Vụ 12 diễn viên xiếc xin nghỉ việc tập thể: Vì miếng cơm, manh áo?!
(Dân trí) - Việc 12 diễn viên của vở xiếc “Làng tôi” nộp đơn xin nghỉ việc tập thể đã khiến nhiều người trăn trở về những khó khăn của các diễn viên xiếc trong thời buổi cơ chế thị trường. Nhưng qua đó cũng thấy được rằng, dù “cha mẹ” có thương con đến mấy thì vì “miếng cơm” vẫn có thể dứt tình.
“Vì miếng cơm manh áo mà thôi!”
Nghệ sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Đoàn Xiếc 1 và Trưởng chương trình xiếc “Làng tôi” là một trong những người quyết định ở lại với Liên đoàn Xiếc (LĐX) chia sẻ rằng, việc 12 cộng sự của ông bất ngờ nộp đơn xin nghỉ việc tập thể đối với ông là một sự việc đáng tiếc. Là người đứng giữa, ông không thể trách móc ai hay đổ lỗi cho ai bởi cả lãnh đạo LĐX lẫn diễn viên đều có những cái khó của họ.
“Bây giờ mọi việc đã xảy ra rồi, bên lãnh đạo LĐX và anh chị em trong nhóm “Làng tôi” nên bình tĩnh ngồi xem xét lại. Với tư cách là người ở giữa tôi không muốn bới tung sự việc ra làm gì cả. Suy cho cùng cũng vì “miếng cơm manh áo” mà thôi. Tôi là người trong giới, đều sống chung đời sống nghệ sỹ với nhau nên hiểu rằng đời sống nghệ thuật bây giờ có rất nhiều khó khăn, mọi người cũng muốn có công việc ổn định. Nhưng trong xu thế chung theo chủ trương của Nhà nước, của Bộ VH,TT&DL thì LĐX cũng cần phải có thời gian để tìm hướng đi mới”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, việc các diễn viên nói họ nộp đơn xin nghỉ để hưởng chế độ tinh giảm biên chế theo sự khuyến khích của Bộ VH,TT&DL không hẳn là mấu chốt. Và lý do vì thu nhập tại LĐX không đảm bảo cuộc sống của họ cũng không phải là tất cả bởi trong số 12 người này có người đã gắn bó với nghiệp xiếc trên 20 năm, họ đã từng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn tại LĐX thì việc thu nhập không phải là điều khiến họ dứt áo ra đi.
Trước câu hỏi liệu có sự o ép hay đối xử nào đó khiến 12 người này nhất quyết phải đi, ông Dũng cho rằng, đó chỉ là một phần rất nhỏ, không phải là yếu tố quyết định. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ việc thay đổi cơ chế hoạt động của LĐX theo hướng xã hội hoá đang tạo ra nhiều khó khăn. Và bản thân những người này cần một cơ chế rõ ràng để họ có thể yên tâm tiếp tục. Trong khi đó phía đối tác “Làng tôi” lại đưa ra nhiều điều khoản hợp đồng hấp dẫn và thúc giục phải sớm hoàn tất thủ tục ngoài này nên họ mới phải vội vàng như vậy.
Thực tế, vở xiếc “Làng tôi” từng được biểu diễn trên sân khấu tròn của LĐX nhưng không “sống” nổi vì không có khán giả. Thêm vào đó, vở lại do nhóm nghệ sỹ Việt kiều Pháp dàn dựng nên mỗi lần biểu diễn LĐX lại phải lo trả tiền bản quyền, âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật… buộc lòng họ phải “chuyển nhượng” cho đối tác. Năm 2012, sau 3 năm mang “Làng tôi” biểu diễn nhiều nước trên thế giới thông qua việc ký hợp đồng với công ty tổ chức sự kiện ở Pháp, vở xiếc lại tiếp tục “đắp chiếu”.
Trong khoảng thời gian này, các diễn viên trong vở “Làng tôi” được phân công tham gia biểu diễn các tiết mục xiếc truyền thống cùng với đơn vị nhưng chỉ một bộ phận nhiệt tình còn khoảng 2/3 diễn viên cho rằng đã quá quen với kiểu diễn xiếc đương đại, quay lại diễn truyền thống họ không quen. Bộ phận này nghỉ ở nhà, thậm chí không đến cơ quan vẫn được hưởng mọi chế độ lương, phụ cấp của đơn vị.
Nhà nước đào tạo, tư nhân được hưởng
Nghệ sỹ Nguyễn Văn Dũng khẳng định rằng, bản thân lãnh đạo LĐXVN cũng đã rất cố gắng tìm đầu ra cho các chương trình xiếc nhưng vẫn chưa kéo được khán giả.
“Nghệ sỹ mà không có khán giả thì không có đời sống. Ngay cả chúng tôi những người quyết định ở lại cũng đang rất trăn trở để tìm đường hướng thế nào để đào tạo và đưa ra được nhiều chương trình mới để tiếp cận được với thị trường, với khán giả. Nhưng vì thế mà cũng cần phải có những chia sẻ với lãnh đạo vì đào tạo ra một diễn viên phải mất một quá trình với bao nhiêu công sức, tiền của, thời gian… Lãnh đạo cũng muốn có nhiều cơ hội để các diễn viên được cống hiến nhưng đâu phải một sớm một chiều đã làm được ngay điều đó”.
Diễn viên trẻ Trần Ngọc Dũng, một thành viên trong vở xiếc “Làng tôi” đã quyết định ở lại cho biết, anh ở lại không chỉ vì tình nghĩa mà vì thấy mình cũng cần phải có trách nhiệm với Liên đoàn dù “Làng tôi” không diễn được diễn nữa.
“Tôi vừa tham gia một lớp đào tạo ngắn hạn làm ánh sáng và mới được giao một cương vị mới là làm kỹ thuật ánh sáng. Số lượng và thu nhập cứng từ bằng Trung cấp xiếc có khoảng 4 triệu thế nhưng tôi thấy lòng mình thanh thản. Con không chê cha mẹ khó, dẫu điều kiện ở LĐXVN còn khó khăn, vất vả... thì việc mình từ bỏ đơn vị, những người đã xây dựng nên xiếc “Làng tôi” để mang đi diễn cho người khác, tôi cảm thấy không đành”.
Ông Phạm Xuân Quang - Phó Giám đốc LĐXVN cũng cho rằng, trong cơ chế xã hội hoá, các diễn viên cứ nghĩ vai trò của mình lớn, đi ra ngoài sẽ kiếm được nhiều tiền nhưng về sâu xa không ai nghĩ tới việc mình từ đâu ra.
“Nhà nước phải chi bao nhiêu tiền để đào tạo các bạn ấy trong 5 năm. Ra trường, Liên đoàn nhận về cũng phải bỏ bao nhiêu công sức đào tạo lại cho các bạn ấy trong một thời gian khá dài nữa mới ra diễn được. Rồi khi dàn dựng xong vở diễn đưa các bạn ấy đi ra nước ngoài thì Liên đoàn cũng phải bỏ tiền lo trang phục, thủ tục, giấy tờ… cho từng người. Tôi cho rằng, Nhà nước cần xem xét lại chế độ chính sách đối với lĩnh vực đặc thù của nghệ sỹ xiếc. Việc chảy máu chất xám về nhân lực khi đồng lương và thu nhập của nghệ sĩ xiếc còn quá thấp là điều hết sức đau lòng. Nhưng Nhà nước cũng phải có biện pháp và quy định chặt chẽ nhằm ràng buộc nghệ sĩ phải có một khoảng thời gian nào đó cống hiến cho đơn vị. Chúng tôi không thể đào tạo ra nhân lực rồi các công ty tư nhân lại vớt tay trên, lôi kéo nghệ sĩ về làm việc cho họ bằng những hợp đồng béo bở...”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, việc 12 diễn viên xin nghỉ việc tập thể không gây ảnh hưởng gì đến các chương trình khác. Vì hiện tại LĐXVN đang có 3 chương trình và vở “Làng tôi” bây giờ không thực hiện nữa mà đã chuyển qua dàn dựng chương trình mới. Những thành viên của vở xiếc “Làng tôi” ở lại sẽ được lãnh đạo bố trí tham gia các vở xiếc truyền thống hoặc đào tạo để thực hiện lĩnh vực mới.
Hà Tùng Long