã từng được vời vào cung biểu diễn cho Vua, Chúa. Đó là thời hoàng kim của nghệ thuật tuồng trên quê lúa. Những năm chiến tranh, khó khăn đủ bề nhưng tuồng vẫn có đất sống và phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, hiện giờ, làng tuồng Kẻ Gám cũng đang đứng trước nỗi lo thất truyền, mai một dần.

Ông Phan Văn Lạng có 8 người con thì 5 người biết hát tuồng. Đó là ngày xưa. Giờ, cả gia đình chỉ còn mình ông sống chết với tuồng. “Chúng nó lớn, dựng vợ, gả chồng, lo cơm áo gạo tiền, chẳng còn tâm trí đâu mà tập tuồng, diễn tuồng nữa”, ông buồn bã.

Ông Lạng đang giúp diễn viên ôn lại kịch bản trước buổi biểu diễn (ảnh H. Trần).
Một vở diễn của những diễn viên tuồng nông dân chính hiệu. Phục trang thiếu thốn, từ quan đến lính đều đi dép lê để biểu diễn (ảnh H. Trần).

Không giống như ví hay giặm, mỗi làn điều đều mang hơi thở cuộc sống, gắn liền với nhịp sống, nhịp sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tuồng Kẻ Gám hầu như là những tích cũ, gắn liền với các nhân vật lịch sử. Tuồng khó nhớ, khó thuộc, đòi hỏi kỹ thuật nghiêm ngặt. Bởi vậy, tuồng ít “kéo’’ được người diễn, đặc biệt là thanh niên, trẻ nhỏ.

“Cái “anh’’ tuồng muốn diễn được phải có phục trang, phải có sân khấu, phải hóa trang, phải có mộ đội nhạc đi cùng. Muốn diễn một vở tuồng phải mất thời gian luyện tập khá lâu. Nhiều người vẫn yêu tuồng, mê tuồng lắm nhưng “cái khó’’ nó bó cái đam mê. Tuồng Kẻ Gám do những người yêu tuồng, quý tuồng bỏ thời gian, công sức, tâm huyết và cả tiền bạc để luyện tập, biểu diễn. Bao nhiêu lo toan trong cuộc sống, dẫu có yêu, có quý tuồng đến mấy cũng không thể ăn cơm nhà, vác tù và được mãi’’, ông Lạng nén tiếng thở dài.

Ông Lạng đang giúp diễn viên ôn lại kịch bản trước buổi biểu diễn (ảnh H. Trần).

Ông Lạng lo mai này không biết bàn giao những tài sản tích góp cả đời của mình cho ai khi tuồng Kẻ Gám đang đứng trước nguy cơ mai một dần.

Ông có lẽ là một trong những người cuối cùng của Kẻ Gám hiểu và yêu tuồng như chính mạng sống của mình. Căn nhà nhỏ của ông bà dành riêng một gác xép để chứa phục trang, đạo cụ biểu diễn. Những bộ trang phục của vua, của tướng, của hoàng hậu, công chúa hay đến lính tráng trong mỗi vở tuồng đều do ông bỏ tiền ra may lấy.

Lần giở từng bộ phục trang đã úa màu, ông Lạng thở dài: “Chẳng biết mai này còn ai để bàn giao tài sản mà tôi tích góp cả đời này không?’’.

Kẻ Gám vào xuân, tiếng nhạc xập xình vang lên từ ngoài đường lớn vào từng ngõ nhỏ. Dường như, giữa những bản nhạc hiện đại đó, tuồng chẳng còn mấy đất để “sống’’. Kẻ Gám mai này, liệu tiếng trống, tiếng nhị, tiếng hát tuồng có còn vang?

Hoàng Lam


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm