"Vua vọng cổ" Viễn Châu qua đời

Soạn giả, NSND Viễn Châu, người được xem là "vua vọng cổ" đã qua đời vì tuổi già, sức yếu, lúc 13 giờ 15 phút ngày 1/2, hưởng thọ 92 tuổi.

Nhạc sĩ Trương Minh Châu - Con trai Soạn giả, NSND Viễn Châu, cho biết cha mình qua đời tại nhà riêng sau thời gian điều dưỡng tại nhà. NSND Kim Cương thông báo sẽ đứng ra lo tất cả thủ tục tang lễ.

Linh cữu của ông hiện được quàn tại Nhà tang lễ TP HCM.

Soạn giả, NSND Viễn Châu tên thật Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924, là danh cầm đàn tranh và là soạn giả cải lương nổi tiếng tại Việt Nam. Ông được cho là người đã khai sinh ra thể loại tân cổ giao duyên và vọng cổ hài, có công đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương danh tiếng một thời.


Soạn giả, NSND Viễn Châu qua đời

Soạn giả, NSND Viễn Châu qua đời

Sinh ra và lớn lên tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, ông xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả, là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.

Thuở nhỏ, ông học quốc văn ở trường làng và học Hán văn với những bậc túc nho ở tại nhà. Ngoài ra, khi còn học ở trường, ông đã mê đàn ca, cả tân lẫn cổ, thường có mặt trong các buổi đờn ca tài tử, hoặc cùng bạn bè tổ chức đờn ca. Ông mày mò những ngón đàn học lóm qua đĩa hát nhựa cũng như các nhóm đàn ca tài tử ở làng quê. Đến năm 19 tuổi, ông đàn thạo các loại đàn tranh, violon, guitar và được nhiều người khen ngợi.

Năm 1942, ông tham gia Ban cổ nhạc Ðài Phát thanh Pháp Á Sài Gòn. Tuy nhiên, dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của Soạn giả, NSND Viễn Châu là truyện ngắn đầu tay "Chàng trẻ tuổi" được đăng trên báo Dân Mới và bài thơ "Thời mộng" được đăng trên báo Tổng xã mới trong năm đó.


Ông để lại sự tiếc thương cho người thân, đồng nghiệp, học trò, người hâm mộ

Ông để lại sự tiếc thương cho người thân, đồng nghiệp, học trò, người hâm mộ

Cuối năm 1943, ông theo đoàn Tố Như lưu diễn. Hai tháng sau, ông tham gia gánh ca kịch của Năm Châu ra Hà Nội lưu diễn. Trên bước đường nghệ thuật của mình, ông có cơ hội tiếp xúc với các nghệ sĩ tài danh bấy giờ như Năm Châu, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang, Duy Lâm... và học hỏi được nhiều kỹ năng về tư duy sáng tác.

Kịch bản đầu tay của ông là "Nát cánh hoa rừng", sau đó có hơn 70 kịch bản nổi tiếng được lưu hành từ sàn diễn cho đến thị trường băng dĩa, trong đó có các tác phẩm để đời như: "Một ngày làm vua", "Vụ án Huỳnh Thổ Cang", "Huyện chuột nuôi đề", "Chung Vô Diệm"," Hoa Mộc Lan"...

Gia tài ông để lại cho đời là hơn 2000 bài vọng cổ.

Theo T.Hiệp

Người Lao Động