VTV nói gì trước việc Trung Quốc cấm phát sóng “Bố ơi, mình đi đâu thế?”

(Dân trí) - Liên quan đến việc Trung Quốc vừa có lệnh cấm phát sóng chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế?” nhằm hạn chế việc các em bé bị khai thác hình ảnh quá đà để kiếm tiền, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - với vai trò Giám đốc Sản xuất của chương trình đồng thời đại diện cho VTV (đơn vị phát sóng) chia sẻ độc quyền với Dân trí về những vấn đề liên quan.

Trung Quốc vừa có lệnh cấm phát sóng chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế?” nhằm hạn chế việc các em bé “một đêm nổi tiếng” nhờ bố mẹ và việc các chương trình truyền hình thực tế xâm phạm đến quyền riêng tư của trẻ em. Vậy liệu chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế?” của Việt Nam có bị ảnh hưởng, có bị dừng phát sóng không, thưa anh?

Chắc chắn là không. Bên cạnh các chương trình giải trí, VTV luôn mong muốn có nhiều chương trình có giá trị nội dung và tính nhân văn cao để phục vụ khán giả. “Bố ơi, mình đi đâu thế?” đã được khán giả đón nhận suốt thời gian qua và bình chọn là chương trình “Giải trí ấn tượng của năm 2015” (VTV award), vượt lên cả những chương trình phát sóng khung giờ thuận lợi hơn, có quy mô dàn dựng lớn, quy tụ nhiều nghệ sỹ nổi tiếng hơn rất nhiều.

Bốn nhân vật nhí tham gia Bố ơi, mình đi đâu thế? mùa thứ nhất. Ảnh: TL.
Bốn nhân vật nhí tham gia "Bố ơi, mình đi đâu thế?" mùa thứ nhất. Ảnh: TL.

Điều đó chứng tỏ tính hấp dẫn và những ý nghĩa sâu sắc mà chương trình đem lại. Khán giả cũng cảm nhận rất rõ sức hấp dẫn của chương trình không đến từ việc sử dụng các yếu tố giật gân, câu khách. Ê-kíp sản xuất luôn cố gắng truyền tải cảm xúc chân thật nhất về tình yêu thương, sự chia sẻ giữa bố con trong suốt hành trình trải nghiệm tại nhiều vùng miền trong nước.

Với tư cách là Giám đốc Sản xuất của chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, một chương trình có format giống với “Bố ơi, mình đi đâu thế" của Trung Quốc, anh nghĩ sao về những nhận định của Trung Quốc cho rằng, chương trình này đã lợi dụng các em bé để kiếm tiền?

Việc thực hiện các chương trình truyền hình liên quan đến trẻ em luôn phải cẩn trọng bởi mặt trái của nó là dễ gây phản ứng do sa đà vào yếu tố câu khách nhằm tạo ra giá trị thương mại. Đôi khi, nhà sản xuất không cố ý nhưng đã vô tình tạo cho các bé những vẻ ngoài hào nhoáng, ngộ nhận tài năng, sự nổi tiếng… Mặt khác, cha mẹ của các bé cũng đóng vai trò quan trọng khi định hướng con cái tham gia các show thực tế. Với thông tin mà bạn nêu, tôi nghĩ những nhà quản lý Trung Quốc đã nhận thấy sự lạm dụng hoặc cách khai thác quá đà hình ảnh các bé sau khi xuất hiện trên truyền hình để ký các hợp đồng quảng cáo, thương mại.

Còn với fomat “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, nếu làm đúng bản chất thì đây là một chương trình ý nghĩa và khơi gợi những giá trị tốt đẹp về sự yêu thương, là bài học cuộc sống và cách làm bố cho chính những người nổi tiếng. Đôi khi vì bận rộn, họ đã lãng quên trách nhiệm với gia đình, với con cái. Việc tham gia một hành trình dài để đi chơi với con mình là cách để những ông bố nổi tiếng thêm cơ hội được chăm sóc và dạy cho con những điều giản dị như bao ông bố khác, thậm chí là giúp họ học cách làm bố, trở nên gần gũi và tâm lý với con mình.

Vậy còn ý kiến cho rằng, chương trình đã lạm dụng các ngôi sao để tạo sự hào nhoáng, gây ảnh hưởng đến tư duy của giới trẻ cũng như tiếp tay cho những quan điểm lệch lạc về sự nổi tiếng?

Có thể những thông tin trên báo chí về “Bố ơi, mình đi đâu thế?” phiên bản Trung Quốc là chưa đầy đủ vì sự lo ngại của những nhà quản lý với các chương trình dành cho trẻ em nằm ở khía cạnh khai thác hình ảnh các bé theo tiêu chí thương mại quá nhiều, dẫn tới nguy cơ làm cho các bé mất đi sự hồn nhiên.

Theo tôi được biết thì ngoài chương trình truyền hình, các nhà sản xuất Trung Quốc còn khai thác hình ảnh các bé ở phiên bản phim điện ảnh, xuất hiện trong các sự kiện, đóng quảng cáo… Vấn đề này hoàn toàn nằm ngoài phạm vi chương trình truyền hình mà phụ thuộc vào sự lựa chọn của gia đình các bé. Chúng ta cũng đã từng có hiện tượng một em bé sau khi tham gia một chương trình giải trí và trở nên nổi tiếng đã bị cuốn theo những lời mời gọi hấp dẫn về tiền bạc để xuất hiện ở rất nhiều sân khấu, hoạt động biểu diễn.

Còn với phiên bản Việt mà chúng tôi thực hiện, những yếu tố như bạn đề cập là vấn đề chúng tôi đã xác định phải loại trừ ngay khi triển khai thực hiện mùa 1. Toàn bộ nội dung của “Bố ơi, mình đi đâu thế?” mùa 1, 2 đều bám sát chặng đường gắn bó giữa bố và con, họ cùng thực hiện những nhiệm vụ để bố con bộc lộ tình yêu thương.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định không ngừng phát sóng Bố ơi, mình đi đâu thế?. Ảnh: ĐTH.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định không ngừng phát sóng "Bố ơi, mình đi đâu thế?". Ảnh: ĐTH.

Thậm chí, nếu khán giả xem số kết thúc mùa 2 được phát sóng vào thứ 7 (ngày 23/4) tuần này sẽ thấy ê-kíp đã hướng các ông bố đến những nhiệm vụ tưởng chừng như đơn giản nhưng có thể lâu nay, do bận rộn, họ đã lãng quên như: tự tay viết một lá thư dành cho con trong một sự kiện đặc biệt của đứa bé. Chính những điều giản dị đó lại mang đến những tình cảm rất đặc biệt và vô cùng ý nghĩa đối với chính những ông bố nổi tiếng.

Theo anh, “Bố ơi mình đi đâu thế?” (Việt Nam) tạo ra những giá trị gì cho các bé khi tham gia chương trình?

Chúng tôi luôn tuân thủ một nguyên tắc khi đưa ra các nhiệm vụ cho những ông bố nổi tiếng là lúc ở bên cạnh con, họ không được phép nghĩ rằng mình là người đặc biệt, đơn giản chỉ là một ông bố bình thường, đôi khi còn rơi vào những hoàn cảnh thiếu thốn vật chất. Họ sẽ phải làm tất cả mọi việc để khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ những bài học, định hướng bé trở thành một đứa con ngoan, sau này lớn lên làm được những điều tốt cho gia đình và xã hội. Có nhiều cảm xúc mà chúng tôi đã cố gắng tạo ra cho các ông bố nổi tiếng, không chỉ là những nụ cười mà còn cả những giọt nước mắt. Đó là những tình cảm thiêng liêng chỉ dành cho con mình và nó cũng giúp cho chính những ông bố nổi tiếng hiểu rõ hơn trách nhiệm của một người bố là luôn phải quan tâm đến con cái, cho dù họ bận rộn đến mức nào.

Vậy chương trình có hoàn toàn chỉ mang đến cho các bé những giá trị ý nghĩa không hay cũng có những ảnh hưởng nhất định?

Như đã nói ở trên, ảnh hưởng từ việc xuất hiện trên truyền thông đương nhiên là có. Ở mùa 1, chúng tôi luôn trao đổi để các ông bố ý thức việc này và rất cảm động khi 4 ông bố nổi tiếng luôn nhắc nhau hạn chế cho con xem chương trình phát sóng hoặc cần chuẩn bị tâm lý cho các bé khi tham gia chương trình.

Tôi nghĩ việc này là rất cần thiết vì không có người bố nào mong muốn con cái mình ngay từ bé đã bị tác động bởi yếu tố nổi tiếng. Mặt khác, những nội dung mà chương trình khai thác không nhằm vào yếu tố câu khách từ những sự kiện diễn ra ồn ào hoặc được dàn dựng. Cảm xúc tự nhiên của những đứa trẻ chính là yếu tố quan trọng để dẫn dắt sợi dây tình cảm cha con, qua đó tạo ra sự hấp dẫn cho chương trình.

Liên quan đến chuyện cát-sê, những nhận định của Trung Quốc cũng ít nhiều khiến khán giả Việt Nam nghĩ cát-sê của các nhân vật tham gia “Bố ơi, mình đi đâu thế?” của Việt Nam cao lắm. Anh có thể chia sẻ một chút về mức cát-sê của các nhân vật tham gia chương trình mùa 1 và mùa 2?

Khi mời các ông bố nổi tiếng tham gia “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, ngoài hợp đồng rất rõ ràng về trách nhiệm của nhà sản xuất và gia đình, điều khiến các ông bố nhận lời tham gia không phải chỉ là yếu tố thù lao, mà họ nhận thấy những giá trị mà chương trình đem lại cho chính bố con họ. Điều đó đã được khẳng định khi mùa 1, mùa 2 kết thúc, các cặp bố con đã thực sự trở thành những người bạn của nhau và học hỏi lẫn nhau để mình trở nên hoàn thiện hơn. Đấy cũng là lý do mà nhạc sỹ Minh Khang, bé Suti đã tham gia cả mùa 1, 2 với chúng tôi.

Một trong những hình ảnh của Bố ơi, mình đi đâu thế? mùa thứ 2. Ảnh: TL.
Một trong những hình ảnh của "Bố ơi, mình đi đâu thế?" mùa thứ 2. Ảnh: TL.

Được biết, “Bố ơi, mình đi đâu thế?” mùa thứ 3 sắp sửa phát sóng. Anh có thể bật mí đôi chút về chương trình này? Nó có gì đổi mới hơn so với 2 mùa cũ? Các nhân vật tham gia chương trình mùa 3 là những nhân vật như thế nào?

Sự xuất hiện của các cặp bố con của mùa 3 sẽ xuất hiện ngay sau khi mùa 2 kết thúc. So với các mùa trước, các bé ở mùa 3 có độ tuổi nhỏ hơn và đó là yếu tố mang đến sự mới mẻ và những điểm thú vị rất đặc biệt mà có lẽ mùa 1, 2 không có. 4 ông bố nổi tiếng sẽ gồm một ca sỹ rất cá tính, 1 doanh nhân hài hước có tính nghệ sỹ cao, 1 diễn viên điển trai từng xuất hiện trong nhiều bộ phim gần đây và 1 nghệ sỹ đang thử sức ở vai trò nhà sản xuất nghệ thuật. Đây là 4 cặp bố con có những sự khác biệt về phong cách, về cách dạy con… nhưng có một điểm chúng, tất cả đều rất bận rộn và chưa bao giờ đi chơi với con trong một thời gian dài.

Có thông tin rằng, “Bố ơi, mình đi đâu thế?” đang là chương trình truyền hình thực tế dẫn đầu về lượng rating trên VTV. Sự thật của chuyện này là thế nào?

Chuyện này hoàn toàn dễ hiểu vì chương trình đã chạm đến trái tim của khán giả. Họ cùng vui, cùng xúc động với những tình cảm của các ông bố dành cho con. Quan trọng hơn, khán giả khi xem chương trình đã thêm một lần nữa cảm nhận thấy những giá trị lớn lao của tình yêu thương và giá trị về gia đình. Khi ở bên cạnh con, sự trưởng thành và khôn lớn từng ngày của các bé đã khiến các ông bố giật mình thấy thời gian trôi đi rất nhanh. Đừng để công việc và những sự bận rộn cuốn chúng ta đi vì thành công và tiền bạc cũng không thể so sánh được với những khoảng khắc ở bên cạnh người thân và gia đình, con cái.

Cám ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long