Vụ cứu bé gái: "Đừng suy nghĩ sai lệch bản chất câu chuyện tôn vinh"?
(Dân trí) - "Hành động anh Mạnh phi thân lên, đưa tay cứu cháu bé là quá xứng đáng, không cần phải bàn đoạn sau. Như thế rất mất tình người và làm sai lệch bản chất câu chuyện", chuyên gia truyền thông nhận định.
Xoay quanh sự xuất hiện đoạn clip ở góc khác, quay lại cảnh ứng cứu cháu bé rơi từ tầng 12 tòa chung cư của anh Nguyễn Ngọc Mạnh đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đã có những chia sẻ riêng:
Tôi thấy rằng, những người đưa ra ý kiến trái chiều có vẻ đang nhầm lẫn câu chuyện được tôn vinh.
Ở đây là anh Mạnh được tôn vinh vì hành động của anh ấy chứ không phải được tôn vinh vì kết quả. Kết quả chỉ là phần nhỏ trong câu chuyện này. Hành động khởi phát việc anh mong muốn cứu cháu bé là quá xứng đáng để được tôn vinh rồi. Người ta tôn vinh anh Mạnh vì điều đó. Chứ không tôn vinh đã cứu thành công một cháu bé đâu.
Nếu mọi người cứ "soi" theo kiểu logic toán học: có đúng là anh Mạnh cứu được cháu bé hay do mái tôn? Nếu cháu bé rơi vào tay anh rồi rơi vào mái tôn thì lực rơi là bao nhiêu? Tôi nghĩ điều đó làm sai lệch hoàn toàn bản chất của câu chuyện.
Tôi đã xem clip khác xuất hiện trên mạng xã hội và thấy rõ ràng anh Mạnh trèo lên mái tôn và anh đưa tay ra đỡ cháu bé. Đến đoạn đó tôi không xem nữa, tôi không cần xem đoạn sau. Bởi với tôi, hành động của anh Mạnh như thế đã là phi thường rồi!
Mọi người có thể liên hệ đến rất nhiều câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất, các bạn đang đi trên thuyền, không may thuyền bị chìm. Có người nhảy xuống cứu. Thì việc người ta nhảy xuống cứu xứng đáng được tôn vinh chưa? Hay các bạn đòi hòi người ta phải cứu thành công, cứu được tất cả những người trên thuyền đấy mới được tôn vinh?
Rõ ràng trong trường hợp có người lao mình xuống nước cứu thì các bạn tôn vinh hành động dũng cảm của người ta. Chứ không phải để các bạn đem ra nói kiểu: cứu được một người thì một cái vỗ tay, cứu được mười người thì mười cái vỗ tay, còn không cứu được người nào thì bị… sỉ vả.
Câu chuyện thứ hai: Khi các bạn đưa người thân vào bệnh viện, vào phòng cấp cứu. Khi đó, trăm sự các bạn nhờ cậy đến người bác sĩ. Và với trường hợp bệnh nặng, người ta yêu cầu các bạn phải ký cam kết nếu không may có trường hợp xấu xảy ra. Và khi người ta đã cố gắng hết sức để cứu chữa cho người thân của mình rồi thì lúc đó có hậu quả gì, điều gì xảy ra đi chăng nữa thì các bạn vẫn phải nhớ ơn người bác sĩ ấy chứ?
Quay trở lại câu chuyện anh Mạnh cứu cháu bé, cái khởi phát để anh phi thân lên sẵn sàng đưa tay ra để cứu cháu bé là quá xứng đáng rồi, không cần phải bàn đoạn sau. Vì bàn đoạn sau rất mất tình người và làm sai lệch bản chất câu chuyện tôn vinh.
Ở khía cạnh khác, cũng có ý kiến đặt ra vấn đề: nếu clip sau xuất hiện ngay từ đầu thì sao?
Mọi người đang tung hô và thần tượng anh Mạnh dựa trên câu chuyện mọi người được nghe lại, kể lại và hình ảnh được nhìn chứ không dựa trên thực tế người ta được quan sát.
Đương nhiên, kể lại hay quay lại cũng có nhiều cách kể, cách quay ở góc độ khác nhau. Nhưng mình phải đặt vấn đề thế này: Nếu như không phải là nghe kể lại, xem qua clip quay lại thì người ta chứng kiến trực tiếp thì bản chất câu chuyện không khác. Bạn có thể nhìn từ trái qua, còn tôi nhìn từ bên phải qua. Bạn đứng gần, tôi thì đứng xa. Nếu đặt vấn đề cái clip sau xuất hiện từ đầu thì thực ra sau đó sẽ vẫn có những câu chuyện khác, những clip khác, ở những góc cạnh khác…
Tôi chỉ nghĩ rằng, mỗi người đứng ở góc nhìn khác nhau, mỗi người có cách quan sát khác nhau cho nên, dù bạn xem clip nào trước, clip nào sau thì bạn cố gắng nhìn vào bản chất câu chuyện để đánh giá.
Rõ ràng bây giờ chúng ta đang có câu chuyện rất đẹp, hành động rất nhân văn. Nếu như chúng ta không giữ lấy nó mà phân tích quá nhiều ở góc cạnh kỹ thuật sẽ mất cảm xúc của câu chuyện.
Đừng nhìn vào kết quả hãy nhìn vào động cơ, hành động tốt đẹp của anh Mạnh!